Học sinh nghiên cứu, sáng tạo góp sức phòng, chống dịch

Phát huy kiến thức đã học, sự sáng tạo và tấm lòng nhân ái, thầy và trò Trường THPT số 1 Lào Cai đã tự nghiên cứu, chế tạo giàn khử trùng toàn thân tự động và cây ATM gạo hỗ trợ người nghèo; góp sức phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Giàn phun khử khuẩn toàn thân tự động do học sinh Trường THPT số 1 Lào Cai nghiên cứu, lắp đặt để phòng, chống dịch Covid-19.

Giàn phun khử khuẩn toàn thân tự động do học sinh Trường THPT số 1 Lào Cai nghiên cứu, lắp đặt để phòng, chống dịch Covid-19.

Phát huy kiến thức đã học, sự sáng tạo và tấm lòng nhân ái, thầy và trò Trường THPT số 1 Lào Cai đã tự nghiên cứu, chế tạo giàn khử trùng toàn thân tự động và cây ATM gạo hỗ trợ người nghèo; góp sức phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

6 giờ 30 phút sáng hằng ngày, các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh của Trường THPT số 1 Lào Cai có mặt, lần lượt đi qua giàn máy phun khử trùng toàn thân tự động đặt ngay ở cổng trường. Chỉ mất 20 giây, toàn bộ người và xe đã được phun khử trùng, bảo đảm nhanh gọn, an toàn, tác dụng phòng dịch Covid-19 cao.

Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Tuyết Thanh đánh giá, nhờ có hệ thống khử khuẩn tự động này đã rút ngắn thời gian, giải quyết được việc ùn tắc cục bộ ở cổng trường, bảo đảm an toàn giao thông (vì cổng trường ngay cạnh đại lộ Hoàng Liên, ở vị trí giao cắt ngã ba của trung tâm TP Lào Cai). Ðây là sản phẩm từ sự sáng tạo của thầy, trò nhà trường, kết tinh từ quá trình học tập, nghiên cứu khoa học, áp dụng kiến thức vào đời sống thực tiễn. Trường THPT số 1 Lào Cai hiện có khoảng hơn 1.000 cán bộ, giáo viên và học sinh, để thực hiện rửa tay sát khuẩn phải mất khoảng từ 1 đến 1,5 giờ, hệ thống rửa tay phải nhiều ô, nhiều bồn khó giãn cách. Mặt khác, nhà để xe cho học sinh lại ở sâu trong trường, nếu rửa tay xong mới cất xe hoặc cất xe xong rồi rửa tay đều bất tiện, việc ùn ứ học sinh ở khu cổng trường là khó tránh khỏi, gây mất an toàn giao thông.

Hệ thống giàn phun khử trùng này ra đời từ ý tưởng của nhóm học sinh trong câu lạc bộ khoa học của nhà trường, do em Lê Hoàng Quốc, lớp 12D1 làm nhóm trưởng, cùng với Nguyễn Hoàng Long lớp 12A3, Trần Huy Long lớp 10A1, dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Tiến Dũng, giáo viên Vật lý và thầy Nguyễn Trung Cao, giáo viên Tin học. Từ ý tưởng sản xuất giàn phun khử trùng tự động và sát khuẩn, thầy và trò đã phân công nghiên cứu và miệt mài làm việc theo nhóm, như: cơ khí, lập trình, điện... Khi gặp vấn đề khó thầy, trò cùng bàn bạc tháo gỡ, kết quả chỉ sau năm ngày làm việc, giàn phun khử trùng toàn thân tự động đã hoàn thành. Ðây là hệ thống được thiết kế hệ thống cơ khí tối ưu bảo đảm độ thoáng, hệ thống đèn, tia chiếu, nhiệt độ 45 đến 50 oC, hệ thống đủ cho người và xe mô-tô đi qua để khử trùng. Hệ thống gồm ba cửa độc lập, tương ứng ba hàng người và xe đi vào.

