Học sinh tử vong khi đi trải nghiệm: Sự an toàn của học sinh không thể 'phó mặc' cho đơn vị tổ chức

Cần có hoạt động trải nghiệm tại các trường học, song không nên 'khoán trắng' cho đơn vị tổ chức du lịch và địa điểm trải nghiệm.

Sau hai vụ tai nạn làm hai học sinh 1 ở Hà Nội, 1 ở TP.HCM tử vong trong chuyến đi trải nghiệm do nhà trường tổ chức, không ít ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, phụ huynh cho rằng, đã đến lúc cần quản lý chặt hoạt động tổ chức trải nghiệm dành cho học sinh. Nếu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong khâu lựa chọn địa điểm, tổ chức chuyến đi trải nghiệm thì nguy cơ học sinh bị tai nạn vẫn còn hiện hữu.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho các chuyến tham quan, trải nghiệm do nhà trường tổ chức diễn ra an toàn, thầy Đoàn Minh Châu - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, trước khi tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, chúng tôi yêu cầu công ty du lịch chọn địa điểm đến có độ an toàn cao, nơi đó không có sông suối, đồi núi cao...

Cũng theo thầy Châu, trường phân công mỗi lớp có 1 giáo viên, phụ huynh học sinh, đơn vị phối hợp cũng phân công đội ngũ quản lý giám sát học sinh từng lớp. Khi tổ chức chương trình trải nghiệm, nhà trường xây dựng chương trình chi tiết, cẩn thận. Nhà trường và giáo viên phải có trách nhiệm và làm hết trách nhiệm.

Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) nơi có học sinh gặp tai nạn khi đi trải nghiệm. Ảnh minh họa: TL

Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) nơi có học sinh gặp tai nạn khi đi trải nghiệm. Ảnh minh họa: TL

Là một phụ huynh và quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục trong những năm qua, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, lợi ích của hoạt động tham quan, dã ngoại giúp học sinh thư giãn, tìm hiểu thêm các kiến thức xã hội, trải nghiệm với thực tiễn, tăng cường kỹ năng sống. Các vụ tai nạn xảy ra có điểm chung đó là những địa điểm gắn với thiên nhiên hoặc những trò chơi mạo hiểm. Do đó, chương trình trải nghiệm phải bảo đảm an toàn. Cán bộ, giáo viên quản lý học sinh có kỹ năng tốt, linh hoạt, có trách nhiệm có thể giảm bớt được những rủi ro, nguy hiểm cho học sinh…

"Việc liên kết, phối hợp giữa nhà trường đối với những điểm tham quan dã ngoại là rất quan trọng. Với những trò chơi mạo hiểm hoặc khu vực nguy hiểm, nhà trường cần phải kiểm tra và bố trí cán bộ phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ để đảm bảo an toàn tốt nhất cho học sinh. Phải có những cảnh báo, có công cụ phương tiện và nhân lực hỗ trợ. Để giảm thiểu được những rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra cần tăng cường công tác quản lý và nâng cao trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ" - Luật sư Cường chia sẻ thêm.

Ủng hộ các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Hà Nội cho biết, nhiều nước đã có các hoạt động trải nghiệm, tham quan cho học sinh. Dù có nhiều vụ tai nạn xảy ra, nhưng không vì thế mà dừng tổ chức hoạt động bổ ích này, bởi làm như thế là thiệt thòi đối với học sinh. Thay vì lo lắng, chúng ta cần tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho học sinh.

"Nhà trường và phụ huynh cùng phối hợp với nhau, lựa chọn công ty du lịch uy tín, chọn những địa điểm phù hợp với học sinh. Có kế hoạch đảm bảo an toàn trong suốt chuyến đi. Nhà trường cũng đưa ra những nội quy để học sinh và cả giáo viên cùng thực hiện. Trước chuyến đi, phụ huynh nhắc nhở, trang bị kỹ năng sống cho con em mình, tránh những khu vực nguy hiểm, xử lý tình huống gặp nạn… Nếu cảm thấy không an toàn, có thể kiến nghị nhà trường thay đổi địa điểm, thậm chí từ chối đăng ký cho con tham gia" - TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/hoc-sinh-tu-vong-khi-di-trai-nghiem-su-an-toan-cua-hoc-sinh-khong-the-pho-mac-cho-don-vi-to-chuc-20210121155027025.htm