Học sinh tự chọn môn học: Nỗi lo môn Lịch sử bị ghẻ lạnh, giáo viên thất nghiệp
Chương trình GDPT mới cho phép học sinh được chọn 5 môn học bất kỳ (trong 13 môn) khiến nhiều giáo viên dạy Lịch sử lo lắng.
Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới được áp dụng cho bậc THPT từ năm học 2022-2023. Học sinh học 12 môn, 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn. Năm môn tự chọn được chọn từ 3 nhóm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Dù 2 năm nữa chương trình Phổ thông mới được áp dụng, nhưng hiện nhiều giáo viên Lịch sử lo lắng môn học này bị học sinh quay lưng.
Cô giáo Phan Thanh Nhàn, giáo viên Lịch sử ở Hà Nội bày tỏ từ lâu các môn học như Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Thể dục… bị coi là môn phụ nhưng bắt buộc phải học và thi nên học sinh mới quan tâm. Thực tế nhiều em chia sẻ học Lịch sử chỉ đủ điểm qua môn hoặc thi tốt nghiệp. Vì thế khi triển khai chương trình giáo dục mới, nếu Lịch sử là môn tự chọn thì các em chắc chán sẽ bỏ qua môn học này. Hơn nữa đỗ tốt nghiệp THPT không quá khổ nên các em có tâm lý không cần học quá nhiều các môn phụ. Thời gian đó học sinh tập trung cho những môn ôn thi đại học.
Hơn 10 năm dạy học, đây là lần đầu tiên cô Nhàn lo lắng khi thấy viễn cảnh thất nghiệp. Ở trường đang có 3 giáo viên môn Lịch sử. Trong cuộc họp triển khai một số nội dung chương trình GDPT mới, hiệu trưởng cho biết sẽ cắt giảm giáo viên môn này. “Chúng tôi rất lo lắng cho tương lai, nhất là môn Lịch sử bởi chắc chắn sẽ ít học sinh lựa chọn”, cô Nhàn nói.
Thầy giáo Mai Văn Long, giáo viên Lịch sử tại TP.HCM cũng nhận định số học sinh đăng ký Lịch sử sẽ thấp nhất trong các môn tự chọn. Vật lý, Hóa học, Sinh học...học sinh đăng ký nhiều bởi đây là các môn thi đại học trọng điểm. Học sinh không có định hướng thi đại học sẽ chọn môn nhẹ nhàng như Âm nhạc, Thể dục… Số em còn lại lựa chọn Lịch sử phục vụ thi đại học (khối C).
Theo một thống kê, lượng thí sinh chọn khối C chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi đại học. Đồng nghĩa lượng học sinh chọn môn Lịch sử giảm đến 90% so với hiện nay. Hệ lụy dẫn đến một bộ phận giáo viên thất nghiệp.
Không chỉ giáo viên cảm thấy lo lắng, nhiều hiệu trưởng cũng sốt ruột khi triển khai chương trình GDPT mới. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ được dự báo phân hóa sâu sắc khi áp dụng chương trình mới. Trong đó Lịch sử bị liệt vào danh sách môn học thừa giáo viên.
Một hiệu trưởng tại Hà Nội băn khoăn không biết xử lý thế nào nếu các môn phụ như Lịch sử quá ít học sinh lựa chọn. Trong tình huống đó bắt buộc phải cắt giảm nhân sự. Nhưng có giáo viên công tác 18-20 năm, nếu cho nghỉ trường cũng không đành lòng.
Trường đang tính hai phương án. Thứ nhất, liên kết các trường trong khu vực tổ chức ghép lớp dạy môn Lịch sử. Phương án này đang gặp khó khăn vì thời gian biểu của các trường khác nhau. Thứ hai, cắt giảm số lượng giáo viên, phương án này khiến nhiều giáo viên lo lắng trước nguy cơ mất việc.
“Những người biên soạn chương trình GDPT mới cho rằng, học sinh lựa chọn môn học nhưng nhà trường phải tư vấn các em sao cho hợp lý. Nhưng nếu buộc học sinh chọn theo định hướng thì lại sai quan điểm, mục tiêu đổi mới giáo dục. Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần lưu ý câu chuyện này, không thể có tình trạng nhất bên trọng, nhất bên khinh được”, vị hiệu trưởng tâm tư.