Học thể dục, lịch sử, hát nhạc online tại nhà không khác gì ở lớp

Bên cạnh một số bất cập như thiếu thiết bị điện tử, không có Internet... phần lớn các giáo viên, phụ huynh và học sinh Hong Kong nhanh chóng bắt nhịp với mô hình học trực tuyến.

Đối với Kaitlyn Yu Ching (12 tuổi), việc học trực tuyến ở nhà tháng qua không khác biệt nhiều so với việc học trên lớp.

Các buổi học trực tuyến của cô bé được thực hiện theo thời khóa biểu nghiêm ngặt mỗi tuần, ngay cả với môn âm nhạc và giáo dục thể chất. Yu vẫn theo kịp được tiến độ học tập giữ liên lạc với bạn bè thông qua mạng xã hội.

Cô bé chia sẻ: “Mặc dù lần đầu học thể dục trực tuyến, em có hơi khó hiểu nhưng giờ lại thấy bình thường. Em vừa có thể nâng cao sức khỏe vừa ở trong nhà tránh dịch Covid-19”.

 Yu trong một tiết học giáo dục thể chất online. Ảnh: SCMP.

Yu trong một tiết học giáo dục thể chất online. Ảnh: SCMP.

Khoảng 900.000 học sinh các cấp tại Hong Kong đều được nghỉ học kể từ ngày 3/2 cho đến muộn nhất ngày 20/4 do ảnh hưởng của virus corona. Đa số các học sinh tham gia học trực tuyến tại nhà.

Corina Chen Hing, hiệu trưởng trường Tiểu học & THCS HKUGA, cho biết gần 900 học sinh của trường đồng ý rằng chất lượng học online tương đương với học trên lớp. Hơn nữa, trường cũng ghi nhận 99% số học sinh có mặt đầy đủ trong tất cả giờ học trong tháng qua.

Mỗi tiết học kéo dài từ 35-40 phút. Giáo viên kiểm tra sĩ số lớp thông qua gương mặt của từng học sinh trên webcam. Bên cạnh ứng dụng Google Hangouts, một số phần mềm hỗ trợ học và làm việc trực tuyến khác, như Zoom, Microsoft, Teams và Jamboard, được sử dụng nhiều trong thời gian đây.

Đối với những tiết học giáo dục thể chất, học sinh sẽ được hướng dẫn thực hiện các bài tập như squats, lunges, giãn cơ và chạy tại chỗ. Còn với các môn âm nhạc, học sinh được dạy về lịch sử âm nhạc, các nhà soạn nhạc cũng như tập hát.

“Các giáo viên quan tâm sát sao việc tương tác với học sinh trong cá buổi học online. Chúng tôi không lo về chuyện một số em có thể mất tập trung. Thông qua màn hình, giáo viên có thể quan sát dễ dàng và nhắc nhở ngay với những trường hợp xao lãng trong giờ học”, cô Chen nói.

 Hiệu trưởng Chen và thầy giáo Yeung. Ảnh: SCMP.

Hiệu trưởng Chen và thầy giáo Yeung. Ảnh: SCMP.

Arthur Yeung Kai-man, môt giáo viên dạy toán trường liên cấp HKUGA, cho biết phần lớn các giáo viên thích nghi nhanh chóng với phương pháp giảng dạy này. Trước đây, nhiều thầy cô vốn đã áp dụng công nghệ để giảng dạy một số bộ môn.

Russell Scott, một giáo viên toán của trường quốc tế Island, cho biết một số học sinh trở nên bất ngờ nhiệt tình hơn khi học online.

“Có một em trước đây gần như không đóng góp bất cứ ý kiến nào xây dựng bài trên lớp. Tuy nhiên, kể từ khi học trực tuyến, học sinh ấy trở nên năng nổ phát biểu hơn. Ngoài ra, nhiều học sinh khác chủ động hỏi bài tôi về những phần chưa hiểu. Tôi tin rằng, việc học online này đang tiến triển tốt đẹp”, anh chia sẻ.

