Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều tác phẩm đề cập đến những tiêu cực nảy sinh trong nội bộ Đảng, chính quyền và trong xã hội, trong đó Người bàn khá nhiều về suy thoái đạo đức, lối sống và đề cập đến rất nhiều căn bệnh khác nhau thể hiện sự suy thoái đó.
Ngày nay, khi công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt nhằm làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn thì để nhận diện đúng và chống suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách hiệu quả, chúng ta càng phải đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Từ quan điểm của Người…
Ngay những năm đầu thành lập nước, khi chính quyền cách mạng nước ta còn hết sức non trẻ, gặp muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “cảnh báo” vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ khi chỉ ra những “căn bệnh” khác nhau. “Căn bệnh” đầu tiên, Người cho rằng cần phải đấu tranh là “căn bệnh” vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành. Người yêu cầu: “Phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan. Phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống cái thói “cả vú lấp miệng em” ngăn cản quần chúng phê bình. Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ”... Sau này, trong nhiều tác phẩm và trên nhiều diễn đàn, Người tiếp tục đề cập khá nhiều về suy thoái đạo đức, lối sống và những căn bệnh khác nhau thể hiện sự suy thoái đó. Theo đó, Người thẳng thắn đấu tranh với mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. Người gọi đó là các căn bệnh: “Óc hẹp hòi - Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. Ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà không biết liên lạc hợp tác với những người có đạo đức tài năng ở ngoài Đảng. Vì thế mà người ra uất ức và mình thành ra cô độc”; và “Bệnh tham lam - Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”. “Còn có những đồng chí chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp, lo phát tài, lo chiếm của công làm của tư, đạo đức cách mệnh thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc”. Người kiên quyết chống “Bệnh hẹp hòi”, vì “Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa, .v.v., đều do bệnh hẹp hòi mà ra!”. Người giải thích về “Địa phương chủ nghĩa”, đó là: “Chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ. Làm việc ở bộ phận nào chỉ biết bênh vực vun đắp cho bộ phận ấy. Do khuyết điểm đó mà sinh ra những việc, xem qua thì như không quan hệ gì mấy, kỳ thực rất có hại đến kế hoạch chung”. Để đấu tranh với các biểu hiện che giấu khuyết điểm, Người nói: “Báo cáo thì chậm trễ, làm lấy lệ. Báo cáo dối, giấu cái dở cái xấu, chỉ nêu cái tốt cái hay. Báo cáo bề bộn, chỉ góp báo cáo các ngành, các cấp dưới, rồi cứ nguyên văn chép lại gửi lên…”. Trong tự phê bình, phê bình, Người chỉ ra và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật: “Thái độ của một số khá đông cán bộ là: Đối với người khác thì phê bình đứng đắn, nhưng tự phê bình thì quá “ôn hòa”. Người cũng thẳng thắn chỉ ra các bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình… Người yêu cầu chống các biểu hiện thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân: “Phải chống sự mong muốn làm cho được lòng cấp trên còn ở dưới nhân dân thế nào cũng mặc, không thể vì lợi ích của Đảng mà chống nhân dân mà quan liêu, hạ mệnh lệnh”… Đối với việc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với các đối tượng khác để trục lợi. Người chỉ rõ: “Bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân…”.
“… Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều mặt, nhưng trọng tâm là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của vấn đề, bởi cán bộ đứng đắn, đạo đức tốt, tư tưởng chính trị tốt, thực sự vì dân, vì Đảng, thì làm sao phải tham nhũng?”. “Tư tưởng anh xuống cấp, nói ngược, nói trái đường lối, đạo đức không tốt thì anh mới ăn cắp, tham nhũng chứ. Trị từ gốc cái này”,
Tổng Bí thư khẳng định.
… đến nhiệm vụ hôm nay
Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đồng thời công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt nhằm làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trong công tác phòng, chống tiêu cực thì trọng tâm là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Tại một cuộc tiếp xúc cử tri, khi cử tri đề cập đến công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho hay điểm mới lần này là “chúng ta không chỉ phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà phòng, chống cả tiêu cực”. Tổng Bí thư khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…”. Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa, cho đến sự khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm nay, để nhận diện đúng và chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả, công tác giáo dục đóng vai trò quan trọng hàng đầu nhằm xây dựng tinh thần “phòng ngay từ đầu - chống ngay lập tức”. Tiếp tục tăng cường ý thức trách nhiệm, đề cao vai trò phục vụ Tổ quốc của đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời cần tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân. Nội dung tuyên truyền, giáo dục là cần phải nêu rõ và phân tích cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy tác hại nghiêm trọng của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và sự cần thiết phải đấu tranh loại bỏ nó. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội phải thường xuyên giáo dục tinh thần phục vụ nhân dân cho cán bộ, công chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và Nhà nước, đồng thời phải phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức đảng, chính quyền, đặc biệt bộ phận chuyên trách làm công tác thanh tra, kiểm tra. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các cơ quan không chỉ phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tiêu cực, mà còn phải phát hiện những kẽ hở trong chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý để giúp Đảng và Nhà nước hoàn thiện, qua đó giúp các cấp, các ngành, các địa phương tìm ra những biện pháp tích cực chống tiêu cực, hạn chế những hành vi tiêu cực. Cùng với đó phải phát huy dân chủ, hoàn thiện cơ chế để huy động nhân dân tham gia phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Đây chính là những biện pháp phòng, chống có hiệu quả trong cuộc đấu tranh này.