Học tập thường xuyên: Kỹ năng chủ yếu của con người tương lai
Theo dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới, do sự phát triển của công nghệ và khoa học kỹ thuật, đến năm 2022, mỗi năm trên thế giới có thêm 75 triệu người thất nghiệp.
Điều đó cho thấy kỹ năng tự học rất quan trọng đối với con người thế kỷ 21, trình độ và năng lực chuyên môn của rất nhiều người sẽ không đáp ứng yêu cầu và nội dung công việc, khiến họ bị mất việc làm vĩnh viễn. Trong bối cảnh đó, việc học tập thường xuyên, suốt đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Ý tưởng từ gần 100 năm trước
Khái niệm học tập thường xuyên xuất hiện trong công trình của Eduard Lindemann “Tầm quan trọng của giáo dục người lớn”, được xuất bản tại Mỹ năm 1926. Nhưng nó chỉ được thể hiện trong cuộc sống của thế hệ chúng ta ngày nay.
Trước đây, cuộc sống nghề nghiệp thường được tổ chức theo một kịch bản: “Một cuộc đời - một lần học - một nghề - một công việc”. Người ta đi học, từng bước phát triển theo con đường đã chọn trong một thời gian dài, đạt được những đỉnh cao nghề nghiệp và danh vọng, rồi cuối cùng nghỉ hưu, tận hưởng tuổi già.
Ngày nay, trong kịch bản dài hạn này đã xuất hiện những ngã rẽ mới, đem lại những thách thức mới và những nhiệm vụ khó khăn cho cuộc sống. Học tập thường xuyên là một hoạt động có ý thức của con người đương đại và là một bộ phận trong quá trình hoạt động của các công ty.
Tuổi thọ khiến công việc dài theo
Cứ sau 10 năm, tuổi thọ của con người tăng thêm 1 – 2 năm. Theo các dự báo thống kê, những người Nhật sinh năm 2007 sẽ sống đến năm 2107. Đã xuất hiện một thế hệ với tuổi thọ trung bình 100 năm. Điều này có nghĩa là thời kỳ hoạt động kinh tế sôi nổi sẽ vượt quá thời gian 35 - 40 năm vốn quen thuộc với các thế hệ trước.
Hiện tại, học tập thường xuyên vẫn được coi là một hình thức học bổ túc trong những trường hợp thiếu đào tạo chính quy. Nhưng trong nền kinh tế mới, việc học tập của con người về cơ bản được coi là không bao giờ kết thúc, và điều này trở thành động lực chính của sự nghiệp và là tiền đề cho nhiều kịch bản nghề nghiệp trong suốt cuộc đời. Nó quyết định sự thay đổi chính trong thời đại ngày nay - nhu cầu cá nhân hóa việc học tập. Sự tiếp thu những năng lực cụ thể cần thiết đối với bạn không còn là công việc của nhà trường, mà là của chính bạn.
Vai trò của GV cũng đang thay đổi – họ không chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà còn là nhà nghiên cứu, nhà tư vấn, người quản lý dự án.
Làm thế nào để học suốt đời?
Người lớn học khác trẻ em. Họ không học thông qua quá trình độc thoại, khi trong lớp thầy giáo đóng vai trò chủ đạo và cả lớp chăm chú lắng nghe, còn luồng kiến thức chỉ đi theo một hướng - từ người dạy sang người học. Tuy nhiên, trẻ em hiện nay cũng học theo cách khác, thông qua sự sáng tạo và hứng thú.
Người lớn học hiệu quả nhất thông qua cái gọi là phương pháp tiếp cận vấn đề dựa trên dự án. Trong quá trình dạy học, các vấn đề được xem xét và thảo luận dựa trên kiến thức mới và trải nghiệm trước đó, nó là cơ sở tốt để tiếp tục phát triển.
Các cơ sở giáo dục hiện nay chưa hoàn toàn sẵn sàng cho những chuyển biến kinh tế và xã hội, những yêu cầu mới của nhân dân, Nhà nước, tập đoàn – nhu cầu về phát triển cá nhân, về sự hoàn thiện và liên tục nâng cấp những năng lực cần thiết của nhà quản lý hoặc nhân viên làm thuê. Bản thân giáo dục với tư cách là một ngành hiện đang trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đầy khó khăn, từ đó sẽ xuất hiện những thay đổi lớn.
