Học sinh trường nghề muốn học đại học thì phải có bằng tốt nghiệp phổ thông
Đó là quan điểm trong dự thảo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá cao.
Trước năm 2018, tại nhiều địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các trường (trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng) được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (học 7 môn văn hóa bắt buộc). Người học, sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để nhận được Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài ra, người học nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (4 môn) theo quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT thì cũng được tham dự kỳ thi đại học.
Tuy nhiên, kể từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo không cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông mà chỉ được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 (tức là chỉ được dạy chương trình 4 môn học) để chỉ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chứ không liên thông lên đại học.
Trước thực tế này, tháng 3/2021, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ về việc cho phép các trường trung cấp, cao đẳng đã được sở Giáo dục và Đào các địa phương đồng ý cho giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông thì tiếp tục giảng dạy chương trình này cho người học đến khi có quy định mới. Ngoài ra, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và việc giảng dạy văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đến ngày 15/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo lần 1 Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo dự thảo Thông tư, mục đích giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông nhằm giúp học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học và hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông sẽ được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông để sử dụng trong việc theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
Học sinh được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông được bảo lưu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông nếu có nguyện vọng hoàn thành Chương trình giáo dục trung học phổ thông.
Dự thảo quy định 2 môn học bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 5 môn học lựa chọn là Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Thời lượng học tập của 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán), mỗi môn 270 tiết; thời lượng học tập 5 môn lựa chọn, mỗi môn 180 tiết.
Mỗi ngành, nghề của giáo dục nghề nghiệp, học sinh phải học ít nhất 4 môn học: 2 môn học bắt buộc và ít nhất 2 môn học lựa chọn phù hợp với ngành, nghề đào tạo được quy định.
Muốn học lên đại học thì bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông
Nghiên cứu dự thảo, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá cao tinh thần, nội dung của dự thảo vì đã bám sát Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 và Luật Giáo dục 2019.
Dự thảo cho thấy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoàn toàn được phép dạy kiến thức văn hóa trung học phổ thông và cấp giấy chứng nhận cho các em đã hoàn thành. Khi có giấy chứng nhận này, các em có thể tiếp tục học trình độ giáo dục nghề nghiệp cao hơn.
Nhưng muốn học lên đại học, các em phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông chứ giấy chứng nhận không đủ căn cứ pháp lý. Mà muốn có bằng tốt nghiệp, các em phải thi đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Muốn đủ điều kiện tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì học sinh đó phải học đầy đủ chương trình của bậc trung học phổ thông chứ không phải chỉ hoàn thành 4 môn học (bao gồm cả bắt buộc và tự chọn) của chương trình giáo dục nghề nghiệp là được dự thi.
“Có nghĩa là, nếu học sinh được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cũng không đủ điều kiện đăng ký dự thi tốt nghiệp để lấy bằng trung học phổ thông”, lãnh đạo Hiệp hội nhấn mạnh.
Phân tích thêm về ý kiến này, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam dẫn chứng rằng, theo “Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế” do UNESCO ban hành (phiên bản mới nhất là ISCED -2011, có hiệu lực trên toàn thế giới từ 2014), giáo dục được chia thành 9 cấp độ bắt đầu từ mầm non đến tiến sĩ. Trong đó cấp độ 3 cho trung học bậc cao (với giáo dục phổ thông là trung học phổ thông, còn nhánh theo hướng nghề là trung học nghề).
Theo Luật Giáo dục 2019, học sinh sau trung học cơ sở có thể chọn học tiếp theo 2 luồng là trung học phổ thông và học nghề, cụ thể là vào học tại các trường trung cấp (được gộp cả trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề nhưng thực chất là trung cấp nghề). Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, bậc học nghề (Trung cấp) có thời gian đào tạo là 1-2 năm đối với người học tốt nghiệp trung học cơ sở trong khi thời gian này theo Điều 28 Luật Giáo dục là 3 năm. Với thời gian học rút gọn như vậy thì người học không thể đủ điều kiện để được dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Ngoài ra, đối chiếu với ISCED 2011 thì trung cấp chưa đạt được cấp độ 3 như trung học phổ thông nên người học không được quyền dự tuyển vào cao đẳng, đại học (xem Điều 6 Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành). Vì vậy, cả về thời gian đào tạo và cấp độ đào tạo của trường nghề chưa thể tương đương với trường trung học phổ thông nên việc để các trường nghề được tổ chức giảng dạy chương trình trung học phổ thông rút ngắn, học sinh sau đó vẫn được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là không hợp lý.
Trong khi đó ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, ở giáo dục trung học bậc cao (Upper Secondary Education) có 2 luồng là Trung học phổ thông (General Secondary Education) và Trung học nghề (Vocational Secondary Education). Trung học nghề có thời gian đào tạo 3 năm cũng như trung học phổ thông nhằm cung cấp hài hòa cho người học cả kiến thức văn hóa (khoảng 50-60%) cũng như kiến thức – kỹ năng nghề (khoảng 40-50%). Do đó ISCED-2011 xem trung học nghề tương ứng với cấp độ 3 và bằng trung học nghề hoàn toàn bình đẳng với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, người có bằng trung học nghề vừa gia nhập thị trường lao động vừa được quyền dự tuyển thẳng vào cao đẳng, đại học.
Thêm nữa, xét về mặt quản lý Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao quyền quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo, chương trình giảng dạy, văn bằng …của trung học phổ thông. Trong khi hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc quyền quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mà bộ này lại chỉ có trách nhiệm quản lý giáo dục nghề. Vì vậy, không thể “yêu cầu” Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm và cấp bằng tốt nghiệp cho việc đào tạo giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khi những cơ sở này lại không chịu quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.