Học sinh trường nghề sẽ phải học ít nhất 4 môn văn hóa THPT?
Bộ GD-ĐT vừa có dự thảo quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Dự thảo thông tư này quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Quy định này áp dụng đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác thực hiện Chương trình giáo dục trung học phổ thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, các môn học văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm các môn học bắt buộc: Toán và Ngữ văn.
Các môn học lựa chọn gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Mỗi ngành, nghề của giáo dục nghề nghiệp, học sinh phải học ít nhất 4 môn học, 2 môn học bắt buộc và ít nhất 2 môn học lựa chọn phù hợp với ngành, nghề đào tạo.
Việc giảng dạy các môn học được tổ chức theo lớp học đối với từng môđun, mỗi lớp học có không quá 45 học sinh.
Cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tổ chức giảng dạy các môn học bảo đảm nội dung kiến thức, yêu cầu cần đạt và thời lượng học tập; tổ chức giảng dạy và kiểm tra đánh giá, tổ chức thi kết thúc môn học, xác nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho học sinh.
Hoạt động giảng dạy thông qua một số hình thức chủ yếu như học lí thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập, trải nghiệm, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.
Thực hiện phương pháp, kỹ thuật dạy học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh, chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học, dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.
Về kiểm tra, đánh giá, hình thức đánh giá kiểm tra, đánh giá thường xuyên và kiểm tra, đánh giá định kì kết quả học tập các môn học bằng điểm số. Kết quả đánh giá theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.
Kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình giảng dạy thông qua: hỏi-đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.
Kiểm tra, đánh giá định kì được thực hiện sau mỗi giai đoạn học tập nhằm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh được thực hiện thông qua bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; thời gian làm bài từ 45 phút đến 90 phút, đề kiểm tra phải có đáp án, tiêu chí chấm, thang điểm chi tiết, đáp ứng yêu cầu cần đạt của môn học sau mỗi giai đoạn học tập.
Về số điểm kiểm tra, đánh giá định kì, mỗi môn học có 4 điểm kiểm tra đánh giá định kỳ. Thời điểm kiểm tra, đánh giá định kì được quy định trong kế hoạch giảng dạy môn học của cơ sở giáo dục.
Điểm trung bình môn học Điểm trung bình môn học là trung bình cộng được làm tròn đến 1 chữ số thập phân của điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên và điểm kiểm tra, đánh giá định kì quy định.
Học sinh có điểm trung bình môn học đạt từ 5,0 điểm trở lên và nghỉ học không quá 20% thời lượng học tập của môn học thì được dự thi kết thúc môn học đó.
Về hình thức thi kết thúc môn học được thực hiện thông qua bài thi trên giấy hoặc trên máy tính. Thời gian làm bài thi trên giấy hoặc trên máy tính từ 60 phút đến 90 phút. Đề thi kết thúc môn học phải có đáp án, tiêu chí chấm, thang điểm chi tiết, đáp ứng yêu cầu cần đạt của môn học theo quy định.
Điểm kiểm tra, đánh giá của mỗi môn học và điểm thi kết thúc môn học được ghi trong sổ theo dõi và đánh giá học sinh theo lớp học.
Học sinh có điểm thi kết thúc môn học của tất cả các môn học theo ngành, nghề đào tạo đạt từ 5,0 điểm trở lên được xác nhận là đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông đối với các môn học được giảng dạy theo ngành, nghề đó.
Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông do người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy cấp./.