Học sinh thắc mắc về hình minh họa trong sách giáo khoa Ngữ văn 6
Sau khi học xong văn bản Thánh Gióng, em Hồ Vĩnh Nguyên, học sinh lớp 6A5 Trường Trung học cơ sở Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc - tỉnh Thanh Hóa) nêu thắc mắc về hình ảnh minh họa trong cuốn sách này.
Giặc Ân tóc đuôi sam?
Học sinh này thắc mắc hình minh họa tên lính thời nhà Ân trong bài "Thánh Gióng", sách giáo khoa Ngữ văn 6 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống để tóc đuôi sam liệu có đúng? Bộ sách này do Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Nội dung văn bản "Thánh Gióng" có đoạn miêu tả Thánh Gióng đánh giặc Ân: "Tráng sĩ mặc áo giáp vào, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, phi thẳng đến chỗ quân giặc đóng. Tráng sĩ xông vào trận đánh giết; giặc chết như ngã rạ. Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ."
"Kèm theo bài Thánh Gióng (trang 8) là hình vẽ Thánh Gióng nhổ cây tre ngà quật vào giặc Ân. Tên lính để lộ ra tóc đuôi sam vốn là kiểu tóc của người Mãn Châu thời nhà Thanh. Theo em được biết, ngoài người Mãn Châu, rất nhiều dân tộc khác vào thời nhà Thanh, đặc biệt là người Hán cũng bị ép buộc phải cạo nửa đầu và tết tóc.
Trong khi đó, nhà Ân (còn gọi là Ân Thương) vào thời kì trước Công nguyên không bắt người dân phải cạo nửa đầu và tết tóc đuôi sam. Em nghĩ sách giáo khoa lấy hình minh họa chưa chính xác. Em mong tác giả sách giáo khoa kiểm tra lại hình ảnh này", em Hồ Vĩnh Nguyên nêu ý kiến.
Học sinh thắc mắc là có cơ sở
Bình luận về hình minh họa nội dung bài học "Thánh Gióng" có tên lính thời nhà Ân để tóc đuôi sam, thầy giáo Phan Anh, giáo viên Ngữ văn bậc học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, nhìn hình ảnh kẻ thù ngã xuống đất được minh họa trong sách giáo khoa thì đúng. Tuy nhiên, tên lính để kiểu tóc giống như tóc đuôi sam thời nhà Thanh (Trung Quốc). Tương truyền giặc Ân sang xâm lược nước ta vào thời kì trước Công nguyên. Thời đó chưa thấy sử sách nào ghi lại người dân (nam giới) để tóc dài như đuôi sam.
"Nhà Thương (còn gọi là Ân, thế kỷ XVI – XII trước Công nguyên), người sáng lập là Thành Thang. Tôi tìm hiểu về thời Tam Hoàng, Tam Đại, Tam Đế và coi lại lịch sử thời Hạ, Thương, Chu của Trung Quốc thì không thấy sử liệu nào nói người dân (đàn ông) thời nhà Ân tết tóc đuôi sam cả", thầy Nguyễn Hoàng H., tổ trưởng chuyên môn tổ Lịch sử một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp thêm thông tin.
Theo thầy Nguyễn Hoàng H., tóc đuôi sam từng là kiểu tóc đặc trưng của đàn ông Mãn ở Mãn Châu rồi sau đó được áp đặt cho người Hán vào thời nhà Thanh (1644 – 1911). Lệnh cạo đầu là một loạt các chỉ dụ được nhà Mãn Thanh áp đặt cưỡng bức trong thế kỷ 17. Tóc đuôi sam bị bãi bỏ hoàn toàn sau khi người Hán đã ép hoàng đế Mãn Châu thoái vị để chuyển sang Nhà nước Trung Hoa Dân Quốc sau Cách mạng Tân Hợi vào năm 1912.
Nhận định về kiểu tóc đuôi sam, nhà văn nổi tiếng Lỗ Tấn của Trung Quốc từng đưa ra đánh giá: "Chính phủ Thanh triều vào thời điểm bắt người có thể dùng tóc đuôi sam của nạn nhân để thay cho dây thừng. Hơn nữa nếu bắt được nhiều tội phạm, chỉ cần nối đuôi sam của họ là có thể dễ dàng áp giải một hàng dài".
Như vậy, đối với những người phạm tội, phần tóc đuôi sam còn có thể được dùng như một thứ dây trói để khiến họ khó lòng trốn thoát. Chưa dừng lại ở đó, kiểu tóc này còn được cho là rất thuận tiện cho việc thi hành án chém đầu cũng như thu thập thi thể của phạm nhân. Xuất phát từ những điều này, nhà cách mạng Trung Hoa Tôn Trung Sơn từng cho rằng kiểu tóc đặc trưng của đàn ông Thanh triều vốn là thứ tượng trưng cho "sự sỉ nhục".
Ý kiến của học sinh cũng là căn cứ để tác giả sách Ngữ văn 6 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, tìm hiểu lại hình ảnh minh họa Thánh Gióng giết giặc Ân và tham vấn Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam để có thể xem xét chỉnh lí cho lần tái bản sau.