Học sinh vùng sâu Gia Lai lan tỏa văn hóa đọc trong trường học
Thông qua các chương trình giao lưu, mô hình thư viện thân thiện, sự hỗ trợ từ cộng đồng, văn hóa đọc ngày càng lan tỏa trong đời sống học đường ở vùng sâu tỉnh Gia Lai.
Khơi dậy tình yêu đọc sách
Trường THCS Dân tộc Nội trú (DTNT) huyện Chư Prông đã trở thành điểm sáng trong việc nuôi dưỡng và lan tỏa phong trào đọc sách trong trường học. Thông qua các mô hình sáng tạo và hoạt động thiết thực, nhà trường đã khơi dậy niềm yêu thích đọc sách trong học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Học sinh Trường THCS DTNT huyện Chư Prông đọc sách giải trí sau những giờ học căng thẳng tạo mô hình "Thư viện xanh" của trường. Ảnh: Ngọc Thu
Cô A Siu Hương-Hiệu trưởng Trường THCS DTNT huyện-cho biết: Nhà trường xây dựng mô hình “Thư viện xanh” từ năm 2019. Với không gian thoáng mát, thư viện được đầu tư nhiều loại sách, hàng ngày thu hút đông học sinh đến đọc sau những giờ học căng thẳng. Các loại sách tại thư viện được phân loại theo từng danh mục và sắp xếp theo từng tủ riêng như: sách tham khảo, sách nâng cao, truyện tranh... để các em dễ dàng lựa chọn và tìm đọc.
Em Hứa Thanh Thiên (học sinh lớp 9B, dân tộc Tày, Trường THCS DTNT huyện) chia sẻ: “Từ khi nhà trường có mô hình “Thư viện xanh”, chúng em có chỗ đọc sách thoải mái nên hết giờ học là em lại đến đây tranh thủ đọc sách. Các loại sách cũng rất đa dạng và được sắp xếp ngăn nắp nên em có thể dễ dàng tìm kiếm cuốn sách mà mình cần. Đọc sách không chỉ giúp em hiểu thêm về văn hóa, phong tục dân tộc Tày mà còn biết văn hóa các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam. Em thấy việc đọc sách thật bổ ích, ý nghĩa vừa được giải trí, vừa được nâng cao kiến thức, phục vụ cho việc học tập”.
Mới đây vào đầu tháng 4-2025, Trường tiểu học Võ Thị Sáu (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) phối hợp với Thư viện tỉnh Gia Lai và Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện tổ chức Lễ phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4). Sự kiện thu hút gần 800 học sinh toàn trường tham gia, tạo nên khí thế sôi nổi và đầy cảm hứng về văn hóa đọc trong nhà trường.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) thích thú đọc sách trong giờ ra chơi. Ảnh: Thanh Tịnh
Thầy Lê Anh Đào-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu-cho hay: Tại lễ phát động, các em học sinh đã tích cực tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như giới thiệu sách, trình bày cảm nhận về sách và tham gia các trò chơi đố vui theo sách. Những hoạt động này không chỉ giúp các em hiểu sâu hơn về nội dung sách mà còn phát triển kỹ năng trình bày và tư duy phản biện.
Đặc biệt, thư viện lưu động đã mang đến hơn 5.000 bản sách thuộc nhiều thể loại cùng hệ thống máy tính kết nối Internet, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận nguồn tri thức phong phú. Ngoài ra, Thư viện tỉnh Gia Lai đã tặng 90 bản sách truyện thiếu nhi cho nhà trường; gần 800 thẻ đọc sách miễn phí tại Thư viện huyện Đức Cơ cũng được trao tặng cho học sinh, qua đó, góp phần khuyến khích các em tiếp tục duy trì thói quen đọc sách.
Được tham gia cùng các bạn tại ngày hội đọc sách của trường, em Dương Lê Gia Linh (học sinh lớp 5E3, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, huyện Đức Cơ) cho biết: Đối với em, sách giống như một người bạn thân thiết, luôn mang đến những kiến thức bổ ích. Từ những trang sách, em học được nhiều điều hay về cuộc sống, về lòng nhân ái, sự kiên trì và cả những giấc mơ đẹp đẽ. Nhờ có ngày hội đọc sách và thư viện thân thiện của trường, em và các bạn càng yêu thích đọc sách hơn.
