Học thông qua nghệ thuật: Tôn trọng và cho trẻ quyền quyết định
Vẫn là tiết học nghệ thuật, cũng vừa hát vừa vẽ, nhưng hai ngày trải nghiệm phương pháp giáo dục Laulau Phần Lan đã đem đến cho những người đang làm trong lĩnh vực giáo dục mầm non của Việt Nam nhiều điều thú vị, hữu ích.
Phát triển trẻ em toàn diện
Giáo dục mầm non là giai đoạn đặt nền tảng cho mọi quá trình học tập và phát triển tiếp theo của trẻ em. Những trải nghiệm và bài học mà các em thu nhận được trong những năm tháng đầu đời có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển trí tuệ, xã hội và cảm xúc sau này.
“Giáo dục mầm non chính là khởi điểm mà tôi nghĩ như những hạt mầm phải thật sự tốt trong những vườn ươm, vùng đất, môi trường thực sự trong lành để chúng ta được tự do nuôi dưỡng tình yêu, nuôi dưỡng sự phát triển tình yêu thông qua kiến thức, kỹ năng”, PGS.TS Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ.
Vậy, làm thế nào để nghệ thuật thực sự hỗ trợ việc học tập cũng như phát triển toàn diện của trẻ? Làm thế nào để tạo cơ hội cho trẻ gặp khó khăn trong việc tự biểu đạt và tham gia các hoạt động chia sẻ?
Trong 2 ngày 10 - 11.8, tại Hà Nội, bà Minna Lappalainen, người sáng lập phương pháp giáo dục Laulau Phần Lan, vừa giới thiệu, trao đổi, vừa hướng dẫn tổ chức các hoạt động giáo dục thông qua nghệ thuật dành cho trẻ em từ 1 - 9 tuổi, cho những học viên đầu tiên tại Việt Nam tham gia lớp đào tạo trực tiếp phương pháp giáo dục Laulau.
Laulau là phương pháp giáo dục dựa trên các hoạt động nghệ thuật, học thông qua vui chơi và sáng tạo, hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ em thông qua hoạt động học tập liên môn. Laulau Learning là tổng hợp của 3 phương pháp giáo dục chính: Songdrawing (Vẽ bài hát), Learning Mats (Thảm diệu kỳ) và Social - Emotional Artplay (Kiểm soát cảm xúc - xã hội).
Trong đó, Songdrawing được đánh giá là một phương pháp giáo dục xuất sắc, góp phần hỗ trợ mục tiêu của giáo dục đầu đời Phần Lan: phát triển trẻ em một cách toàn diện và nâng cao kỹ năng của trẻ thông qua học tập bằng nghệ thuật. Trẻ em được chìm đắm trong thế giới âm nhạc, thị giác, ngôn ngữ, vận động và thể hiện bản thân.
Đại diện Laulau Learning Phần Lan tại Việt Nam, ThS. Tống Liên Anh nhấn mạnh, giáo dục mầm non đặt nền tảng cho cả quá trình phát triển của trẻ sau này. Nếu chúng ta xây dựng và chia sẻ những chương trình giáo dục mầm non tốt tức là đã cùng nhau xây dựng một xã hội trí tuệ hơn, văn minh hơn và hạnh phúc hơn. “Hy vọng rằng Laulau Learning sẽ góp một phần nhỏ để kiến tạo một xã hội được nuôi dưỡng nền tảng từ những em bé có trí tuệ, cảm xúc tốt, phát triển toàn diện và hạnh phúc”.
Lấy trẻ em làm trung tâm
Nghiên cứu và tham gia lớp đào tạo, cô Nguyễn Thị Mai Thương, giảng viên khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhận thấy, phương pháp giáo dục này không quá xa lạ đối với Việt Nam, “vì trước nay mình vẫn hát và vẫn vẽ”. Tuy nhiên, khác biệt là ở cách triển khai phương pháp ấy và sự tôn trọng trẻ, cho trẻ được quyền quyết định.
