'Học sinh Việt lười hỏi, ngại phát biểu và phản biện kém'

Lười hỏi, ngại phát biểu và phản biện kém là hạn chế của phần lớn học sinh, sinh viên Việt Nam. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó có phương pháp giáo dục.

"Khi giảng bài xong, tôi thường hỏi ý kiến học sinh. Phần lớn phản hồi là nhận xét đúng sai chứ ít có câu hỏi hoặc bày tỏ quan điểm. Học sinh rất ngại trao đổi, ít tranh luận và dù có hiểu hay không vẫn không đặt câu hỏi", TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói tại hội thảo "Câu chuyện giáo dục" diễn ra tối 14/6 tại ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Các diễn giả cho rằng phương pháp giáo dục trong gia đình và nhà trường được áp dụng tại Việt Nam đang tạo ra một thế hệ "không biết hỏi".

Tư duy học để làm quan đã lạc hậu

Bàn về ý nghĩa và mục đích của việc học, nhiều ý kiến cho rằng phần lớn phụ huynh và học sinh vẫn giữ suy nghĩ học để tích lũy nhiều kiến thức cho thi cử. Trong khi đó, các phương pháp giáo dục tiến bộ lại giúp người học hiểu ý nghĩa của kiến thức là khai mở con người.

“Mục đích của học tập không chỉ để tìm việc làm, mà còn biết cách sử dụng kiến thức làm cuộc sống hạnh phúc hơn. Học là để khai mở con người chứ không phải gom thật nhiều kiến thức vào đầu. Việc tích lũy đó đã có trí tuệ nhân tạo đảm nhiệm, vấn đề là cần học cách sử dụng tri thức”, TS Dương Ngọc Dũng, khoa Triết học, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói.

TS Dương Ngọc Dũng đề cao việc hiểu rõ mục đích của việc học. Ảnh: Hiếu Tiên.

TS Dương Ngọc Dũng đề cao việc hiểu rõ mục đích của việc học. Ảnh: Hiếu Tiên.

TS Trần Nam Dũng cho rằng hiện nay, học thêm không mang lại nhiều ý nghĩa, phụ huynh không nên bắt con học thêm bằng mọi giá. Học sinh cần đề cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Gia đình và thầy cô hãy giúp trẻ tìm được lĩnh vực mình yêu thích nhất.

Chia sẻ quan điểm trên, TS Dương Ngọc Dũng nói: “Học theo đam mê và cảm xúc là người học phải thấy gắn kết mình với môn đó; có đam mê tự khắc sẽ biết cách học và không cần ai nhắc nhở”.

Các chuyên gia cho rằng phụ huynh cần đặc biệt quan tâm quá trình phát triển tự nhiên và tôn trọng thiên hướng cá nhân của trẻ. “Trí thông minh của mỗi người khác nhau. Tôi nhớ rất dễ những con số nhưng một bài hát ngắn cũng không thuộc nổi”, TS Nam Dũng bày tỏ sự phản đối quan điểm "bắt con giỏi mọi thứ".

Bên cạnh đó, việc tôn trọng suy nghĩ và những câu hỏi thắc mắc của trẻ cũng cần được đề cao. TS Dương Ngọc Dũng cho rằng: “Câu hỏi tại sao là cốt cán của khoa học, cũng là câu hỏi thường trực của trẻ con. Chúng ta không có quyền dập tắt những câu hỏi đó”.

Ông Dũng quan niệm lối học thuộc bài, thầy hỏi trò trả lời đã ăn sâu vào nhận thức của người học tại Việt Nam. Do vậy, khi nhận được câu hỏi, ít người hiểu rằng mình có quyền từ chối hoặc hỏi ngược lại. Với kinh nghiệm làm việc lâu năm tại Mỹ, nhiều lần ông không khỏi ngạc nhiên trước tư duy hỏi đến cùng của bạn trẻ Tây.

Sách giáo khoa sẽ không còn cần thiết

Quan điểm “đã đến lúc chúng ta để sách giáo khoa sang một bên, mỗi người thầy phải tự biên soạn chương trình dạy cho học sinh của mình” được đưa ra tại hội thảo, nhận được sự đồng tình cao.

TS Dương Ngọc Dũng cho hay kiến thức đang đổi mới mỗi giây. Ước tính trong khoảng 3 năm, lượng tri thức nhân loại sẽ tăng gấp đôi. Vì vậy, lối tư duy giải pháp và dùng sách giáo khoa để định vị hiện nay đã không còn đúng đắn.

“Ở các nước tiên tiến, họ tập trung lý giải các bài toán phát sinh như thế nào, còn chúng ta chỉ chăm chăm giải bài toán đó. Vì thế, học sinh không hiểu ý nghĩa của kiến thức. Sự gò bó còn biến các giờ học thành quy trình, mà đã là quy trình thì đôi khi không tạo được cảm hứng”, TS Trần Nam Dũng phân tích thực trạng giảng dạy và cách biên soạn sách giáo khoa.

TS Trần Nam Dũng cho biết bộ sách giáo khoa mới của TP.HCM sẽ chú trọng đưa Toán học đến gần với cuộc sống. Ảnh: Hiếu Tiên.

TS Trần Nam Dũng cho biết bộ sách giáo khoa mới của TP.HCM sẽ chú trọng đưa Toán học đến gần với cuộc sống. Ảnh: Hiếu Tiên.

Đối với cách giảng dạy môn Văn nói riêng và khối kiến thức khoa học xã hội nói chung, TS Dương Ngọc Dũng nhận định cách học tại Việt Nam là kiểu minh họa, tất cả đều đã có bài mẫu. Dạy Văn là khai mở tiềm năng sáng tạo để giải phóng con người khỏi những thành kiến chứ không phải học thuộc những bình luận có sẵn.

Học Toán cần có năng khiếu, ngoại ngữ cần kiên trì. Mỗi môn học đòi hỏi những cách tiếp cận khác nhau, không thể đánh đồng hay máy móc.

Các diễn giả cho rằng việc thay đổi phương pháp giảng dạy có thành công hay không phụ thuộc phần lớn ở người dạy. Mỗi thầy cô phải xác định được trình độ học sinh và áp dụng những phương pháp khác nhau cho phù hợp.

Hiếu Tiên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hoc-sinh-viet-luoi-hoi-ngai-phat-bieu-va-phan-bien-kem-post956857.html