Học sinh xét tuyển ĐH có thiệt thòi nếu không thi THPT quốc gia?
Đối với những thí sinh có nguyện vọng dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học, nếu kỳ thi không được tổ chức sẽ là 'thiệt thòi'.
Việc tổ chức hay không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 đang trở thành vấn đề được quan tâm nhất hiện nay của các em học sinh lớp 12.
Nguyễn Thu Hiền, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình) chia sẻ, kỳ thi năm nay đối với các em thực sự có nhiều khó khăn. Thời gian nghỉ dịch dài nên kiến thức chủ yếu phụ thuộc vào việc tự học của mỗi người, việc nghỉ kéo dài cũng ảnh hưởng phần nào tới tâm lý ôn tập của các em.
Đặc biệt gần đây khi nghe được thông tin có thể không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà thay bằng xét tốt nghiệp, Hiền càng cảm thấy lo lắng. “Nếu mỗi trường đại học tổ chức thi riêng sẽ rất khó cho nhiều bạn học sinh. Như thế sẽ rất áp lực và chắc chắn sẽ khó hơn tham gia kỳ thi chung.
Sinh năm 2001, đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nhưng chưa đạt số điểm để xét tuyển vào đại học, em Đ. X. Linh, cựu học sinh Trường THPT Lê Lợi (Quảng Bình) dự định sẽ thi lại năm nay. Trước thông tin có thể kỳ thi không được tổ chức, em cho biết, bản thân em muốn thi vì lo lắng xét sẽ không công bằng.
“Thực tế cho thấy ở địa bàn em, học sinh tiên tiến nhưng vẫn bị trượt tốt nghiệp. Như vậy, học ở lớp chưa phải để nói lên tất cả. Thời gian qua chúng em đã ôn tập theo cấu trúc đề tham khảo rồi, nếu các trường ĐH ra đề tự luận hay khác đề tham khảo thì sợ rằng chúng em chuyển hướng không kịp” - Linh nói.
Mong… ít sự xáo trộn
Ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn cho hay tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia sẽ tốt hơn, bởi từ những năm học trước, học sinh đã học tập, ôn luyện kiến thức để sẵn sàng tham dự kỳ thi. Thời gian vừa qua dù phải nghỉ học ở trường vì phòng chống dịch nhưng học sinh lớp 12 vẫn rất ý thức trong việc học để tháng 8 tới đây sẽ dự thi.
“Mọi thay đổi thời điểm này sẽ làm xáo trộn tâm lý học trò. Các em sẽ băn khoăn, lo lắng nếu không thi, các trường ĐH, CĐ chủ động tuyển sinh thì phương án như thế nào, sẽ khó khăn ra sao, trong thời gian ngắn các em có đáp ứng được yêu cầu của trường ĐH để được vào học tiếp…"
"Nhóm học sinh khá giỏi ước mơ vào giảng đường ĐH đã phấn đấu rất nhiều và sẽ rất tâm tư nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Quyết định này, ở khía cạnh nào đó, có thể không công bằng với học sinh. Nên chỉ bất khả kháng khi dịch tiếp tục phức tạp ta mới nên không tổ chức kỳ thi này” - Ông Quyên chia sẻ.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trưởng THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, nếu tình hình dịch được kiểm soát, học sinh có thể trở lại trường trước ngày 15/6, kết thúc năm học vào ngày 15/7/2020 thì trong một tháng các cơ sở giáo dục phổ thông có đủ thời gian để hoàn thành nốt chương trình học (đã được học qua Internet, trên truyền hình và đã được tinh giản), ôn tập, kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ, hồ sơ thi THPT quốc gia, hồ sơ tuyển sinh ĐH.
Tuy nhiên, theo thầy Bình, các Sở GD&ĐT phải chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện kế hoạch giảng dạy đảm bảo tiến độ. Như vậy, kỳ thi THPT quốc gia có thể thực hiện như dự kiến.
“Bộ đã công bố đề thi tham khảo, nội dung kiến thức chủ yếu là học kỳ I lớp 12, kiến thức của học kỳ II chỉ ở mức nhận biết, thông hiểu, đề tham khảo được các chuyên gia, các nhà giáo đánh giá là vừa sức, phù hợp, đảm bảo các yêu cầu phân loại học sinh. Nếu tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia năm nay thì việc tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ có nhiều thuận lợi, ít xáo trộn” - Thầy Bình nói.