Cô Thương lấy ví dụ, cũng là vẽ ông mặt trời, nhưng theo cách của Việt Nam, các cô sẽ nói các con vẽ ông mặt trời màu vàng, xung quanh ông mặt trời sẽ tỏa ra các tia nắng; trong khi theo phương pháp Laulau, trẻ được quyết định ông mặt trời nó nhìn thấy với các góc độ khác nhau, dựa vào kinh nghiệm cuộc sống của nó, có thể màu xanh, màu đỏ, tia nắng uốn lượn...
“Lấy trẻ làm trung tâm, lắng nghe trẻ hơn, tôn trọng quyết định của trẻ. Đó là điều tiến bộ hơn và hướng đến đứa trẻ nhiều hơn”, cô Thương nói.
Là chủ nhóm trẻ mầm non Baby Bamboo ở Hà Nội, Trần Thị Kim Dung từng tham gia lớp học online của Laulau Learning Phần Lan trước khi đến lớp học trực tiếp này. Chị nhận thấy, so với phương pháp đang áp dụng ở Việt Nam thì Laulau Learning khác khá nhiều.
Ở đây, nghệ thuật bao gồm âm nhạc và hội họa, còn ở Việt Nam đang tách thành hai bộ môn riêng biệt, không có sự lồng ghép, nếu lồng ghép thì chỉ trong phần khởi động hoặc phần kết thúc, chứ không có sự phối kết hợp liên tục như phương pháp Laulau. Nếu ở Việt Nam, các tiết học mỹ thuật đa phần hướng đến việc các con tập trung vẽ theo mẫu, còn với Laulau Learning, vẽ theo tư duy và khả năng sáng tạo của các con.
Song, “quan trọng nhất là thông qua phương pháp giáo dục này trẻ sẽ thể hiện được cảm xúc cực kỳ mạnh và giáo viên cũng dựa vào đó có thể giáo dục về cảm xúc, kỹ năng giao tiếp xã hội cho trẻ con trong tất cả các hoạt động khác. Phương pháp này còn có một điểm hay nữa là xây dựng cho trẻ kỹ năng làm việc nhóm (teamwork) đang thiếu trong xã hội thời đại 4.0”.
Kim Dung tiếc là nội dung của Laulau Learning đang hoàn toàn bằng tiếng Anh, nên khi áp dụng tại Việt Nam sẽ có rào cản về mặt ngôn ngữ, nhất là với các nhóm trẻ hoặc trường tư thục nhỏ. “Thế nhưng, nếu như giáo viên linh động thì cũng có thể sử dụng chính các bài hát của Việt Nam có nội dung phù hợp để dạy các con theo phương pháp này”.
Nghe giới thiệu và tham gia một vài hoạt động ở lớp đào tạo, PGS.TS Vũ Thị Tú Anh cũng tâm đắc với phương pháp giáo dục Laulau. Bà cho rằng, với giáo dục mầm non, điều khó nhất là cách thể hiện. Mọi cái đều được thể hiện bằng ngôn từ, nhưng trước ngôn từ chính là cảm thụ. Và nghệ thuật với ngôn ngữ của âm thanh, đường nét, màu sắc... cũng như tấm lòng nghệ sĩ đặc biệt có ý nghĩa giúp hình thành năng lực cảm thụ, tư duy logic của trẻ.
“Giáo dục và nghệ thuật như những người bạn tâm giao trong hành trình phát triển của trẻ. Không phải ai cũng có thể hát hay, múa đẹp, nhưng tình yêu dành cho con trẻ là điều quan trọng. Ngôn ngữ mà cô Minna diễn đạt bằng rất nhiều phương thức khác nhau cho thấy sự đa dạng để chúng ta có thể tự tin. Và với người học tập suốt đời, đầu tiên phải tự tin, tự tin rằng bất cứ điều gì chúng ta muốn làm đều có thể được bắt đầu bằng tình yêu. Tình yêu có thể giúp cho chúng ta hát ru hay, truyền tải cho các con ngôn ngữ đẹp. Người học suốt đời phải luôn có khả năng hấp thụ cái đẹp và chia sẻ cái đẹp cho những người xung quanh và cho chính mình”, PGS.TS Vũ Thị Tú Anh nói.