Học tập phong cách nêu gương của Bác Hồ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo công tác cán bộ.
Theo Người, “Cán bộ là nguồn vốn của Chính phủ”; rằng “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” bởi “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Để rèn luyện cán bộ trở thành những người “vừa hồng, vừa chuyên”, “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”, một trong những phương pháp, phong cách Người coi trọng là nêu gương. Người cho rằng, đối với các dân tộc phương Đông thì “Một tấm gương sáng còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn và tuyên truyền”. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách nêu gương của Bác, chúng ta cần thống nhất quán triệt sâu sắc những quan điểm lớn như sau:
Thứ nhất, luôn nhất quán trong lời nói với việc làm, lý luận gắn liền thực tiễn.
Thứ hai, thường xuyên và nghiêm túc thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, việc công tận tụy, đời tư trong sáng, giản dị. Theo Hồ Chí Minh, nêu gương thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt. Trong đó, thể hiện chủ yếu trên ba mối quan hệ: đối với mình, đối với người, đối với công việc. Đối với mình không nên tự cao, tự đại, tự mãn kiêu ngạo mà luôn học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay nét đẹp, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày. Đối với người phải giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, không lừa lọc, nên khoan dung, độ lượng. Đối với công việc dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên trước việc tư), đã phụ trách việc gì cũng phải tận tâm, tận lực, làm cho kỳ được, không sợ khó khăn, gian khổ, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.
Thứ ba, chú trọng tuyên truyền học tập “gương người tốt, việc tốt” trong phong trào thi đua lao động sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu.
Thứ tư, xây phải đi đôi với chống, thường xuyên rèn luyện ý chí, nghị lực, bản lĩnh kiên định, trung thành với lý tưởng cách mạng.
Không chỉ chính bản thân làm gương, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm rèn luyện cán bộ, đảng viên phải nêu gương, trung thành, dũng cảm, có ý chí vượt khó khăn, kiên định thực hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng của mình.
Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương, trong mọi thời kỳ cách mạng Việt Nam, lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên đã chiến đấu, hy sinh, cống hiến hết mình vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu vì lý tưởng cách mạng cao cả của Đảng. Chính vì thế đã đưa sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.
Bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thành tựu hết sức to lớn, trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) Đảng ta cũng đã chỉ rõ sự hiện hữu nguy cơ “nội sinh” là tình trạng quan liêu, tham nhũng, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã trở thành rào cản công cuộc đổi mới đất nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng.
Vì vậy, trong giai đoạn mới, noi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức và gia đình cần có nhiều việc làm thiết thực, nhiều tấm gương tiêu biểu, thực sự khiêm tốn, cầu thị trước quần chúng, kiên trì rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Phương châm “3 không”, “4có”, "5 rõ ", “6 dám” góp phần thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đi vào cuộc sống, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
TS. LÊ XUÂN HUY
(Trường Chính trị tỉnh Hải Dương)
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/hoc-tap-phong-cach-neu-guong-cua-bac-ho-195230