Học tập kinh nghiệm quốc tế tháo gỡ các vấn đề 'nóng' của đô thị Việt Nam
Tiếp diễn các hoạt động trong chuyến công tác tại châu Âu vừa qua, Đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm Trưởng đoàn đã có nhiều cuộc làm việc bên lề hiệu quả với các tổ chức quốc tế.
Bên cạnh Diễn đàn đô thị thế giới lần thứ 11, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cũng tham dự Hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng của 30 quốc gia. Hội nghị đã nêu ra một loạt các biện pháp, chính sách quản lý, chuyển đổi các đô thị, thành phố và khu định cư hướng tới một tương lai đô thị bền vững, đặc biệt cho thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19. Chủ đề được ưu tiên tại Chương trình nghị sự về đô thị là về nhà ở và các dịch vụ đô thị cơ bản, khí hậu và môi trường, hòa bình và an ninh, quy hoạch và quản lý của chính quyền địa phương, việc tài trợ cho quá trình đô thị hóa bền vững. Tại Hội nghị Bàn tròn cấp Bộ trưởng các nước cũng đưa ra các cam kết và vận động cho các sáng kiến, các liên minh mới ở cấp địa phương, quốc gia và khu vực nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự phát triển đô thị để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Ba Lan, Đoàn công tác Bộ Xây dựng có buổi làm việc với UN-Habitat. Thứ trưởng Lê Quang Hùng đã có cuộc trao đổi với ông Rafael Tuts - Giám đốc Ban Giải pháp toàn cầu, Phó Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat). UN-Habitat đánh giá rất cao nỗ lực triển khai và xây dựng báo cáo quốc gia về tình hình phát triển đô thị hướng tới thực hiện mục tiêu Chương trình nghị sự đô thị mới của Việt Nam. Trong đó, Bộ Xây dựng đóng vai trò then chốt trong công tác xúc tiến hợp tác quốc tế, tăng cường thể chế và nâng cao năng lực phát triển đô thị bền vững của Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng đã đề xuất một số lĩnh vực cần đẩy mạnh hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách mà Việt Nam đang phải đối mặt như: đô thị hóa nhanh chóng, tích hợp không gian công cộng trong thiết kế đô thị, phát triển đô thị thông minh, đô thị bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng. Bộ Xây dựng khẳng định đang nỗ lực triển khai các cam kết của Chương trình nghị sự đô thị mới và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình, đồng thời học hỏi kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực phát triển đô thị bền vững.
Đại hội đồng UN-Habitat lần thứ hai sẽ được tổ chức vào tháng 6/2023 tại Nairobi, đây là cơ hội cho Việt Nam chung tay cùng các quốc gia khác đóng góp ý kiến và thể hiện cam kết đẩy nhanh quá trình triển khai Chương trình nghị sự đô thị mới nhằm đạt các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Cũng trong chương trình làm việc, Đoàn công tác Bộ Xây dựng có cuộc làm việc với Tổng Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc (LH) là Tổng Công ty Nhà nước trực thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc (MOLIT). Tổng Công ty LH được thành lập và thuộc sở hữu của Chính phủ Hàn Quốc, chuyên về thực hiện các chính sách và phát triển đất đai và nhà ở, quản lý việc thực hiện phúc lợi nhà ở, các khu công nghiệp và thực thi dự án quốc gia tại Hàn Quốc. Tính đến nay, Tổng Công ty LH đã triển khai dự án trên hơn 80% lãnh thổ Hàn Quốc, 14% các khu công nghiệp trong nước, cung cấp khoảng 2,76 triệu căn hộ nhà ở xã hội, xây dựng các đô thị mới và một thành phố hành chính.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng cũng chia sẻ, Việt Nam hiện đang có khoảng 180.000m2 nhà ở xã hội, diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội còn hạn chế, theo quy định hiện nay đang yêu cầu các đô thị mới phải dành khoảng 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, phấn đấu trong thời gian tới xây dựng được 3 triệu m2 nhà ở xã hội, tuy nhiên để đạt được Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ như về quy hoạch, nguồn tài chính và các chính sách liên quan…
Ông Shin Koung Choul - Phó Chủ tịch Tổng Công ty LH chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội tại Hàn Quốc. Phần lớn nguồn vốn được huy động từ công tác giải phóng mặt bằng, đền bù đất; ngoài ra, Chính phủ hỗ trợ bằng các sáng kiến cắt giảm thuế cho người dân. Các dự án nhà ở xã hội tại Hàn Quốc dành trung bình khoảng 65% số lượng nhà ở xã hội để bán, 35% số lượng cho thuê, tập trung dành cho người dân thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Niên hạn sử dụng căn hộ chung cư tại Hàn Quốc hiện nay là 50 năm, nếu căn hộ hết niên hạn sử dụng, Chính phủ sẽ hỗ trợ người dân bằng cách cung cấp nhà ở xã hội cho thuê.
