Học thuyết giá trị thặng dư vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh mới
Từ khi ra đời cho đến nay, học thuyết giá trị thặng dư bị các thế lực thù địch và những kẻ biện hộ cho sự bóc lột trong chủ nghĩa tư bản tập trung xuyên tạc, bóp méo nhiều nhất. Họ cho rằng, 'học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác đã lỗi thời, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã thay đổi bản chất, không còn là chế độ bóc lột nữa', 'học thuyết giá trị thặng dư không còn mang tính cách mạng và khoa học',...
Giá trị lý luận của học thuyết giá trị thặng dư
Để trả lời cho câu hỏi: học thuyết giá trị thặng dư (GTTD) của C. Mác có lỗi thời hay không, trước hết, cần nắm vững bản chất tư tưởng cốt lõi của học thuyết GTTD.
Học thuyết GTTD được hình thành trên cơ sở học thuyết giá trị - lao động mà trực tiếp là việc phát hiện ra tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa. Việc phát hiện ra tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa có ý nghĩa to lớn về mặt lý luận, nó đem đến cho lý thuyết giá trị - lao động một cơ sở khoa học thực sự.
Trước C. Mác, ngay cả những nhà kinh tế học lỗi lạc của trường phái tư sản cổ điển, như A-đam Xmít và Đa-vít Ri-các-đô đã không giải thích nổi vì sao các nhà tư bản trao đổi hàng hóa đúng giá trị mà vẫn thu được GTTD. C. Mác đã khắc phục được những nhầm lẫn, hạn chế của trường phái cổ điển và làm cho học thuyết giá trị - lao động đạt tới sự hoàn bị. Sử dụng phương pháp đặc thù trong nghiên cứu kinh tế chính trị là trừu tượng hóa khoa học, C. Mác đã tách GTTD ra khỏi những hình thái đặc thù của nó, xây dựng nên học thuyết GTTD của mình.
Các nhà kinh tế trước C. Mác thấy được lao động tạo ra giá trị, nhưng không tách ra được lao động nào (cụ thể hay trừu tượng) tạo ra giá trị. C. Mác cho thấy, chỉ có lao động trừu tượng mới tạo ra giá trị của hàng hóa. Nhờ phát hiện ra tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa cùng với một loạt những kết quả nghiên cứu khác: Về lượng giá trị, cấu thành lượng giá trị; nguồn gốc, bản chất, chức năng tiền tệ; quy luật giá trị và tác động của nó; mâu thuẫn công thức chung của tư bản và đặc biệt là nhờ phát hiện ra giá trị sử dụng đặc biệt của hàng hóa sức lao động có thuộc tính hết sức đặc biệt là sản sinh ra giá trị lớn hơn giá trị bản thân nó và nhờ phân biệt được quá trình lao động và quá trình làm tăng giá trị (quá trình sản xuất GTTD), C. Mác đã vạch rõ bản chất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN), thực chất của quá trình sản xuất GTTD. Qua đó, C. Mác làm rõ GTTD được tạo ra trong sản xuất chứ không phải là trong lĩnh vực lưu thông; lưu thông rất cần cho quá trình sản xuất và thực hiện GTTD.
Tất cả thành quả đó, tạo nên cơ sở khoa học vững chắc giúp C. Mác giải thích được nguồn gốc thực sự và quá trình vận động, biến tướng của GTTD thành lợi nhuận, lợi tức, địa tô trong sản xuất, lưu thông, phân phối; phân tích được bản chất của tư bản bất biến và tư bản khả biến... xây dựng nên học thuyết khoa học về GTTD, về tích lũy, về tái sản xuất và khủng hoảng kinh tế... Với học thuyết GTTD, C. Mác đã giải phẫu toàn bộ hệ thống kinh tế TBCN, bóc trần bản chất và nguồn gốc của cái gọi là hình thức “thu nhập” là lợi nhuận, lợi tức và địa tô.
Học thuyết GTTD cho thấy rõ bản chất và đặc điểm bóc lột của TBCN. Kinh tế hàng hóa TBCN là sự phát triển của kinh tế hàng hóa giản đơn. Nhưng, kinh tế hàng hóa TBCN khác với kinh tế hàng hóa giản đơn không chỉ về lượng (tức là không phải chỉ khác ở số lượng lớn sản phẩm bị thu hút vào chu chuyển hàng hóa và hình thái hàng hóa của sản phẩm trở thành hình thái thống trị) mà còn khác về chất. Trên vũ đài hàng hóa xuất hiện một loại hàng hóa mới là sức lao động, do đó, thị trường hàng hóa (nói chung) được bổ sung bằng một bộ phận đặc biệt là thị trường sức lao động. Tất nhiên, thị trường sức lao động không phải do C. Mác khám phá ra, vì ai cũng biết đến sự tồn tại của lao động làm thuê trong các xã hội trước TBCN. Nhưng điểm nhấn là ở chỗ, chỉ có C. Mác mới nhìn thấy lao động làm thuê (hàng hóa sức lao động và chỉ trên cơ sở sản xuất hàng hóa, lao động bị tách khỏi tư liệu sản xuất (TLSX) mới trở thành lao động làm thuê) là một nhân tố cơ bản làm cho tiền chuyển hóa thành tư bản và kinh tế hàng hóa giản đơn chuyển hóa thành kinh tế hàng hóa TBCN - thời đại mới của quá trình sản xuất xã hội, thời đại của tư bản công nghiệp.
