Học sinh yêu thích lịch sử địa phương qua dự án tích hợp liên môn
Từ những kiến thức liên môn giữa Lịch sử, Tin học, Địa lý, Tiếng Anh, Ngữ văn... học sinh sẽ hiểu được thêm về lịch sử và truyền thống ở địa phương.
Để học sinh thêm yêu lịch sử
Dự án "History in my mind" xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của học sinh và được thực hiện tại 3 trường gồm: Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (Cư M'gar, Đắk Lắk); Trường THCS Trần Hưng Đạo (Lục Ngạn, Bắc Giang) và Trường THPT Đồng Hỷ (Thái Nguyên).
Cô Hồ Thị Sen - giáo viên Tin học Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (Cư M'gar, Đắk Lắk) cho hay, dự án này được thể hiện dưới dạng tích hợp, lồng ghép kiến thức của các môn: Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh... nhằm tạo ra các sản phẩm mang ý nghĩa thiết thực về lịch sử địa phương. Từ đó giúp học sinh hình thành lòng yêu nước, uống nước nhớ nguồn, có được nền tảng các kĩ năng cần thiết trong thời đại mới.
Khi triển khai, học sinh được làm việc theo nhóm và vận dụng kiến thức của nhiều môn học khác nhau để tạo ra các sản phẩm mang tính ý nghĩa truyền thông cao.
Cũng theo cô Sen, môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc; củng cố các giá trị nhân văn, lòng khoan dung, nhân ái, tinh thần cộng đồng và hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.
Nhằm nâng cao kiến thức về lịch sử, nhất là lịch sử địa phương, đồng thời tạo sân chơi bổ ích, sinh động cho học sinh, dự án tạo điều kiện cho các em tìm hiểu về lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Từ đó góp phần nâng cao lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, xác định ý thức trách nhiệm vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Các em học sinh trường Tiểu học Bế Văn Đàn đã tham gia dự án 'History in my mind' với các hoạt động tìm hiểu về lịch sử văn hóa, lịch sử truyền thống cách mạng tại buôn cách mạng, buôn Ayun. Các em đã nắm được một số thông tin do già làng kể lại, thực hiện ghi chép, quay video, lưu giữ bằng cách thiết kế các sản phẩm vừa sức trên PPT, Canvas… để chia sẻ lại cho các bạn trong và ngoài đơn vị được biết. Qua đó, chú trọng giúp các em hình thành và phát triển các kĩ năng và phẩm chất cần thiết" - cô Hồ Thị Sen chia sẻ.
Ông Nguyễn Trọng Phong, phụ huynh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn bày tỏ sự ủng hộ về tính lan tỏa của dự án này. Qua đây, các em không chỉ được học thêm kiến thức mà còn hiểu rõ hơn về lịch sử của chính quê hương mình, phù hợp với định hướng của chương trình phổ thông mới. Ông mong các thầy cô sẽ tiếp tục có những hoạt động tương tự thật bổ ích cho các em được trải nghiệm thực tế.
Lan tỏa những giá trị tích cực
Cô Hoàng Thị Ngân - Giáo viên Tin học Trường THCS Trần Hưng Đạo (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết, dự án có mục tiêu và các yêu cầu cần đạt chung cho cả 3 trường, sau đó mỗi trường dựa trên cái chung để xây dựng kế hoạch riêng phù hợp cho đơn vị mình. Sau khi giáo viên triển khai dự án tại trường, học sinh sẽ thành lập nhóm, phân công nhiệm vụ cho thành viên, lên kế hoạch triển khai theo thời gian xây dựng.
Ngoài ra, cô Ngân cũng thông tin, với đặc trưng của bộ môn Lịch sử, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo đã tham gia dự án “History in my mind” nhằm tìm hiểu về các di tích, nhân vật lịch sử, làng nghề truyền thống tại địa phương để hiểu biết hơn về lịch sử quê hương. Đồng thời giới thiệu sản phẩm với các bạn học sinh trường khác để giao lưu và học hỏi thêm về lịch sử địa phương bạn.
"Khi triển khai dự án, chúng tôi luôn được ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện tối đa; các em học sinh thích thú và nhiệt tình tham gia, nhất là được phụ huynh đồng tình ủng hộ. Điểm khó khăn nằm ở chỗ học sinh chưa có nhiều thời gian. Hầu hết các em tranh thủ các giờ học được nghỉ sớm để làm việc nhóm. Ba đơn vị cách xa nhau về vị trí địa lý nên trao đổi qua trực tuyến", cô Ngân nói.
Sau một thời gian triển khai dự án, các nhóm học sinh đều tạo ra nhiều sản phẩm có tính truyền thông cao như Poster, video, bài thuyết trình... Các em hiểu biết hơn về di tích lịch sử địa phương, lịch sử làng nghề, phong trào cách mạng tại địa phương của mình. Đồng thời thông qua lớp học kết nối (MS Team), các em còn được giao lưu các sản phẩm với nhau để hiểu biết về lịch sử địa phương bạn.
Em Vương Hà Tâm - học sinh lớp 10A14 Trường THPT Đồng Hỷ (Thái Nguyên) cho biết, mình cảm thấy rất hứng khởi và thích thú sau khi học dự án kết nối lớp học. Ở đó, em được tự do sáng tạo, phát huy điểm mạnh của mình và học hỏi điều mới từ các bạn trên khắp mọi miền Tổ quốc. Ngoài ra, tham gia dự án giúp các em củng cố kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập và cuộc sống.
Đang phụ trách môn Tin học tại Trường THPT Đồng Hỷ (Thái Nguyên), cô Nguyễn Thị Thanh Xuân cho rằng, giáo dục lịch sử địa phương qua hoạt động trải nghiệm có giá trị to lớn trong việc dẫn dắt, kiến tạo nên bản sắc, bản lĩnh, tình yêu quê hương đất nước ở học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục con người Việt Nam để hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, dự án cũng giới thiệu một số bản sắc đặc trưng các dân tộc anh em qua địa danh Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.