Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời
PTĐT - Xây dựng và phát triển xã hội học tập đã và đang trở thành xu thế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra quan điểm học tập suốt đời. Người chủ trương xây dựng một nền giáo dục cho mọi người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, với mục đích, nội dung, phương pháp phong phú, linh hoạt.
Thực hiện mục tiêu xây nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Trong xây dựng nước nhà đòi hỏi phải có nguồn nhân lực dồi dào và có những nhân tài. Người cổ vũ toàn dân: “Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học”. Người còn nhấn mạnh: “Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”, mọi người ai cũng cần phải học và học tập suốt đời vì “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”. Để chống nạn mù chữ cho toàn dân, Người yêu cầu từ trẻ đến già, dù là đàn ông hay đàn bà, dù làm công việc gì thì ai cũng phải đi học, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Để xây dựng một nền giáo dục lâu dài thì ai cũng phải tham gia học tập, phải xác định rõ việc học cho từng đối tượng một cách thiết thực. Đối với học sinh tiểu học thì phải yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động, yêu khoa học, coi trọng của công; học sinh trung học thì học tri thức phổ thông “Chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiêu đề xây dựng nước nhà”, với sinh viên thì “Kết hợp lý luận với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn kết hợp với thực tiễn nước nhà…”. Từ đó giúp học sinh biết phân biệt phải trái, đúng sai để ủng hộ cái đúng, chống lại những gì trái với quyền lợi của tổ quốc và lợi ích của nhân dân, trái với khoa học, trái với đạo đức… Đối với người lớn, cần học những gì phù hợp với trình độ, việc làm và nhu cầu của từng người đáp ứng ngày càng tốt hơn với công việc…Học tập suốt đời, “Lấy tự học làm cốt”. Theo Bác, học hỏi là một việc làm phải trong cả cuộc đời mỗi con người, do đó cần quan tâm đến phương pháp học tập, đặc biệt coi trọng phương pháp tự học, “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”, “Học trong đời sống của mình… học ở giai cấp công nhân”, “chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học”. Mỗi người cần tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn chỉ bảo của thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và thực hiện phương châm học ở mọi lúc, mọi nơi, học trong khi giao tiếp, trong công việc hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, trong kinh nghiệm thành công cũng như thất bại và học trong công tác vận động quần chúng. Người chỉ rõ thông qua học tập, tiếp xúc với nhân dân mà cán bộ, đảng viên có điều kiện gần gũi, nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, từ đó tham mưu, đề xuất, tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với nguyện vọng của nhân dân… Cuộc sống là trường học thực tế sinh động, là nơi để “Thực hành” những điều đã học. Trong lao động làm việc là quá trình tự học tập, tích lũy, bổ sung kinh nghiệm, đúc kết kiến thức từ thực tiễn và phải nghiêu cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm…
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với phương châm “Giáo dục cho mọi người, mọi người vì giáo dục” trong những năm qua ngành giáo dục và đào tạo đã nhanh chóng đa dạng hóa các loại hình trường, lớp (công lập, dân lập, tư thục) đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng tới việc học tập cho người lớn ở các lứa tuổi, đối tượng, thành phần kinh tế… Chính quyền các cấp đã quan tâm tạo cơ chế chính sách cho các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên, học tập cộng đồng về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ khoa học, bám sát nguyên tắc “Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn” và tư tưởng về học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhân tố quan trọng để hướng tới một xã hội học tập ở Phú Thọ đã được hình thành…Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo,… đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nội dung và hình thức phong phú. Mỗi năm có hàng trăm tin, bài phản ánh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, nêu gương điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào khuyến học được đăng tải trên các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương, Tập san Giáo dục, Tập san Khuyến học, Khuyến tài Đất Tổ, Website khuyến học…
