Học tập Bác 'Sửa đổi lối làm việc' trong thực hiện công tác cán bộ

Vấn đề cán bộ trong tác phẩm 'Sửa đổi lối làm việc' năm 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị thời sự sâu sắc đối với việc đổi mới cán bộ, công tác cán bộ, được Đảng, Nhà nước ta kế thừa, bổ sung và phát triển, xem đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.

“CÁN BỘ LÀ CÁI GỐC CỦA MỌI CÔNG VIỆC”

“Sửa đổi lối làm việc” là một tác phẩm quan trọng, ra đời trong hoàn cảnh phải đối mặt với vô vàn khó khăn của thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, thể hiện tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền trong điều kiện vừa kháng chiến, vừa kiến quốc ở nước ta.

Trong từng thời kỳ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt công tác cán bộ lên hàng đầu trong quá trình xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước. Người cho rằng, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều là do cán bộ tốt hoặc kém”. Do đó, muốn hoàn thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, cốt yếu từ những người giữ vai trò định hướng, tổ chức, dẫn dắt phong trào cách mạng, đòi hỏi những người cán bộ, đảng viên có trí tuệ và phẩm chất đạo đức cách mạng.

Điểm qua 6 vấn đề lớn trong nội dung tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, từ Phê bình và sửa chữa; chỉ ra Mấy điều kinh nghiệm; bàn về vấn đề Tư cách và đạo đức cách mạng; Cách lãnh đạo; Vấn đề cán bộ và vấn đề Chống thói ba hoa. Trong đó, vấn đề cán bộ và công tác cán bộ được Hồ Chí Minh đề cập khá toàn diện, khẳng định rõ vị trí, vai trò người cán bộ; chỉ ra những nội dung, cách thức dạy cán bộ và dùng cán bộ; lựa chọn cán bộ... và cơ sở để đánh giá cán bộ, đảng viên.

Học viên nhận Giấy chứng nhận hoàn thành lớp Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang quản lý (lớp thứ hai) năm 2023.

Xuyên suốt và cốt lõi trong tác phẩm là những vấn đề xoay quanh việc giáo dục, rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực làm việc và tư cách đạo đức cách mạng, có đủ bản lĩnh, dũng khí, tư cách, tài năng, vượt qua khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh những nguy cơ biến chất, thoái hóa của cán bộ, đảng viên sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Đảng cầm quyền. Qua đó, tập trung nêu rõ những biện pháp cần thiết để chữa trị những “căn bệnh” nan y này. Theo Người, biểu hiện của những “căn bệnh” là do nhận thức, tư tưởng chưa đúng, gây phá vỡ khối đại đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giữa Đảng và nhân dân, không làm việc đến nơi đến chốn.

Bằng nhãn quan chính trị vượt thời đại và lối tư duy độc lập, sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung nêu rõ những biện pháp cần thiết để tiến hành “sửa đổi” kịp thời, tức là “đổi mới” từ cách nghĩ, đến cách làm, từ tổ chức đến cán bộ, mở ra hướng đi cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm việc đúng hơn, khéo léo hơn, đạt hiệu quả hơn. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong quy luật phát triển của Đảng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh

Nhìn lại cách đây hơn 7 thập niên, những quan điểm, chỉ dẫn phải “sửa đổi” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề thực hiện công tác cán bộ, không chỉ được thực hiện nghiêm túc, kịp thời trong toàn Đảng vào những năm vừa đấu tranh, vừa xây dựng chính quyền. Cùng với thời gian, những giá trị bất hủ trong tư tưởng của Người về công tác cán bộ đã được Đảng và Nhà nước ta, hệ thống chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở học tập và noi theo.

HỌC BÁC TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC CÁN BỘ

Vấn đề tồn tại xuyên suốt trong từng giai đoạn Đảng lãnh đạo xây dựng và phát triển đất nước, đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và có những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Tình trạng đó, nếu không có những giải pháp thích hợp để nghiêm túc thực hiện, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực thì ít nhiều sẽ làm giảm sút uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương đến tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, một lần nữa được nghiêm túc chỉ rõ tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Để đáp ứng kịp thời và phù hợp với tâm nguyện của Đảng và nhân dân ta, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nhất là tiếp tục thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “tất yếu” phải sửa đổi, đổi mới lối làm việc, làm cho Đảng vững mạnh, trong sạch, xứng đáng với vai trò tiên phong trước Đảng, trước nhân dân.

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt và xem đây là vấn đề then chốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Nhờ đó mà trong những năm qua, chất lượng đội ngũ cán bộ đã được nâng lên, công tác cán bộ có những đổi mới quan trọng về tư duy lý luận và trong hoạt động chỉ đạo thực tiễn. Các yêu cầu về đạo đức, năng lực được bổ sung, phù hợp với yêu cầu công tác trong điều kiện mới. Công tác cán bộ được đổi mới trên nhiều mặt: Xác định tiêu chuẩn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bố trí, luân chuyển, sử dụng, quản lý và chính sách đối với cán bộ…

Cùng với cả nước, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Tiền Giang luôn chú trọng và thực hiện tốt công tác cán bộ. Các cấp, các ngành của hệ thống chính trị tỉnh đã quán triệt xuyên suốt nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, bám sát nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, xây dựng và triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục, phát huy dân chủ, quyền hạn của tập thể, người đứng đầu trong việc giới thiệu, đề bạt cán bộ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý… góp phần tích cực trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng có chất lượng.

Cụ thể tính đến cuối năm 2022, Đảng bộ tỉnh có 51.732 đảng viên. Trong đó, có 13.489 đảng viên có trình độ lý luận chính trị sơ cấp, chiếm 26,07%; 13.257 đảng viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị, chiếm 25,63% và 3.964 đảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị, chiếm 7,66%. Qua đó, chất lượng đội ngũ đảng viên của tỉnh hiện nay có sự trưởng thành về nhiều mặt, cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là về trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác từng bước được nâng cao.

Đồng thời, công tác đào tạo nguồn, phát triển đảng viên cũng được quan tâm sâu sắc, không chỉ trong khuôn khổ giới hạn tại các cấp ủy, tổ chức của Đảng, trong đối tượng học sinh, sinh viên, mà còn mở rộng phạm vi, quy mô tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Từ năm 2020 đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp 3.878 quần chúng ưu tú vào Đảng, góp phần bổ sung nguồn lực kế cận cho Đảng.

Cần khẳng định rằng, học tập và làm theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện công tác cán bộ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là việc hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, việc tổng kết quá trình thực hiện công tác cán bộ của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị của tỉnh Tiền Giang dựa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh là điều có ý nghĩa về mặt thực tiễn. Qua đó, không chỉ “gặt hái” được nhiều thành công trong thực hiện công tác cán bộ, mà còn góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

LÊ NGUYÊN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202311/hoc-tap-bac-sua-doi-loi-lam-viec-trong-thuc-hien-cong-tac-can-bo-995756/