Học sinh Ninh Bình đoạt giải Nhì tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII
Từ ngày 18-20/4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chung kết Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII.

Nhóm học sinh tỉnh Ninh Bình đoạt giải nhì cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII.
Dự án "Gốm sành nghệ thuật-Clay Heart" của nhóm 5 học sinh: Bùi Duy Hưng lớp 12B, Bùi Minh Nhật 11A, Nguyễn Hà My 11A, Nguyễn Thị Diệu 11D Trường THPT Nho Quan C và Đặng Ngọc Chi 11A5 Trường THPT Nho Quan B đã giành giải Nhì cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII.
Đây là dự án duy nhất của tỉnh Ninh Bình và là một trong 40 dự án của khối học sinh THCS, THPT tham gia vòng chung kết toàn quốc. Điểm đặc biệt là dự án đã gắn với truyền thống quê hương-làng nghề gốm Gia Thủy và đã có nhiều sáng tạo về mẫu mã, quảng bá giúp sản phẩm hấp dẫn, mở hướng phát triển mới cho sản phẩm của làng nghề truyền thống.
Nhóm tác giả đã liên kết với làng nghề gốm Gia Thủy (Nho Quan) để triển khai dự án Clay Heart - Gốm sành nghệ thuật nhằm bảo tồn làng nghề và đưa làng nghề phát triển vươn xa hơn trên thị trường.
Doanh thu của Clay heart đến từ 2 nguồn: nguồn bán các sản phẩm Gốm sành nghệ thuật; kinh doanh dịch vụ trải nghiệm làng nghề. Bộ sản phẩm gốm nghệ thuật trong giai đoạn đã đưa ra thị trường 2 mẫu chính là: Bộ trà Hương Đào Bóng Tre; Bộ sản phẩm gồm tích trà, ấm pha trà, chén, đĩa, hũ đựng trà.
Với dịch vụ trải nghiệm làng nghề, Clay heart đã triển khai thử nghiệm tour học tập trải nghiệm hướng nghiệp tại xưởng gốm Gia Thủy; kết hợp với các đối tác tổ chức mô hình kinh doanh trải nghiệm tạo ra sản phẩm gốm cho du khách trong và ngoài nước.
Gốm sành nghệ thuật Clay Heart khác biệt so với các dòng gốm hiện có trên thị trường với sự độc đáo và sáng tạo vượt trội, nằm ở sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại với thiết kế sáng tạo, đa năng, dễ ứng dụng trong cuộc sống.
Với mức đầu tư 180 triệu đồng cho quý đầu tiên, bao gồm nguyên liệu, thiết bị, marketing và vận hành, nhóm tác giả đã ra mắt bốn dòng sản phẩm gốm nghệ thuật, có giá từ 550.000 đến 1.700.000 đồng. Ngoài ra, dịch vụ trải nghiệm làm gốm với giá chỉ 40.000/người đang mở ra nguồn doanh thu du lịch tiềm năng…
Kết quả mà nhóm học sinh Ninh Bình đã đạt được tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII tiếp tục góp phần khẳng định chất lượng giáo dục của tỉnh không ngừng được nâng cao.