Phát huy vai trò nòng cốt liên kết với các tổ chức, các lực lượng tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, Hội đã xây dựng các chương trình phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành lồng ghép nội dung các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động với phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng học hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học”, “Đơn vị khuyến học” theo phương châm gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị và xây dựng, phát triển tổ chức hội vững mạnh. Toàn tỉnh hiện có 319.856 gia đình, 2.164 dòng họ, 2.493 cộng đồng đạt danh hiệu học tập, vượt chỉ tiêu theo Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 2577/KH-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ. Việc xây dựng mô hình “công dân học tập” đã gắn với các phong trào thi đua KHKT và các cuộc vận động xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị văn hóa, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Phong trào được triển khai cả bề rộng lẫn chiều sâu gắn với các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường “Tiếng kẻng, tiếng trống khuyến học”, “Giờ vàng khuyến học”, “Tiết kiệm nuôi lợn nhựa khuyến học”, học bổng 1+n, n+1... Mỗi năm có hàng ngàn học sinh, sinh viên, giáo viên được tặng học bổng, phần thưởng khuyến học khuyến tài, chắp cánh ước mơ (bình quân từ 4-5 tỷ đồng/năm) do các nhà hảo tâm, chung tay góp sức của toàn xã hội quan tâm đến sự học. Quỹ khuyến học, khuyến tài Đất Tổ có tổng số vốn 35,1 tỷ đồng. Từ các nguồn quỹ này đã góp phần chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi văn hóa, thi nghề, thi năng khiếu, đỗ thủ khoa các trường đại học, học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt thi đại học đạt điểm cao. Từ đó động viên các em phát huy đúng tài năng của mình trên các lĩnh vực học tập và đóng góp ngày càng nhiều hơn, tốt hơn vào sự nghiệp xây dựng quê hương.Các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, học tập đã được quan tâm, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đời sống văn hóa... Thông qua công tác tuyên truyền các cuộc hội thảo, tọa đàm, tổng kết Chỉ thị 11/CT-BCT... đã làm chuyển biến về nhận thức, việc làm, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, của toàn xã hội, của người dân về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời hướng tới một mô hình XHHT thực sự là xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập và đổi mới. Bên cạnh việc quan tâm đến “sự học” của con em trong độ tuổi đi học, việc học cho người lớn thông qua các hình thức giáo dục phi chính quy, không chính quy đã được quan tâm, chú trọng, minh chứng bằng số người dân trong độ tuổi lao động thường xuyên tham gia học tập để nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo... Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đã góp phần thúc đẩy giáo dục phát triển, nhiều năm liên tục Giáo dục Phú Thọ là 1 trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng mũi nhọn và đại trà. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2.Trong nền kinh tế tri thức và hội nhập toàn cầu hiện nay, tư tưởng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên đúng đắn và gắn liền với giá trị thời đại. Triết lý giáo dục của Người “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại...” là sự “gặp gỡ” tuyệt vời giữa minh triết giáo dục Hồ Chí Minh với triết lý về 4 trụ cột giáo dục hiện đại của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người... Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian tới Hội Khuyến học tiếp tục liên kết với các tổ chức, các lực lượng nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”; các cấp hội Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 11/CT-TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 49 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, các văn bản của Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; Thực hiện tốt các chương trình phối hợp với MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể vận động cán bộ đảng viên làm nòng cốt, gương mẫu tham gia xây dựng các mô hình học tập, chú trọng học tập của người lớn dưới nhiều hình thức. Tham mưu cho UBND các cấp tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức đăng ký, bình xét, đánh giá, công nhận các mô hình Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập và Cộng đồng học tập cấp xã và “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”...
Năm 2019 kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác là dịp để mỗi người chúng ta tự soi lại mình, tiếp tục thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tự học, học thường xuyên học suốt đời, tư tưởng của Người về xây dựng XHHT thông qua việc xây dựng các mô hình công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập... Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo nên một “văn hóa học tập” trong cộng đồng.
Nguyễn Thị Kim Hải
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh