Học sinh trung học phổ thông có được điều khiển xe máy?
Học sinh trung học phổ thông thường có độ tuổi từ 15-18 tuổi. Theo quy định pháp luật, học sinh trung học phổ thông có được phép sử dụng xe máy? Loại xe máy nào họ được phép điều khiển?
Học sinh trung học phổ thông được phép điều khiển xe máy loại nào?
Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về độ tuổi của người lái xe như sau:
1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự. [...]
Như vậy, là học sinh cấp trung học phổ thông và đủ 16 tuổi thì chỉ được phép điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3. Còn với loại xe máy có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên, người điều khiển bắt buộc phải trên 18 tuổi và có giấy phép lái xe phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Do đó, các bậc phụ huynh cần lựa chọn xe máy cho con đúng với quy định của pháp luật, phù hợp với lứa tuổi để đảm bảo an toàn giao thông.
Học sinh cần phải có giấy phép lái xe khi điều khiển xe máy không?
Theo điểm a Khoản 2 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì giấy phép lái xe hạng A1 được cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3.
Như vậy, giấy phép lái xe máy chỉ áp dụng với người điều khiển mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên. Vậy nên, người từ đủ 16 tuổi điều khiển xe gắn máy có dung tích dưới 50 cm3 thì không cần thiết phải có giấy phép lái xe khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, khi điều khiển xe máy, học sinh cần chú ý tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông.
Mức phạt với hành vi điều khiển mô tô xe máy khi chưa đủ tuổi
Khoản 11 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP chỉnh sửa, bổ sung cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã quy định mức phạt đối với người chưa đủ tuổi lái xe quy định như sau:
- Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
- Phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;
Đồng thời, người trực tiếp giao mô tô, xe gắn máy cho những đối tượng này điều khiển cũng sẽ bị xử phạt nặng.
Theo khoản 5, Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, hành vi giao xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tham gia giao thông có thể chịu các mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là cá nhân;
- Phạt tiền từ 1.600.000-4.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là tổ chức.
Như vậy, người dưới 16 tuổi chỉ bị phạt cảnh cáo nếu có hành vi điều khiển loại xe máy không đúng với quy định pháp luật. Tuy nhiên, người giao xe máy cho người chưa đủ 16 tuổi điều khiển có thể bị phạt hành chính từ 800.000-2.000.000 đồng.
Thậm chí, nếu người lớn giao xe máy cho thanh thiếu niên không đủ tuổi điều khiển, sau đó gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng như làm chết người thì người giao xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ".
Ví dụ, A học lớp 10 (15 tuổi) và được bố giao cho chiếc Cub (85cc) mới mua lại, chưa sang tên để đi học. Khi đang đi trên đường thì bị cảnh sát giao thông thổi phạt, lập biên bản nhưng A không xuất trình được giấy tờ xe.
Căn cứ theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì A chưa đủ điều kiện để điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Do đó, A sẽ bị xử phạt hành chính đối với hành vi điều khiển xe khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Cụ thể, A sẽ bị phạt cảnh cáo theo Nghị định số 123/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, bố A có thể bị xử phạt hành chính về hai hành vi:
Thứ nhất, chưa sang tên xe nếu bố A là bên nhận chuyển quyền sở hữu xe. Theo điểm a Khoản 4 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung năm 2021), bố A sẽ bị phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng.
Thứ hai, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông. Theo điểm đ Khoản 5 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung năm 2021), bố sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng-2.000.000 đồng.
Ngoài ra, người đứng tên trên giấy tờ xe bị xử phạt hành chính về hành vi không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký xe, biển số xe theo quy định.