Học sinh THPT khó hiểu nội dung trong SGK Tiếng Việt 1, nhiều phụ huynh 'phát cáu' khi dạy con học bài
Một số nội dung trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 được cho là nhảm nhí, thiếu tính giáo dục. Không chỉ vậy, nhiều người còn cho rằng không ít khái niệm được 'đánh tráo' một cách cẩu thả, thiếu kiểm soát.
Đến học sinh THPT cũng khó tiếp cận
Nhiều phụ huynh không thể lí giải vì sao trong một cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 lại có quá nhiều "sạn" như vậy.
Cụ thể, trong bài tập đọc "Chuột út", bộ sách Cánh Diều đưa ví dụ: "Mẹ bận làm bếp. Chuột út buồn, lũn cũn đi ra sân. Đến trưa, về nhà, nó ôm mẹ kể: Mẹ ạ, trên sân có một con thú dữ lắm. Mũ nó đỏ, mỏ nhọn, mắt thô lố. Nó quát rõ to. Con sợ quá. Chuột mẹ đáp: Con thú đó rất hiền. Nó chỉ muốn đùa con. (Theo Lép-Tôn-Xtôi)".
Chị Nguyễn Thị Hải Anh (ngõ 63, Trần Quốc Vượng, Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi băn khoăn khi kèm con học bài: "Tôi thấy quá vô lý khi con gà trống bình thường vốn dĩ rất hiền lành thì nay lại được gọi là "thú dữ". Kể cả là sáng tạo đi nữa cũng không thể hợp lý được. Tôi thấy sách Tiếng Việt này còn không bằng cuốn trước đây chúng tôi được học khi quá nhiều điều khó hiểu. Người lớn còn mông lung trẻ con hiểu sao cho đúng".
Đáng chú ý không chỉ gọi sai về khái niệm, nhiều câu chuyện được trích dẫn trong SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều cũng gây băn khoăn về tính nhân văn, độ hợp lý khi tiếp cận, đặc biệt là hai câu chuyện "Cua, cò và đàn cá", "Ve và gà".
Trong câu chuyện "Cua, cò và đàn cá" nội dung được thể hiện như sau: "Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần chén hết đàn cá".
Còn câu chuyện "Ve và gà", nội dung lại được thể hiện là: "Mùa thu đi qua. Cỏ lá khô cả. Nhà ve chả có gì. Ve gặp gà, ngỏ ý: Chị… cho ve tý gì nhé. Gà cho ve và thủ thỉ: Ve chăm múa và chăm làm nữa sẽ chả lo gì".
Thật không thể hình dung đây là một câu chuyện có thể đưa vào chương trình dành cho học sinh lớp 1. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên với 5 em học sinh trình độ lớp 10 thì đều phải mất đến gần 5 phút để ngẫm nghĩ sau khi đọc để hiểu được hai câu chuyện trên.
Nguyễn Huy Lâm (học sinh lớp 10D5, trường THPT Phan Đình Phùng, thành phố Hà Tĩnh) cho biết: "Em không hiểu cụ thể nội dung của câu chuyện. Cô giáo bọn em bảo khi dùng từ "chén" là phản cảm sao lại cho vào có trong đoạn trích. Em và các bạn đều không hiểu gà "chăm múa" và "chăm làm" nghĩa là gì".
Còn Nguyễn Ngọc Phương (lớp 12D2, THPT Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: "Bọn em đã từng đọc câu chuyện này ở phiên bản của La- Phông ten, thực sự nội dung rất hay và sâu sắc. Trong những câu truyện trên em chẳng hiểu tác giả muốn đưa đến thông điệp gì. Giá trị về nội dung và nghệ thuật cũng không rạch ròi".
Sau khi biết đây là ngữ liệu dành cho các em học sinh lớp 1, các em học sinh đều không khỏi bất ngờ.
Tổng chủ biên yêu cầu phải... bình tĩnh
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề băn khoăn của phụ huynh, học sinh, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết: "Hiện nay, nhiều người hiểu chưa đúng về cách tiếp cận hai câu truyện trên. Về câu truyện "Ve và gà", đây là câu chuyện được phỏng theo truyện thơ ngụ ngôn "Ve và kiến" của La- Phông ten. Tuy nhiên, do các em chưa học đến vần iên nên phải đổi từ "kiến" thành gà. Câu chuyện này được trính dẫn nhằm giáo dục tinh thần lao động của con người. Về câu chuyện "Cua, cò và đàn cá" trích dẫn theo truyện dân gian Việt Nam nhằm dạy học sinh tính cảnh giác".
Theo tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1, đã có hướng dẫn cho giáo viên cách tiếp cận để dạy học sinh những văn bản này. Là những câu chuyện ngụ ngôn, cách tiếp cận còn tùy thuộc vào tư duy, phẩm chất từng người.
Một giáo viên có đầu óc bình thường không thể hiểu sai bài này được. Chuyện đổi tên nhân vật là quyền của người viết sách khi phỏng theo để đảm bảo phù hợp chương trình.
"Phụ huynh, giáo viên và học sinh nên bình tĩnh hơn khi tiếp cận ngữ liệu trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1", GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ.
Trái ngược với quan điểm trên, Giáo sư Lê Phương Nga - Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Khi làm sách giáo khoa không chọn khai thác các chuyện trên cho học sinh. Để xét về tính đúng sai rất khó trả lời vì bản chất văn học không thể quy kết theo quan điểm cá nhân. Còn phải tùy cách hiểu, góc độ tiếp cận".
Tuy nhiên, theo Giáo sư Lê Phương Nga, có một số điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, quy trình biên soạn sách của chúng ta chưa đầy đủ vì đối tượng thụ hưởng chính là học sinh. Nếu học sinh không thích hoặc thấy khó hiểu. Phụ huynh, giáo viên đọc, tiếp cận sai thì có nghĩa là ngữ liệu chưa hợp lý vì mình không thể đi tranh cãi để giải thích mục đích muốn diễn đạt được. Do đó, cần tránh chọn những câu chuyện, ngữ liệu dễ gây hiểm lầm.
Thứ hai, về các từ khóa diễn giải trong sách giáo khoa bản chất người viết sách không có ý xuyên tạc và bóp méo như nhiều người hiểu mà chỉ cố gắng để trúng vần mà học sinh học đến nhằm dễ hiểu, dễ phát âm.
Không thể phủ nhận những áp lực khi làm sách cho học sinh lớp 1 khi lần thay đổi sách giáo khoa này được sự kỳ vọng rất lớn từ cả xã hội. Càng không phủ nhận sự sáng tạo khi đưa những câu chuyện ngụ ngôn để dạy học sinh đọc viết. Tuy nhiên, bất kể sự sáng tạo nào cũng phải đi kèm với sự chuẩn mực, hợp lý tránh gây bức xúc, trăn trở cho phụ huynh, giáo viên, học sinh. Hàng vạn "chủ nhân tương lai" của đất nước đang được học sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, nếu lệch chuẩn, hậu quả sẽ không thể nào đong đếm được.