Hai bên đều thống nhất Việt Nam và Hàn Quốc đều có thực trạng phức tạp, nhu cầu nhà ở xã hội lớn, cần nghiên cứu tìm ra giải pháp hiệu quả. Tổng Công ty LH rất sẵn sàng hỗ trợ Bộ Xây dựng qua nhiều hình thức để có thể cung cấp số lượng nhà ở xã hội nhiều hơn với chất lượng tốt hơn đến người dân. Ngoài ra, phía Hàn Quốc cũng mong muốn được hợp tác với Bộ Xây dựng xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực phát triển đô thị thông minh, cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị và các lĩnh vực liên quan khác.
Tại CHLB Đức, Đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và chính quyền thành phố Potsdam học hỏi kinh nghiệm quản lý đô thị, phát triển đô thị xanh và bền vững, vấn đề chống ngập úng đô thị…
Thứ trưởng Lê Quang Hùng chia sẻ về tình hình ngập úng đô thị của Việt Nam trong thời gian vừa qua, sự phát triển đô thị cùng với việc bê tông hóa làm diện tích thấm bị giảm nhiều, các hồ trữ nước bị san lấp kết hợp với hiện tượng mưa lớn gây ra tình trạng ngập úng tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...
Với những kinh nghiệm thực hiện các dự án thí điểm đầu tư xây dựng mô hình thoát nước bền vững và chống ngập đô thị tại Việt Nam của GIZ, mong muốn GIZ tiếp tục hỗ trợ xây dựng các mô hình chống ngập đô thị…
Bà Karin Kortmann, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ngành - Tổ chức GIZ cho biết và bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Bộ Xây dựng Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật công trình thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển đô thị xanh và bền vững. Mô hình thành phố bọt biển đầu tiên ở Đức đã được triển khai thử nghiệm ở khu dân cư Rummelsburg, phía Đông Berlin, với những tòa nhà được phủ xanh gần như toàn bộ, các tòa nhà ở đây hầu hết đều được phủ kín đầy cỏ ở sân thượng và mái nhà, khi mưa xuống, nước mưa sẽ ngấm vào những thảm cỏ này, phần còn lại sẽ chảy xuống đất và làm giảm ngập úng.
Trong thời gian tới GIZ tiếp tục phối hợp và hỗ trợ Bộ Xây dựng triển khai thực hiện dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Pha 2” – Dự án MCRP, hoạt động xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng thoát nước và chống ngập đô thị theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Và tiếp tục hỗ trợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long thí điểm và nhân rộng các giải pháp sáng tạo trong quản lý thoát nước và chống ngập úng như hạ tầng xanh, hệ thống thoát nước bền vững, dựa trên hệ sinh thái tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại thành phố Potsdam, Đoàn công tác cũng đã làm việc với Phó Thị trưởng thành phố Potsdam và Sở Phát triển Đô thị, Xây dựng, Kinh tế và Môi trường, đi khảo sát thực tế về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thoát nước bền vững. Chính quyền thành phố Potsdam cho biết luôn quan tâm đến yếu tố biến đổi khí hậu trong quá trình tái thiết, cải tạo đô thị và ưu tiên đến phát triển hạ tầng kỹ thuật, triển khai lập quy hoạch phù hợp với mục tiêu, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng và thực thi Luật Xây dựng và Quy hoạch.
Để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, chính quyền thành phố Potsdam đã triển khai lập bản đồ khí hậu đô thị, bản đồ mưa để thiết lập hệ thống cảnh báo sớm, đưa ra các giải pháp chống ngập, kế hoạch ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Bản đồ mưa nhằm kiểm soát ngập úng, giúp người dân chủ động phòng ngừa ngập lụt khi xảy ra các trận mưa lớn.