Học sinh tham gia nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, trong các năm học qua, đơn vị tổ chức những chiến dịch, cuộc thi về bảo vệ môi trường, thi đua phân loại rác thu hút đông học sinh các trường học tham gia.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, trong giai đoạn 2022-2025, đơn vị đã có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục học sinh, giáo viên trong các nhà trường về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu là nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kĩ năng cho học sinh về ý thức bảo vệ môi trường. Khi học sinh được trang bị kiến thức, ý thức các em sẽ vừa là người thực hành vừa là một tuyên truyền viên tích cực vận động gia đình, người thân và xã hội chung tay đẩy mạnh phong trào học sinh Thủ đô thực hiện văn minh đô thị, chung tay làm sạch, bảo vệ môi trường.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, triển khai kế hoạch của Sở GD&ĐT trong năm học vừa qua đơn vị có tổ chức loạt giải pháp trong đó có cơ sở vật chất đảm bảo các yêu cầu thiết yếu về vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp.

Bên cạnh đó, các nhà trường cũng dạy học sinh kiến thức cơ bản về môi trường, mối quan hệ giữa con người và môi trường xung quanh, sự ô nhiễm và suy thoái môi trường, biện pháp bảo vệ môi trường.

Cụ thể như, Phòng GD&ĐT thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên và nhân viên nhà trường về các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường và phân loại rác.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình trong một hoạt động cùng học sinh.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình trong một hoạt động cùng học sinh.

Các nội dung tuyên truyền về môi trường cũng được lồng ghép đưa vào chương trình giảng dạy. Điều này bao gồm các bài học, dự án và hoạt động ngoại khóa liên quan đến bảo vệ môi trường và phân loại rác.

Đặc biệt, Phòng GD&ĐT cũng phát động các chiến dịch và cuộc thi về bảo vệ môi trường như: Thi đua phân loại rác, thiết kế tranh ảnh tuyên truyền hoặc viết bài luận về môi trường... Những hoạt động này thu hút đông đảo học sinh tham gia, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn khiến các giờ học, hoạt động ngoài giờ trở nên hấp dẫn, lí thú.

Nhiều học sinh đã sáng chế ra những sản phẩm sáng tạo có tính ứng dụng thực tế rất tuyệt vời như: Mô hình phân loại rác thải bằng công nghệ AI của Trường TH Kim Đồng; Hệ thống thu gom Pin và rác thải điện tử thông minh sử dụng công nghệ IoT của Trường TH Nguyễn Trung Trực; Hệ thống tưới cây tự động đa cảm ứng kết hợp Iot của Trường THCS Giảng Võ.

Từ hiểu đến thấm và thực hành

Khi triển khai chương trình đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các trường học, thu hút hàng chục nghìn học sinh tham gia. Một số trường học được chọn làm mô hình thí điểm để triển khai các phương pháp phân loại rác tiên tiến. Ví dụ như, Trường tiểu học Hoàng Diệu được đầu tư xây dựng khu phân loại rác riêng biệt.

Khi triển khai có hiệu quả, các trường chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau và kết quả với các trường khác, giúp mở rộng và áp dụng các phương pháp hiệu quả.

Học sinh Trường tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình trong một giờ học về phân loại rác.

Học sinh Trường tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình trong một giờ học về phân loại rác.

Cũng theo ông Thuận, hiện nay các trường học triển khai giáo dục về phân loại rác, bảo vệ môi trường theo nhiều cách thức khác nhau, thời gian kéo dài nên học sinh sẽ được cung cấp kiến thức để hiểu đến thấm, ngấm và làm theo thành thói quen.

Ban đầu, Phòng GD&ĐT phối hợp với các tổ chức và doanh nghiệp để cung cấp thùng rác phân loại và các công cụ hỗ trợ khác cho các trường học. Điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện phân loại rác tại nguồn.

“Tổ chức các buổi ngoại khóa và hoạt động thực tế các buổi ngoại khóa như dọn dẹp môi trường, trồng cây, hoặc tham quan các cơ sở xử lý rác thải giúp học sinh có cái nhìn thực tế và rõ ràng hơn về vấn đề bảo vệ môi trường”, ông Thuận nói.

Một vấn đề quan trọng nữa đó là tăng cường truyền thông và tuyên truyền cho học sinh bằng cách sử dụng website trường, bảng tin, và các phương tiện truyền thông xã hội giúp lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường và thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng.

Nhiều khó khăn, cản trở

Sau thời gian tổ chức nhiều hoạt động đến từng trường học, ông Thuận thấy rằng, vẫn có tình trạng học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường chưa hoàn toàn hiểu rõ tầm quan trọng của việc phân loại rác, cũng như cách phân loại đúng. Điều này có thể dẫn đến việc thực hiện không chính xác hoặc không nhất quán.

Một số trường học có thể thiếu các thùng rác phân loại riêng biệt, hoặc các thùng rác có thể không đủ rõ ràng và dễ sử dụng, khiến việc phân loại trở nên khó khăn.

Điều quan trọng nữa đó là việc thu gom và vận chuyển rác đã phân loại cần có sự phối hợp chặt chẽ, có quy trình rõ ràng giữa các đơn mới có thể đem lại hiệu quả. Việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo và quản lý phân loại rác có thể đòi hỏi chi phí cao, điều này có thể là một rào cản đối với nhiều trường học.

Sáng 20/8 tới, Báo Tiền Phong phối hợp với Phòng GD&ĐT quận Ba Đình tổ chức Hội nghị tập huấn phân loại rác tại nguồn cho giáo viên, học sinh trên địa bàn quận Ba Đình.

Hội nghị có sự tham dự của các chuyên gia, diễn giả đến từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn Việt Nam) cùng gần 150 đại biểu là giáo viên, học sinh trên địa bàn quận Ba Đình.

Tại Hội nghị, các thầy cô và các em học sinh sẽ được chuyên gia chia sẻ nhiều thông tin hữu ích như hiện trạng và chính sách quản lý rác thải sinh hoạt, kinh nghiệm và giải pháp giảm rác từ quốc tế tới Việt Nam, lộ trình phân loại rác tại nguồn của thành phố Hà Nội. Các thầy cô và các em học sinh cũng được thực hành phân loại rác tại nguồn theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhiều trò chơi thú vị, bổ ích như game rung chuông vàng, trò chơi đi tìm sứ giả xanh xen lẫn các bài giảng, giúp các nội dung được trình bày dễ hiểu, sinh động.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoc-sinh-tham-gia-nhieu-chien-dich-bao-ve-moi-truong-post1664031.tpo