Học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh

Cần phải khẳng định rằng, học thêm là nhu cầu có thật của học sinh, nhất là các em ở lớp cuối cấp bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, và do đó, có cầu ắt sẽ có cung.

Học sinh tham gia học thêm trong trường có nhiều cái lợi

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo Thông tư Quy định dạy thêm, học thêm để lấy kiến đóng góp của cá nhân, tổ chức.

Việc này khiến dư luận dấy lên hai luồng ý kiến trái chiều. Một luồng ý kiến cho rằng, không thể cấm dạy thêm, học thêm vì đây là nhu cầu có thật của học sinh.

Tuy vậy, một luồng ý kiến khác nêu quan điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cấm hẳn việc dạy thêm, học thêm vì quy định này đi ngược với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Là một nhà giáo, cũng là phụ huynh có con đang học bậc trung học phổ thông, cá nhân tôi cơ bản đồng tình với luồng ý kiến thứ nhất.

Lúc con tôi còn học lớp 9, tôi cho cháu tham gia học thêm 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh để thi tuyển sinh vào lớp 10. Đến lúc con chuẩn bị học lớp 12, tôi cũng cho cháu đi luyện thi đánh giá năng lực.

Ngoài ra, từ lúc con tôi học tiểu học cho đến khi học trung học phổ thông, tôi vẫn cho cháu đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm. Mặc dù cháu học môn Tiếng Anh ở trường khá tốt nhưng riêng kĩ năng nói và nghe, cháu vẫn chưa tự tin nên cần đi học thêm để có môi trường giao tiếp với giáo viên người nước ngoài.

Vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Thông tư Quy định dạy thêm, học thêm, trong đó dự kiến giáo viên được phép dạy thêm trong và ngoài nhà trường, theo tôi là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

Tôi lấy ví dụ, hiện nay học sinh bậc trung học phổ thông được học buổi 2 (bản chất là dạy thêm, học thêm) vào các buổi chiều trong tuần, có hai ưu điểm chính.

Thứ nhất, ví dụ ở Thành phố Hồ Chí Minh, phụ huynh đóng học phí cho buổi hai tối đa là 300.000 đồng/học sinh/tháng, nhưng các em được học nhiều môn, ít nhất là 4 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn khác).

Học sinh được học trong trường thì giáo viên bộ môn sẽ theo sát lực học của các em để có phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Ví dụ, học sinh nào có lực học khá giỏi thì bồi dưỡng thêm kiến thức, tương tự, các em học yếu thì cần phụ đạo kĩ càng hơn.

Thứ hai, phụ huynh gửi con em vào trường học thêm thì họ rất yên tâm đi làm việc, bởi vì bên cạnh thầy cô giáo bộ môn còn có lãnh đạo nhà trường và bảo vệ. Nếu học sinh đi học thêm ở ngoài trường, việc giáo viên theo sát các em rõ ràng là không thể bằng.

Chúng ta cũng đừng lo sợ rằng, dự thảo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ khiến việc dạy thêm học thêm tràn lan. Bởi lẽ, một là, học sinh lớp 9, lớp 12 thường đi học thêm nhiều phục vụ cho việc thi cử.

Hai là, các môn học ít tiết, ví dụ Tin học, Công nghệ,… thường gọi là môn phụ thì hầu như học sinh tham gia học thêm rất ít, chủ yếu bậc trung học phổ thông, các em học thêm để xét tuyển vào đại học các tổ hợp có "môn phụ".

Để hạn chế việc học sinh đi học thêm quá nhiều thì đòi hỏi giáo viên bộ môn phải dạy hết sức hết lòng ở trên lớp. Cùng với đó, thầy cô giáo cần hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, thay vì các em phải đi học thêm quá nhiều. Ngoài ra, gia đình cần đánh giá đúng lực học của con, em, tránh chạy theo thành tích, điểm số.

Dạy thêm, học thêm ở Mỹ và Trung Quốc thế nào?

Theo tìm hiểu của tôi, ở Mỹ, hệ thống giáo dục không thường xuyên có các lớp dạy thêm như một số quốc gia khác. Tuy nhiên, có nhiều chương trình hỗ trợ học sinh ngoài giờ học chính, bao gồm:

- Lớp học bổ sung (Tutoring): Đây là dịch vụ cá nhân hóa, giúp học sinh cải thiện kỹ năng trong các môn học cụ thể. Các lớp này thường được tổ chức sau giờ học hoặc vào cuối tuần.

- Chương trình hè (Summer Programs): Nhiều trường học và tổ chức cộng đồng cung cấp các chương trình hè để học sinh có thể học thêm các kỹ năng mới hoặc ôn tập kiến thức đã học.

- Hoạt động ngoại khóa (Extracurricular Activities): Các câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa có thể hỗ trợ học sinh phát triển kỹ năng và kiến thức trong các lĩnh vực ngoài chương trình chính thức.

- Hỗ trợ học tập đặc biệt (Special Education Services): Các dịch vụ hỗ trợ học sinh có nhu cầu đặc biệt cũng được cung cấp để đảm bảo rằng tất cả học sinh có thể đạt được tiềm năng tối đa của mình.

Nói chung, việc dạy thêm học thêm ở Mỹ không phổ biến như ở một số quốc gia khác, nhưng có nhiều nguồn tài nguyên khác nhau để hỗ trợ học sinh.

Còn ở Trung Quốc, dạy thêm và học thêm là rất phổ biến. Hệ thống giáo dục ở Trung Quốc thường yêu cầu học sinh phải học nhiều ngoài giờ học chính thức để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng, như kỳ thi Cao đẳng (Gaokao).

Có một số hình thức phổ biến của dạy thêm học thêm ở Trung Quốc:

- Lớp học thêm (Extracurricular Tutoring): Nhiều học sinh tham gia các lớp học thêm ngoài giờ học chính để cải thiện điểm số hoặc chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng.

- Trung tâm dạy thêm (After-School Tutoring Centers): Các trung tâm này cung cấp các lớp học thêm cho học sinh, thường là các môn học chính như toán, văn, và khoa học.

- Học nhóm (Study Groups): Nhiều học sinh tham gia các nhóm học tập cùng bạn bè hoặc dưới sự hướng dẫn của gia sư để ôn tập và nâng cao kiến thức.

- Gia sư cá nhân (Private Tutors): Gia sư cá nhân cung cấp sự hỗ trợ học tập riêng biệt để giúp học sinh cải thiện kỹ năng trong các môn học cụ thể.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã có những quy định nhằm kiểm soát và giảm bớt áp lực từ việc học thêm, bao gồm hạn chế thời gian dạy thêm và yêu cầu các trung tâm dạy thêm phải đăng ký và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/hoc-them-la-nhu-cau-chinh-dang-cua-hoc-sinh-179240828142408395.htm