Học sinh ném dép vào cô giáo ở Tuyên Quang: Không thể chấp nhận được
Để bạo lực học đường xảy ra sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả. Do đó, phải ngăn chặn, phát hiện sớm những nguyên nhân sâu xa trong quan hệ thầy trò, trong tư tưởng đạo đức… để có thể hạn chế ngay từ đầu.
Tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 6/12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã giải đáp nhiều nội dung liên quan tới việc dạy thêm, học thêm, đặc biệt là vấn đề bạo lực học đường.
Làm rõ nguyên nhân vụ học sinh xúc phạm giáo viên ở Tuyên Quang
Theo ông Sơn, liên quan đến vụ việc một nhóm học sinh có hành vi chưa đúng chuẩn mực với cô giáo tại tỉnh Tuyên Quang, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo, xác minh làm rõ việc này.
Cho rằng vụ việc rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận, theo ông, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và nhà trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan một cách khách quan, thấu đáo. Trên cơ sở đó, phải có những biện pháp để xử lý nghiêm, những gì là trách nhiệm của giáo viên, trách nhiệm liên quan đến nhà trường, lãnh đạo nhà trường; những gì liên quan đến học sinh, trách nhiệm của phụ huynh. Phải xem xét tổng thể để có những biện pháp xử lý vướng mắc, chấn chỉnh và rút kinh nghiệm sâu sắc việc này.
Qua vụ việc trên, ông Sơn nhấn mạnh vấn đề bạo lực học đường là vấn đề chung, cần phải quan tâm và phải có biện pháp. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những biện pháp liên quan đến giáo dục và quản lý.
Ông cũng cho rằng biện pháp kỷ luật là đối với một vụ việc cụ thể, nhưng về lâu dài, biện pháp căn cơ chính là giáo dục và quản lý. Trước hết, việc liên quan đến giáo dục thì phải xem đội ngũ giáo viên.
"Chúng tôi luôn bảo vệ các nhà giáo nhưng cũng phải nhìn lại đội ngũ giáo viên từ đào tạo, bồi dưỡng đến quá trình sử dụng, tuyển dụng. Đánh giá cả về chuyên môn và phẩm chất, những kỹ năng xử lý, cả giáo viên môn học và giáo viên chủ nhiệm; công tác giáo dục tuyên truyền học sinh trong nhà trường thực hiện như thế nào," ông Hoàng Minh Sơn cho hay.
Ông Sơn chia sẻ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn đầy đủ nhưng công tác triển khai cụ thể, năng lực, kỹ năng của từng nhà giáo như thế nào thì phải rà soát đánh giá kỹ lưỡng.
Liên quan đến tăng cường giáo dục đạo đức, kỷ luật… ông cho biết đều có văn bản hằng năm và kế hoạch nhưng cần đánh giá hiệu quả của từng trường, từng lớp như thế nào. Hơn nữa, việc tuyên truyền giáo dục học sinh không chỉ đánh giá hiệu quả mà còn đánh giá việc học sinh chấp hành như thế nào, phải theo dõi thường xuyên. Đối với nhà trường, cần thường xuyên đánh giá việc quản lý.
"Chúng tôi cho rằng để một vụ việc xảy ra như thế dẫn đến rất nhiều hậu quả nên phải ngăn chặn, phát hiện sớm những nguyên nhân sâu xa trong quan hệ thầy trò, trong tư tưởng đạo đức, trong lớp như thế nào, diễn biến tâm lý ra sao… để có thể hạn chế ngay từ đầu. Quản lý nhà trường, quản lý lớp phải nắm được những cái đó để thực hiện," ông Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hoành Minh Sơn cho rằng giáo dục học sinh không chỉ trong nhà trường, gia đình mà phải có quan hệ chặt chẽ với phụ huynh và cuối cùng là trách nhiệm của toàn xã hội.
“Trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các cơ sở đào tạo làm tốt việc đào tạo đội ngũ giáo viên, các chương trình giảng dạy và đặc biệt là tư tưởng đạo đức, quản lý Nhà nước và việc phối hợp với phụ huynh…,” ông nhấn mạnh thêm.
Hoàn thiện quy định về dạy thêm, học thêm
Chia sẻ về đề xuất dư luận là đưa dạy thêm và học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Thứ trưởng Sơn cho biết ngày 16/5/2012, Bộ đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 17).
Việc ban hành Thông tư 17 ở thời điểm năm 2012 dựa trên cơ sở pháp lý là dịch vụ tổ chức dạy thêm, học thêm được đưa vào danh mục trong Luật Đầu tư là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chính vì vậy, Thông tư 17 mới có cơ sở để quy định điều kiện về tổ chức dạy thêm học thêm.
Ví dụ như điều kiện tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường: Đối với các cơ sở và tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường thì phải có những cam kết với Ủy ban Nhân dân các cấp từ cấp phường, xã cho đến cấp quận, huyện để đảm bảo yêu cầu về việc tổ chức dạy thêm học thêm, công khai về tổ chức, địa điểm, mức phí, đội ngũ…
"Thông tư 17 cũng có các điều khoản quy định đối với người dạy thêm, đối với người đứng ra tổ chức dạy thêm, học thêm, điều kiện về cơ sở vật chất... vì đây là loại hình rất đặc biệt, tác động đến học sinh. Nhưng sau này, dạy thêm, học thêm được đưa khỏi danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và vì thế Thông tư 17 phải bãi bỏ những điều khoản, quy định tương ứng. Trên thực tế, khi bãi bỏ đã có những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý đối với việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tại các địa phương," ông nói.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ giáo dục và Đào tạo tiếp tục đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bộ đã 2 lần có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nội dung này.
"Nếu đưa dịch vụ tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ Giáo dục và Đào sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 17 hiện hành, trong đó, sẽ quy định cụ thể những điều kiện tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; đưa dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ pháp lý, đồng thời ngăn ngừa những trường hợp dạy thêm, học thêm không đúng theo nguyện vọng, mong muốn của học sinh," Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh…/.