Trưởng nhóm Lê Hoàng Quốc cho biết, mục tiêu hệ thống hướng tới là tiêu diệt các vi khuẩn, vi-rút, nấm mốc, bào tử... bằng nhiệt độ và các tia chiếu làm vỡ màng, tạo sốc nhiệt chết vi-rút. Hệ thống được thiết kế gồm cảm biến phát hiện người để tự động phun, có đèn tín hiệu, vòi phun tơi (sương mù mịn) với tám vòi phun/cửa từ nhiều hướng không gây ướt và giúp khử khuẩn toàn bộ cơ thể và phương tiện trong thời gian từ 25 đến 30 giây. Ngoài ra, hệ thống còn được lắp đặt đèn chiếu hồng ngoại thường dùng trong khử khuẩn y tế để bảo đảm nhiệt độ và tăng cường chức năng khử trùng. "Hôm đưa hệ thống giàn phun khử khuẩn toàn thân tự động vào hoạt động đúng ngày đầu chúng em quay trở lại trường học tập sau thời gian giãn cách xã hội, cả nhóm hồi hộp lắm. Khi thấy hệ thống hoạt động trơn tru, các bạn học sinh đi qua cổng trường đều được phun khử khuẩn nhanh, đều, an toàn thì cả nhóm vui lắm, vì đã góp một phần nhỏ phòng, chống dịch Covid-19" - trưởng nhóm Lê Hoàng Quốc chia sẻ.

Không chỉ chế tạo giàn khử khuẩn tự động, trước đó, trong thời gian nghỉ học thực hiện giãn cách xã hội, nhóm học sinh câu lạc bộ khoa học kỹ thuật của Trường THPT số 1 Lào Cai còn tự nghiên cứu, sản xuất thành công cây ATM gạo đầu tiên ở địa phương, để hỗ trợ gạo cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Ðược sự hỗ trợ tích cực của em Vũ Hoàng Long, từng là học sinh duy nhất của đoàn Việt Nam đoạt giải ba trong Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tại Mỹ năm 2019, cựu học sinh của trường và hiện là sinh viên Trường đại học Công nghệ (Ðại học Quốc gia Hà Nội) trong khâu lập trình, kết quả là chiếc máy ATM gạo ra đời. Chiếc máy này lắp động cơ servo Mg996r, điện áp hoạt động 4.8 đến 7.2v, có nút bấm lấy gạo tự động và còi cũng như đèn led báo hiệu. "Máy gồm bồn đựng gạo, gạo chạy theo đường ống xuống, ở giữa có một bộ điều khiển bằng van tự động và nút bấm mini. Mỗi lần nhấn nút, gạo sẽ nhả đúng số lượng 3 kg/lần" - thầy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ. Ngay khi lắp đặt ở cổng trường, cây ATM gạo đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà hảo tâm, cùng giáo viên, phụ huynh, học sinh, các tổ chức trong và ngoài nhà trường. Từ ngày 16 đến 30-4, cây ATM gạo của thầy và trò Trường THPT số 1 Lào Cai đã phát miễn phí 34,5 tấn gạo đến tận tay những người nghèo, gặp khó khăn vì dịch Covid-19, giúp họ chống dịch hiệu quả hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Thanh cho biết, qua các hoạt động trên của nhóm khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, giúp học sinh mang được kiến thức lý thuyết chế tạo ra các máy hữu ích phục vụ cộng đồng, cùng với đó là bài học về sự sẻ chia, biết cho đi trước khi nhận lại. "Ðây cũng là bài học về tinh thần hỗ trợ, đoàn kết, biết sẻ chia với những người khó khăn, yếu thế hơn trong xã hội ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông" - cô Thanh nói.

Bài và ảnh: QUỐC HỒNG, HỒNG THẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/44788002-hoc-sinh-nghien-cuu-sang-tao-gop-suc-phong-chong-dich.html