Bất cập trong việc học trực tuyến

Bên cạnh đó, việc học online vẫn tồn tại một số bất cập. Alex Leung Man-fung (13 tuổi) cảm thấy học môn khoa học trực tuyến không hiệu quả lắm vì em không có cơ hội được thực hành.

“Trên trường, chúng em có thể làm thí nghiệm và thuyết trình về nó. Khi học trực tuyến, chúng em có thể hiểu về lý thuyết nhưng lại không có cơ hội thử nghiệm”, Alex nói.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng, 96% trên tổng số 582 học sinh dưới 18 tuổi xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận việc học online. Trong đó, khoảng 200 học sinh không có máy tính và 115 học sinh không lắp đặt Internet tại nhà.

 Alex Leung Man-fung (giữa) cùng cha mẹ. Ảnh: SCMP.

Alex Leung Man-fung (giữa) cùng cha mẹ. Ảnh: SCMP.

Trường Tiểu học SKH Kei Oi ở quận Sham Shui Po, một trong những quận nghèo nhất của Hong Kong, vừa phải livestream dạy học vừa đăng tải video ghi hình bài giảng cho các học sinh từ 6-12 tuổi.

Ước tính có khoảng 2/3 số học sinh của trường đến từ các gia đình làm nông hoặc gia đình chỉ có một chiếc máy tính dùng chung giữa phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, một cuộc khảo sát nội bộ khác cho thấy nhiều phụ huynh rơi vào tình trạng thất nghiệp không trợ cấp trong thời điểm dịch bệnh này.

Một phụ huynh có hai con nhỏ học lớp 2 và lớp 5 cho biết cô đã mượn máy tính bảng từ trường để phục vụ việc học trực tuyến. Tuy nhiên, kết nối Internet khu nhà cô quá chậm để có thể tải các bài giảng.

“Tiếng Anh của tôi không được tốt nên khó có thể giúp các con làm bài tập. Nhưng mỗi khi gia đình chúng tôi gặp bất cứ khó khăn nào, các giáo viên trên trường đều rất nhiệt tình giúp đỡ”, phụ huynh này chia sẻ.

Mô hình học của tương lai

Ông So Ping-fai, cố vấn Hội đồng các trường tiểu học được trợ cấp, nhận xét: “So với dịch SARS từ 17 năm trước, cơ sở hạ tầng Hong Kong được cải thiện nhiều hơn, đặc biệt hỗ trợ việc học trực tuyến. Thiết bị điện tử trở nên phổ biến hơn ở các gia đình. Mặt khác, thông qua dịch Covid-19 lần này, ngành giáo dục có cơ hội trau dồi và phát triển kinh nghiệm dạy và học kiểu mới”.

 Mô hình học online có thể sẽ trở thành phương pháp giảng dạy chính trong tương lai. Ảnh: SCMP.

Mô hình học online có thể sẽ trở thành phương pháp giảng dạy chính trong tương lai. Ảnh: SCMP.

Phòng Giáo dục Hong Kong cho biết họ sẽ tiếp tục để ý đến nhu cầu của các trường và nhanh chóng cung cấp hỗ trợ cần thiết.

Vì tình trạng học trực tuyến sẽ kéo dài ít nhất 1 tháng nữa, hiệu trưởng Chen dự đoán rằng phương pháp học này có khả năng trở thành cách giảng dạy chính trong vòng 10-20 năm nữa. Khi đó, sinh viên không cần phải tới trường hàng ngày.

Tuy nhiên, cô cũng tin rằng việc học sinh tới lớp nghe giảng vẫn sẽ được ưu tiên hơn vì giao tiếp trực tiếp giữa thầy và trò vẫn đạt hiệu quả cao.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hoc-the-duc-lich-su-hat-nhac-online-tai-nha-khong-khac-gi-o-lop-post1060288.html