“Em mong rằng tinh thần yêu sách sẽ tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, để mỗi ngày đến trường, chúng em không chỉ học được nhiều điều mới mà còn được khám phá thế giới rộng lớn qua từng trang sách”-em Linh chia sẻ.
Hướng tới một cộng đồng học tập
Thầy Bùi Văn Thành-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) chia sẻ: Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, Thư viện của trường đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng văn hóa đọc cho học sinh. Bởi vậy, thư viện nhà trường được thiết kế theo hướng mở, hiện đại và thân thiện, với diện tích 50 m2, đầy đủ ánh sáng, tạo môi trường lý tưởng cho việc đọc sách. Không gian này được trang bị các thiết bị số hiện đại để phục vụ cho việc tra cứu của học sinh.
Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, hướng dẫn học sinh đọc, lựa chọn những loại sách, truyện hay phù hợp với lứa tuổi.

Giờ ra chơi của học sinh Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông. Ảnh: Ngọc Thu
Đồng thời, nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi như kể chuyện, thi đọc và làm theo sách, ngày hội đọc sách... Nhờ đó, phong trào đọc sách trong giáo viên và học sinh của nhà trường ngày càng lan tỏa, phát triển sâu rộng. Hiện tại trường đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận thư viện đạt chuẩn quốc gia.
Với những cách làm sáng tạo, linh hoạt, thư viện Trường THCS Nguyễn Viết Xuân đã trở thành điểm sáng trong việc phát triển văn hóa đọc, góp phần phát triển sâu rộng trong học sinh, từ đó thúc đẩy việc xây dựng và hình thành cộng đồng học tập tích cực.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông thích thú đọc sách. Ảnh: Ngọc Thu
Để văn hóa đọc tiếp tục được lan tỏa sâu rộng trong trường học, bà Phạm Thị Thu Hằng-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Prông-thông tin: Từ những chuyển biến tích cực trong phong trào lan tỏa văn hóa đọc ở các trường trên địa bàn huyện, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động thư viện theo hướng hiện đại, thân thiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác thư viện.
Bên cạnh đó, các trường cũng quan tâm, huy động từ nguồn lực xã hội hóa để đầu tư các đầu sách, phát huy tối đa nguồn lực, chung tay góp sức xây dựng phong trào đọc sách, hướng tới phong trào học tập và học tập suốt đời.
Ông Nguyễn Vũ Hiền-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ-cho biết: Mới đây, Trung tâm phối hợp với Thư viện tỉnh, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu tổ chức Lễ phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam không chỉ là dịp tôn vinh giá trị của sách mà còn là bước khởi đầu cho việc xây dựng một cộng đồng học tập tích cực tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Thông qua các hoạt động này, nhà trường mong muốn khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong mỗi học sinh, góp phần hình thành thói quen tự học và phát triển bản thân.
“Với sự chung tay của nhà trường, phụ huynh và cộng đồng, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đang từng bước xây dựng một môi trường học tập thân thiện, nơi văn hóa đọc được nuôi dưỡng và phát triển, hướng tới một thế hệ học sinh yêu sách, ham học hỏi và sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao tri thức trong tương lai”-ông Nguyễn Vũ Hiền nhấn mạnh.

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) đang từng bước xây dựng một môi trường học tập thân thiện. Ảnh: Thanh Tịnh
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Khoa Nghi khẳng định: Trong những năm qua, học sinh vùng sâu, vùng xa đã không ngừng lan tỏa mạnh mẽ tinh thần yêu đọc sách, biến việc đọc trở thành một thói quen, một nét đẹp văn hóa trong trường học và cộng đồng.
Qua những chương trình, hoạt động thiết thực, các em đã thể hiện sự nỗ lực vượt khó, khơi dậy niềm đam mê tri thức, góp phần xây dựng môi trường học tập lành mạnh, sáng tạo và giàu tính nhân văn. Đây chính là động lực để ngành Giáo dục tiếp tục đồng hành, phát triển phong trào đọc sách ngày càng sâu rộng, bền vững hơn.
"Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng các hoạt động ngoại khóa, mô hình thư viện thân thiện để nuôi dưỡng và phát huy niềm đam mê đọc sách của các em học sinh toàn tỉnh nói chung và học sinh vùng sâu nói riêng...” -bà Bùi Khoa Nghi nhấn mạnh thêm.