Học sinh Trung Quốc 'chạy nước rút' cho kỳ thi đại học sau lệnh phong tỏa vì dịch COVID-19
Sau khi dần kiểm soát được dịch COVID-19, nhiều trường học tại Trung Quốc đã mở cửa đón học sinh đi học trở lại. Đây được coi là thời điểm quan trọng khi nhiều học sinh cuối cấp đang chuẩn bị cho kỳ thi đại học được coi là khốc liệt nhất thế giới.
Ngày 7/4 là ngày bắt đầu học kỳ mới được mong đợi nhất của Yin Shirui, học sinh trung học tại Cám Châu, tỉnh Giang Tây, phía Đông Trung Quốc. Cũng như Yin, nhiều học sinh lớp cuối cấp ở 9 tỉnh của Trung Quốc đã bắt đầu quay lại trường sau kỳ nghỉ Đông kéo dài và nhiều tuần học trực tuyến tại nhà. Học kỳ mới đến muộn hơn 2 tháng so với thông thường vì sự bùng phát của đại dịch COVID-19 nhưng không làm giảm sự hào hứng khi được quay trở lại trường của nhiều học sinh.
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Trung Quốc đã yêu cầu tất cả các trường học phải đóng cửa và tạo điều kiện cho học sinh trên khắp đất nước học trực tuyến trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua.
Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và các ổ dịch được dỡ bỏ phong tỏa, từ tuần trước, nhiều học sinh cuối cấp tại các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Hà Nam, An Huy, Phúc Kiến, Giang Tây, Hải Nam, Hồ Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã quay lại trường tiếp tục học tập.
“Dù khi học trực tuyến, các thầy cô không thể theo dõi sát sao quá trình học tập của từng học sinh, mà chỉ có thể bao quát toàn bộ khối học trong trường, nhưng em vẫn cố gắng dành hầu hết thời gian trong ngày để ôn luyện. Em đã rất mong đợi ngày đến trường để có thể học tập và được tương tác trực tiếp với các thầy cô nhằm cải thiện điểm số của mình”, Yin 17 tuổi, chia sẻ.
Yin cho biết thêm em rất lo lắng vì thứ hạng của mình trong khối đã giảm sút rất nhiều so với 2 tháng trước, từ việc lọt vào top 20 học sinh đứng đầu giảm xuống top 100 trong tổng số 1.200 học sinh của khối.
Giống như Yin, nhiều học sinh cuối cấp tại các trường trung học đang phải chịu áp lực lớn để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh đại học quốc gia khốc liệt, được gọi là bài kiểm tra “gaokao” ở Trung Quốc.
Đây được coi là kỳ thi quan trọng nhất có ý nghĩa quyết định đối với con đường tương lai của nhiều học sinh. Năm nay, do sự bùng phát của dịch COVID-19 nên kỳ thi này bị hoãn lại 1 tháng so với dự kiến, theo kế hoạch sẽ được tổ chức vào ngày 7 – 8/7. Đây cũng là lần đầu tiên kỳ thi này phải thay đổi kế hoạch kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa. Các nhà chức trách ước tính sẽ có trên 10,7 triệu học sinh tham dự kỳ thi “gaokao” trong năm nay.
Dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực, trong đó có cả giáo dục. Nhiều người cho rằng việc học trực tuyến đã giúp học sinh cải thiện kiến thức trong thời gian nghỉ kéo dài, nhưng cũng có một số khó khăn khi áp dụng phương pháp học này.
Yin cho biết trong tháng vừa qua, em đã có một vài bài kiểm tra trực tuyến. Đối với các câu hỏi trắc nghiệm, học sinh sẽ được đưa ra lựa chọn trên máy tính, trong khi câu hỏi tự luận, học sinh phải viết câu trả lời ra giấy, chụp ảnh lại và gửi lên mạng cho giáo viên.
Tuy nhiên, Xie Yiwei, một học sinh cuối cấp của một trường trung ở quận Hoàng Phố, Thượng Hải, lại không được làm bài kiểm tra nào, điều này khiến em lo lắng vì rất khó để đánh giá sự tiến bộ của mình trong lớp.
Theo kế hoạch, học sinh Thượng Hải phải đợi đến ngày 27/4, tức khoảng 2 tuần nữa mới có thể quay lại trường học theo quyết định của chính quyền thành phố. Xie đã hy vọng có thể đến trường học sớm hơn vì em muốn có nhiều tương tác hơn với giáo viên và được gặp gỡ các bạn cùng lớp.
“Em phải học cả ngày lẫn đêm. Thậm chí em còn không ra khỏi nhà suốt 2 tuần. Trong những buổi đến lớp thông thường, em sẽ dành nửa tiếng để đi bộ từ nhà đến trường, tham gia các lớp thể dục 2 buổi một tuần và thường chơi cầu lông với các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, em hầu như không được tham gia bất kỳ buổi tập thể dục nào”, Xie chia sẻ.
Trong khi đó, Jin, một học sinh khác sống tại Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam Trung Quốc, cho biết dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến việc học của em. Nam sinh lớp 12 nói rằng em đã điều chỉnh kế hoạch học tập của mình cho phù hợp với bản thân, sau đó thực hiện kế hoạch đó một cách nghiêm túc.
“Em thích học trực tuyến ở nhà hơn. Em có ý thức học tập nhờ vào sự tự giác của mình. Vấn đề duy nhất là em có xu hướng dành nhiều thời gian học cho các môn mình quan tâm hơn mà bỏ qua những môn em không thích và không giỏi”, Jin nói.
Ông Fan Xianzuo, Giáo sư chuyên ngành giáo dục tại Đại học Sư phạm Hoa Trung ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, cho biết học trực tuyến là lựa chọn duy nhất cho học sinh trung học cuối cấp khi kỳ thi quan trọng nhất sẽ diễn ra trong vài tháng nữa.
“Bên cạnh nhiều ưu điểm, việc học trực tuyến tồn tại một số nhược điểm, bao gồm việc học sinh không thể nhận được sự giải đáp kịp thời từ giáo viên, và học sinh lứa tuổi 17 -18 tuổi, vẫn còn là những đứa trẻ, nhiều em chưa thể tự giác tập trung vào việc học như được kiểm soát tại trường”, ông Fan nói.
Ông Luo Xiaofei, người dân ở Hạ Châu thuộc khu tự trị Quảng Tây, cho biết con trai ông đang là học sinh cuối cấp chỉ đạt được 420 điểm trong tổng số 750 điểm trong các bài thi thử.
“Điểm số của con tôi không thể đủ điểm chuẩn để thi vào các trường đại học. Tôi thực sự lo lắng. Thằng bé tự nhốt mình trong phòng để học và rất ít khi nói chuyện với chúng tôi. Tôi hy vọng nó có thể trở lại trường càng sớm càng tốt”, ông Luo chia sẻ.