Học thêm tự nguyện và dạy thêm ép buộc, ranh giới mong manh
Dù cấm hay không cấm thì một bộ phận giáo viên không chỉ ở Đồng Nai mà đa số các địa phương trên cả nước vẫn đang dạy thêm rất bình thường.
Ngày 07/12/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai ban hành Công văn số 4150/SGĐT-NV1 về việc tạm dừng tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều về chuyện dạy thêm, học thêm ở địa phương này.
Nhiều giáo viên và phụ huynh mong muốn Bộ có hướng dẫn mới để địa phương cấp giấy phép dạy thêm bởi nếu không có hướng dẫn của Bộ và Sở thì việc dạy thêm của giáo viên là trái phép và nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con đi học thêm cũng không biết xoay sở ra sao.
Tuy nhiên, việc tạm dừng tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học ở Đồng Nai hay một số địa phương khác đã và đang cấm vẫn là một giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Suy cho cùng, những phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm hiện nay không nhiều, đa phần phụ huynh vẫn luôn mong muốn chương trình học nhẹ nhàng để con em họ có thời gian nghỉ ngơi và điều cốt yếu là hàng tháng không phải chi một khoản tiền lớn cho việc học thêm của con em mình.
Nhu cầu học thêm của một bộ phận phụ huynh học sinh là có thật
Chúng tôi không phủ nhận hiện nay vẫn có một bộ phận phụ huynh mong muốn được gửi con đi học thêm ở nhà trường, nhà thầy cô giáo hoặc các trung tâm gia sư nhằm giúp cho con em mình lĩnh hội thêm tri thức.
Nhất là một địa phương như tỉnh Đồng Nai- nơi mà tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh, điều kiện kinh tế nhiều gia đình khá giả, nhiều phụ huynh tất bật với công việc ở cơ quan, công xưởng nên ít có thời gian trông coi, kèm cặp con em mình.
Hơn nữa, những học sinh cuối cấp như lớp 9 và lớp 12 thì nhiều em luôn có nhu cầu học thêm để có kiến thức thi tuyển vào lớp 10 và các trường đại học có uy tín bởi những trường lớn thường có sự cạnh tranh lớn, tỉ lệ chọi thường rất cao.
Đặc biệt, tâm lý chung của một bộ phận phụ huynh là dù kinh tế chưa hẳn đã dư dả nhưng vẫn muốn cho con đi học thêm để bằng bạn, bằng bè và một điều quan trọng không kém là hy vọng con mình không sa vào những trò chơi vô bổ trên mạng internet hoặc tiếp xúc với bạn bè xấu khi cha mẹ vắng nhà.
Thi học sinh giỏi là nguồn cơn vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan
Vì thế, khi Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai ban hành Công văn số 4150/SGĐT-NV1 về việc tạm dừng tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học thì một số phụ huynh, học sinh lo lắng.
Tuy nhiên, nếu thực hiện đồng loạt việc tạm dừng dạy thêm, học thêm trong thời điểm này cũng là một điều rất cần thiết mà chúng tôi cho rằng Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, cũng như một số địa phương khác đã phải cân nhắc rất kỹ mới ban hành các văn bản này.
Xét về lý, vào thời điểm tháng 8/2019 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Vì thế, sau thời điểm tháng 8/2019, chỉ những cơ sở có giấp phép học thêm, dạy thêm còn hiệu lực mới được tiếp tục hoạt động cho đến khi hết giấy phép.
Xét về tình hình thực tế hiện nay thì Đồng Nai cũng như tất cả các địa phương trên cả nước vẫn đang sống trong nỗi lo lắng vì dịch bệnh luôn rình rập và có những diễn biến khó lường nên kinh tế của người dân đang chịu ảnh hưởng rất nhiều.
Hơn nữa, việc kiểm tra ở các nhà trường phổ thông từ năm học này đã thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT nên số lượng bài kiểm tra đã giảm đi rất nhiều, áp lực về điểm số không còn nặng nề như trước đây nữa.
Chính vì thế, việc tạm dừng tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học cũng là điều cần thiết, nó vừa đúng về lý vừa giảm chi phí cho phụ huynh và cũng là tránh mọi rủi ro về dịch bệnh (có thể xảy ra).
Ranh giới mỏng manh
Như phần đầu bài viết chúng tôi đã đề cập nhu cầu của một bộ phận phụ huynh muốn con mình được đi học thêm là có thật
Bộ sửa thông tư, làm sao ngăn được tình trạng dạy thêm chính khóa kiếm tiền?
Song theo quan sát của người viết về các trường hợp dạy thêm - học thêm quanh mình thì nó chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong tổng số phụ huynh và học sinh hiện nay mà thôi. Nhưng, chỉ cần một số phụ huynh trong lớp có nhu cầu thì ắt sẽ dẫn đến nhu cầu của cả lớp, cả trường bởi việc hợp thức hóa các đơn xin phép học thêm bây giờ đơn giản lắm.
Người này muốn con học thêm thì phụ huynh khác dù không muốn cũng phải theo bởi tâm lý phụ huynh thường hay sợ con mình sẽ bị ảnh hưởng trên lớp học chính khóa.
Vì thế, một số giáo viên, nhà trường cũng vin vào “nhu cầu” của phụ huynh để mở lớp dạy thêm.
Vậy nên, dù trên thực tế thì Bộ, một số Sở Giáo dục đang yêu cầu tạm dừng tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học nhưng nhiều giáo viên vẫn đang tổ chức dạy bình thường, chỉ khác là họ cảnh giác hơn một chút mà thôi.
Việc nhiều giáo viên vẫn dạy thêm dù giấy phép hoạt động đã hết là do thu nhập từ dạy thêm hiện nay là khá lớn, chỉ cần dạy thêm cho khoảng 20 học sinh là giáo viên có thêm khoản thu nhập bằng lương chính hàng tháng của mình.
Trong khi, giáo viên bộ môn thì họ dạy nhiều lớp, dù là những môn học nhiều tiết/ tuần cũng sẽ có ít nhất từ 4 lớp trở lên, mỗi lớp chỉ cần một nửa số lượng học sinh học thêm cũng đem lại một khoản thu nhập khá lớn hàng tháng cho họ.
Vì vậy, dù cấm hay không cấm thì một bộ phận giáo viên không chỉ ở Đồng Nai mà đa số các địa phương trên cả nước vẫn đang dạy thêm rất bình thường. Nhu cầu của phụ huynh thực ra cũng có nhưng có lẽ nhu cầu của một bộ phận giáo viên và nhà trường thì nhiều hơn!
Tài liệu tham khảo:
http://sgddt.dongnai.gov.vn/chi-dao/van-ban/ta-m-ngung-da-y-them-ho-c-them-trong-va-ngoa-i-nha-truo-ng-d3738.html
http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202012/hoc-them-nhu-cau-tu-phia-phu-huynh-hoc-sinh-3036697/
http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202012/thap-thom-cho-quy-dinh-cap-phep-day-them-hoc-them-3036698/