Học sinh sáng tạo mũ phòng dịch di động
Với những người tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19, thay vì phải vào các khu cách ly tập trung, vẫn có thể đi lại, làm việc bình thường nếu sử dụng chiếc mũ phòng dịch đặc biệt này.
Mũ cách ly di động
Ngày 3/7 đã diễn ra "Hội thảo Chính sách đổi mới sáng tạo bao trùm của Việt Nam: Chiến lược thiết kế và thực thi chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) trong giai đoạn phát triển tiếp theo". Hội thảo do UNDP và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội.
Tại đây, UNDP đã giới thiệu sáng chế mũ bảo vệ đường hô hấp sau khi cơ quan này tiếp nhận thông tin về sản phẩm này từ hai bạn trẻ Việt Nam. Đây là sản phẩm của hai học sinh Đỗ Trọng Minh Đức, học sinh lớp 11 Trường Montverde Academy (Mỹ) và Trần Nguyễn Khánh An, học sinh lớp 8 Trường Song ngữ quốc tế Hanoi Academy. Chiếc mũ được đặt tên Vihelm với ý nghĩa Vi là Việt Nam, còn Helm là mũ.
Đỗ Trọng Minh Đức cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các quốc gia trên khắp thế giới. Mới đây, nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Minh Đức và một số du học sinh dưới 18 tuổi đã được ưu tiên trở về Việt Nam tránh dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến căng thẳng tại Mỹ.
Trở về từ Mỹ, chính Minh Đức phải vào khu cách ly tập trung 14 ngày. Ý tưởng làm ra chiếc mũ cách ly xuất hiện khi Đức quan sát đội ngũ bác sĩ trong khu cách ly phải sử dụng đồ bảo hộ rất ngột ngạt và mệt mỏi khi phải làm việc liên tục trong nhiều giờ. Từ đó, Đức và An cùng rủ nhau nghiên cứu ra chiếc mũ, tranh thủ những ngày nghỉ dịch.
Sản phẩm được giới thiệu là thiết bị mũ bảo vệ đường hô hấp, giúp cách ly y tế di động. Nó giúp người đeo vừa phòng ngừa nhiễm/lây bệnh cho người khác trong khi vẫn có thể làm việc bình thường, không phải cách ly tập trung 14 ngày như quy định.
Vihelm là chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp, được bơm không khí liên tục qua một màng lọc giúp ngăn chặn và không để virus đi xuyên qua mũ trong khi đội. Sản phẩm cũng được thiết kế một hệ thống quạt làm thoáng khí, không gây đọng hơi nước bên trong, do đó không làm ảnh hưởng tầm nhìn của người dùng.
Ngoài ra còn có bộ lọc, duy trì áp suất giúp cân bằng không khí trong mũ. Núm nhỏ trên đỉnh đầu giúp người đội gãi đầu khi cần thiết. Những chi tiết nhỏ nhằm hỗ trợ người đội một cách tốt nhất, từ đó có thể mang trong nhiều giờ mà không bị bí, tắc hay khó chịu.
Sau khi hoàn thiện sản phẩm, từ cuối tháng 6, hai bạn trẻ đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ thế giới. Nhờ UNDP giới thiệu, sản phẩm của nhóm được nhiều công ty ở Hàn Quốc ngỏ ý muốn đầu tư để sản xuất số lượng lớn. Mới đây, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cũng đã tổ chức buổi giao lưu trao đổi với hai bạn về sản phẩm này.
Sẽ giới thiệu với quốc tế
Minh Đức chia sẻ, để có thể minh chứng về sản phẩm, nhóm tác giả đã tiến hành thử nghiệm. Nhóm mời nhiều người dùng thử để cảm nhận sự thoải mái. Kết quả là trên 90% người dùng thử thấy rất dễ chịu, thông thoáng, không bị vướng bận khi làm các công việc thường ngày. Ngoài những tính năng thông thường, mũ còn được trang bị thêm một số tính năng như cảm biến đo nhiệt độ, mini camera. Trong phiên bản cải tiến mới nhất còn có găng tay chuyên dụng cùng mũ kèm mặt nạ. Với tính năng thiết kế như vậy, người dùng hoàn toàn có thể làm việc bình thường, không cần phải ở trong các khu cách ly tập trung mà vẫn bảo đảm được phòng dịch trong trường hợp dịch bệnh bùng phát quá rộng.
Vihelm được thiết kế trên nguyên lý hoạt động của mặt nạ có tên là PAPR (PAPR - powered air-purifying respirator) - mặt nạ lọc không khí với các tiêu chuẩn được toàn cầu công nhận và có độ an toàn gấp 100 lần khẩu trang N99. Tuy nhiên, PAPR có nhược điểm lớn như phân tích của Bộ Y tế Hoa Kỳ là không đeo được lâu vì nếu bị ngứa đầu hay mặt thì không sao gãi được. Vì lẽ đó, PAPR ít khi được dùng cho phòng chống dịch bệnh. Để khắc phục nhược điểm của PAPR, Đức và An gắn thêm một găng tay đặc biệt ở đáy mũ, cho phép người dùng gãi mặt, dụi mắt hay thậm chí ăn uống mà vẫn giữ cách ly đường hô hấp với môi trường bên ngoài.
Nhờ đó người dùng có thể đội mũ thoải mái liên tục trong suốt một ca làm việc khoảng 4 tiếng mà không lo bị ngứa hay nóng. Thậm chí họ còn có thể ăn uống các thức ăn chứa trong mũ để có thể làm việc cả ngày trong trạng thái dễ chịu. Găng tay gắn trên mũ giúp chạm với đến các bộ phân trên mặt giúp dụi mắt hay ăn uống mà vẫn mà không cần phải bỏ mũ. Mũ cũng kèm theo khay đựng đồ ăn để y bác sĩ chuẩn bị những phần ăn nhẹ, nhanh chóng nạp năng lượng để có thêm nhiều thời gian gian nghỉ ngơi hơn.
Nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm đang tìm kiếm các chuyên gia hỗ trợ về ý tưởng vật liệu cũng như đầu tư tài chính để có được chiếc mũ Vihelm ở phiên bản hoàn chỉnh nhất. Trước mắt, nhóm dự định vào tháng 8 tới đây sẽ đem sản phẩm tham dự cuộc thi sáng chế quốc tế ở Canada.
Hy vọng qua cuộc thi này, từ ý tưởng ban đầu sẽ phát triển thành một sản phẩm hoàn thiện hơn, đẹp mắt hơn, có nhiều tiện ích hơn nữa để có thể nâng cao khả năng thương mại hóa, phục vụ công tác phòng chống dịch, đặc biệt ở nhiều nơi dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát mạnh mẽ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-sang-tao-mu-phong-dich-di-dong-1596431828038.html