Nếu nền giáo dục cổ điển không thay đổi, nó sẽ bị diệt vong bởi những tín đồ mới. Nếu nó tìm thấy sức mạnh, công cụ, nguồn lực để thay đổi nhanh chóng cùng với nhu cầu thay đổi của người học, đặc biệt là người học lớn tuổi, thì nó có cơ hội tồn tại.
Thuật ngữ quan trong nhất trong những thay đổi mà lĩnh vực giáo dục người lớn hiện đang trải qua là sự linh hoạt. Các cơ sở giáo dục đang đối mặt với những thách thức tương tự: Họ phải học cách điều chỉnh chương trình của mình cho phù hợp với nhu cầu cá nhân của mỗi người và đồng thời với những thay đổi toàn cầu của thị trường lao động.
Nền giáo dục tương lai sẽ như thế nào?
Doanh nhân người Mỹ Peter Diamandis khẳng định, phương pháp dạy học phải thay đổi căn bản cho phù hợp với tiềm năng công nghệ to lớn của trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật người máy và thực tế ảo. Đồng thời, sự phát triển của những phẩm chất cá nhân sau đây sẽ giúp đứa trẻ đạt được thành công khi trưởng thành:
- Sự đam mê. Rất nhiều người hiện nay sống không có mục đích. Trong khi đó, nguồn lực quý giá nhất của con người là bộ óc siêng năng và đam mê, vì vậy việc khuyến khích sự đam mê ở trẻ là vô cùng quan trọng.
- Tính tò mò. Đây là phẩm chất thiên phú của hầu hết trẻ em, nhưng bị đánh mất theo thời gian, khi các em trở thành người lớn. Trong thế giới của Google, robot và trí tuệ nhân tạo, chúng ta cần những người liên tục đặt câu hỏi “Điều gì sẽ xảy ra, nếu?” và tiến hành các thử nghiệm.
- Trí tưởng tượng. Các doanh nhân và những người có tầm nhìn xa tưởng tượng ra thế giới và tương lai mà họ muốn sống và sau đó tạo ra nó. Điều rất quan trọng là phải cho con bạn thấy trí tưởng tượng có sức mạnh giải phóng như thế nào.
- Tư duy phê phán. Trong thế giới của những tư tưởng đối lập, những tuyên bố vô căn cứ, những tin tức tiêu cực và giả hiệu, việc rèn luyện các kỹ năng tư duy phê phán giúp phân biệt thật giả và tìm ra hạt nhân hợp lý trong những nguồn thông tin ồn ào vô nghĩa.
- Tính cách vững vàng và sự kiên nhẫn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định và thúc đẩy thành công.
Ai là người sử dụng?
Hiện nay, các tập đoàn lớn và những nhân viên muốn phát triển và tự thể hiện mạnh mẽ hơn trong phạm vi công việc hiện tại của mình (hoặc nghĩ ra những con đường phát triển mới) là có nhu cầu tiếp thu năng lực mới tích cực nhất. Nhiều người chủ động tìm kiếm những năng lực mới, tiếp nhận các phương pháp, tầm nhìn, kiến thức và công cụ để đáp ứng thời đại kỹ thuật số mới.
Vấn đề của giáo dục đương đại không phải ở tấm bằng treo trong phòng làm việc: Những “mảnh giấy” này không tăng thêm nhu cầu của cả các tập đoàn lẫn các ngành. Giáo dục đương đại có nghĩa là tham gia vào các nhóm nghề nghiệp mới, phát triển các mối quan hệ mới, vốn xã hội mới (khác với những gì con người từng có khi gắn bó lâu dài trong một ngành hoặc lĩnh vực nghề nghiệp).
Vốn xã hội và phạm vi giao tiếp càng rộng và phong phú, con người càng mở ra nhiều cơ hội phát triển mới. Việc học tập thường xuyên, sự giao tiếp trong các nhóm nghề nghiệp khác nhau cho phép con người ở bất kỳ giai đoạn nghề nghiệp hoặc lứa tuổi nào mở rộng tầm nhìn, suy nghĩ, phát hiện những con đường mới và luôn luôn tìm thấy mình.