Học sinh, người dân miền núi Hà Tĩnh xúc động đón nhận 'Điều ước cho em'
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&TĐ về việc hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Báo GD&TĐ kết hợp với ngành chức năng Hà Tĩnh thực hiện chương trình 'Điều ước cho em' tại huyện Hương Khê.
Người dân vùng lũ lần đầu có nhà chống lũ
Chiều 17/1 Đoàn công tác Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Công an Hà Tĩnh, Báo Giáo dục và Thời đại, Sở GD&ĐT, Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh phối hợp tổ chức lễ động thổ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ tại thôn 2, xã Hà Linh. Chính thức trở thành huyện đầu tiên tại Hà Tĩnh có nhà chống lũ cho người dân.
Hà Linh là xã địa bàn rộng, phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị lũ lụt hoành hành. Trung bình, mỗi năm xã phải đón từ 3 - 4 trận lũ. Sống chung với lũ, nên người dân và chính quyền địa phương đã có kinh nghiệm chủ động các phương án phòng tránh lũ.
Tuy nhiên, việc đối phó với lũ lụt của xã Hà Linh cũng còn gặp một số khó khăn, do thiếu thốn về cơ sở hạ tầng. Ông Đặng Văn Cúc, Chủ tịch UBND xã Hà Linh thừa nhận: “Hiện nay, nhà ở của người dân đã được kiên cố hóa để chống lũ nhưng do địa bàn rộng, dân cư rải rác, nên rất khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc tổ chức phối hợp kêu gọi ứng cứu khi có trường hợp khẩn cấp”.
Công trình không chỉ giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn góp phần hoàn thiện các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, giúp các địa phương trên địa bàn huyện phát triển kinh tế - xã hội. Được biết, Hà Linh là xã đầu tiên tại huyện Hương Khê được chọn là nơi thí điểm xây dựng nhà cộng đồng chống lũ.
Theo đó, nhà được thiết kế kiên cố 2 tầng, đảm bảo “3 cứng” (nền - khung cứng, tường cứng, mái cứng….). Đây vừa là nơi hội họp, sinh hoạt của người dân, vừa là điểm tránh lũ cho bà con, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra. Nhà chống lũ 2 tầng, với nguồn kinh phí hơn 2 tỷ đồng, nguồn vốn từ xã hội.
Công trình này có ý nghĩa quan trọng, ngoài việc giúp người dân vùng lũ có điểm sinh hoạt văn hóa, cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội, còn là nơi tránh trú khi thiên tai, lụt bão xảy ra.
“Điều ước cho em” đến với học sinh miền núi
Đoàn Bộ GD&TĐ tiếp tục đến với Trường Tiểu học Phú Phong, Trường Tiểu học Hương Giang (Hương Khê).
Trường Tiểu học Hương Giang là ngôi trường nằm ở vùng có địa hình thấp trũng. Toàn trường có 433 học sinh với 13 lớp học. Cô giáo Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do điều kiện địa hình, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Vào mỗi mùa mưa lũ, trường chịu ảnh hưởng của nước lũ dâng cao, cơ sở vật chất bị hư hỏng, sau lũ cán bộ giáo viên nhà trường lại thêm một lần sửa sang lại trường lớp, sắm sửa thêm đồ dùng dạy và học. Khó khăn bộn bề, nhưng để kêu gọi, hỗ trợ từ nguồn kinh phí của phụ huynh và các tổ chức, cá nhân khác đều rất khó khăn”.
Theo như cô Hà chia sẻ, tháng 11/2020, nhà trường được đầu tư xây dựng một dãy nhà gồm 16 phòng để làm khu vực nhà hiệu bộ, phòng bộ môn, khối hỗ trợ học tập... Tuy nhiên, 16 phòng này về cơ bản chỉ có phần “vỏ” bên ngoài, không có cơ sở thiết bị để hỗ trợ hoạt động.
“Khó khăn nhất của nhà trường hiện nay còn thiếu tất cả cơ sở vật chất của các phòng học bộ môn (âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ, tin học, phòng chức năng của bộ môn hóa, sinh) và trang thiết bị… ảnh hưởng đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học” - cô Đặng Thị Thu Hà nói thêm.
Biết tin chương trình “Điều ước cho em” đến trường, cán bộ, giáo viên, phụ huynh rất vui mừng. Mặc dù thời tiết giá lạnh, có mưa song ngay từ đầu giờ chiều nhiều gia đình đã đưa con đến trường sớm. Các bạn nhỏ đều được mặc ấm, đeo khẩu trang, đi tất chân để đảm bảo sức khỏe.
Dịp này, từ chương trình “Điều ước cho em”, Trường tiểu học Hương Giang đón nhận các món quà: 20 bộ bàn ghế học sinh, 1 bộ máy vi tính, 1 chiếc tivi 55inch. Do Cty CP TM Hồng Hà, Cty CP CNTT Lam Hồng tài trợ.
Trong khi đó, tại trường Tiểu học Phú Phong (xã Phú Phong, huyện Hương Khê), dù giao thông đi lại thuận tiện nhưng điều kiện cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn. Nhà trường chỉ có có 2 nhà vệ sinh tạm bợ với diện tích 4m2 để phục vụ cho 370 học sinh. Mặc dù trường đã đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, hệ thống nhà ăn, ở và lớp học của giáo viên và học sinh còn thiếu, chưa đáp ứng đủ điều kiện để bố trí cho học sinh ở bán trú.
Cô Đặng Thị Thu Hòe, Hiệu trưởng nhà trường cho biết “Năm 2015, trường được đầu tư xây dựng khu bếp ăn với diện tích 25m2 nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh. Hiện nay, nhà trường phải tận dựng thêm khu vực bể bơi để làm nhà ăn bán trú. Tuy nhiên, do trần nhà lợp bằng tôn nên rất nóng bức, ảnh hưởng đến sức khỏe của các em”.
Để chia sẻ khó khăn với các thầy và trò nhà trường, trong dịp này, Bộ GD&ĐT đã đồng hành với các nhà tài trợ, khởi công xây dựng công trình 1 phòng ăn bán trú, 1 công trình vệ sinh cho Trường Tiểu học Phú Phong với mức kinh phí 400 triệu đồng.
Đón nhận món quà của đoàn, cô giáo Đặng Thị Thu Hòe xúc động: “Phải nói là không lời nào tả hết được niềm vui của nhà trường khi cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng. Việc kiên cố nhà bán trú không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh ăn ở tại trường, giúp phụ huynh yên tâm hơn khi gửi gắm con em”.
Tại buổi trao quà, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, thực hiện Chương trình “Điều ước cho em” tại Trường Tiểu học Phú Phong và Trường tiểu học Hương Giang không chỉ hỗ trợ về vật chất mà còn xây dựng tình thương, tình cảm, sự tương trợ giữa các trường, học sinh và giáo viên. Thứ trưởng mong muốn thầy cô giáo tăng cường trao đổi thông tin để hỗ trợ, lan tỏa đến vùng xa hơn, khó hơn.
“Xin cảm ơn Thứ trưởng và Chương trình “Điều ước cho em” đã đến với học sinh nghèo Hương Khê. Chúng tôi luôn mong muốn các em được đầy đủ điều kiện học tập. Chương trình đã rất kịp thời chia sẻ với giáo dục vùng khó, nay đã về đến trường học miền núi.
Tôi tin rằng, những điều tốt đẹp sẽ lan tỏa mạnh mẽ và nhận được đồng thuận lớn của toàn xã hội và tất cả những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo...” – ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch huyện UBND huyện Hương Khê phát biểu.