Phương thức sản xuất TBCN được xây dựng trên cơ sở của một hình thức bóc lột đặc biệt, tức là hình thức chiếm đoạt lao động của người khác (lao động thặng dư) dưới hình thái GTTD. Khác với phạm trù “lợi nhuận” vốn được nhà tư bản yêu thích, GTTD biểu hiện một cách chính xác như sau: 1- Là giá trị, tức lao động vật hóa; 2- Là lao động thặng dư vật hóa, là phần giá trị dôi ra ngoài giá trị sức lao động và bị nhà tư bản chiếm dụng. Từ đó, đặc điểm bóc lột của CNTB không phải là ở sự tồn tại lao động thặng dư, mặc dù dưới sự thống trị của tư bản, trình độ bóc lột được nâng lên rất cao, mà đặc điểm của nó là lao động thặng dư đã hao phí mang hình thái GTTD, còn tỷ lệ giữa thời gian lao động thặng dư và thời gian lao động tất yếu thì mang hình thái tỷ lệ giữa GTTD và tư bản khả biến. Quan hệ bóc lột bị vật hóa, bị che lấp đằng sau quan hệ giữa vật với vật. Vì thế, sự bóc lột trong chủ nghĩa tư bản (CNTB) là rất tinh vi và không có giới hạn.
Như vậy, điểm mấu chốt của học thuyết GTTD là:
Thứ nhất, chỉ có lao động sống mới tạo ra giá trị của hàng hóa, tạo ra GTTD. Nguồn gốc tạo ra GTTD là sức lao động của công nhân làm thuê, chỉ có lao động sống (sức lao động đang hoạt động) mới tạo ra giá trị, trong đó có GTTD, nguồn gốc của GTTD là sự tiêu dùng sức lao động kéo dài ngoài thời gian tái sản xuất ra giá trị của nó;
Thứ hai,GTTD là quy luật kinh tế tuyệt đối của phương thức sản xuất TBCN, không có sản xuất GTTD thì không có CNTB, GTTD là nguồn gốc của mâu thuẫn cơ bản, nội tại của xã hội tư bản (mâu thuẫn giữa lao động và tư bản, giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân), mâu thuẫn này ngày càng sâu sắc, đưa đến sự thay thế tất yếu CNTB bằng một xã hội cao hơn.
Thứ ba, chừng nào còn chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN về TLSX, còn hàng hóa sức lao động, chừng nào mà người lao động còn phải thêm vào thời gian lao động cần thiết để nuôi sống mình một số thời gian lao động dôi ra để sản xuất những tư liệu sinh hoạt cho người chiếm hữu TLSX, chừng đó, học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác vẫn còn nguyên giá trị.
Học thuyết GTTD của C. Mác với những nội dung cốt lõi nêu trên, ngay từ khi mới ra đời đã vấp phải sự phủ nhận từ phía những người biện hộ và bảo vệ CNTB.
Còn nguyên giá trị trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ
Ngày nay, CNTB đương đại tuy đã có những bước phát triển mới, có sự điều chỉnh ở mức độ nào đó về chế độ sở hữu, quản lý và phân phối, về kiến trúc thượng tầng, nhất là về hệ thống pháp luật và sự điều tiết kinh tế của nhà nước tư sản độc quyền,... để tồn tại và thích nghi với bối cảnh mới. Nhưng học thuyết GTTD của C. Mác vẫn còn nguyên giá trị, bởi bản chất bóc lột của CNTB vẫn hiện hữu, không hề thay đổi.
Từ nửa sau thế kỷ XX, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại phát triển với tốc độ nhanh, với trình độ ngày càng cao. Bước tiến phi thường của cuộc cách mạng này dẫn tới việc xây dựng nhiều ngành công nghệ cao, như công nghệ hạt nhân, công nghệ điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và nhiên liệu mới, công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin,... đặc biệt là thúc đẩy sự phát triển công nghệ thông tin và sự ra đời của thời đại tin học.
Trong thời đại “hậu công nghiệp” hay “xã hội thông tin” ngày nay, lý lẽ đưa ra để bác bỏ lý luận GTTD có vẻ “thuyết phục” hơn. Ở các nước tư bản phát triển, mức sống của đại đa số công nhân được nâng cao hơn trước rất nhiều, một số công nhân đã có cổ phiếu trong các xí nghiệp, công ty tư bản, xuất hiện tầng lớp trung lưu đông đảo. Vì thế, nảy sinh luận điệu không còn có sự “phân biệt tư bản và lao động”, “không ai bóc lột ai”, CNTB nếu còn bóc lột thì chỉ bóc lột “người máy”. Vì trong các xí nghiệp hiện đại, tự động hóa, quá trình sản xuất ra sản phẩm không cần hoặc cần rất ít lao động sống, nhưng giá trị do các xí nghiệp này tạo ra tăng gấp bội so với các xí nghiệp cổ điển dùng rất nhiều công nhân,...
Những luận điểm “mới mẻ” ấy quả thật cũng có sự hấp dẫn, nhưng chúng không bác bỏ được sự thật. Chủ nghĩa tư bản mặc dù có những bước phát triển mới, biến đổi về lượng và chất cục bộ, nhưng bản chất bóc lột không hề thay đổi.
Ngày nay, CNTB tuy có những điều chỉnh nhất định về hình thức sở hữu, quản lý và phân phối để thích nghi ở mức độ nào đó với điều kiện mới, nhưng sự thống trị của CNTB tư nhân vẫn tồn tại nguyên vẹn, bản chất bóc lột của nó vẫn không hề thay đổi. Nhà nước tư sản hiện nay tuy có tăng cường can thiệp vào đời sống kinh tế - xã hội, nhưng về cơ bản nó vẫn là bộ máy thống trị của giai cấp tư sản. Những khái niệm và luận điểm phản ánh, đề cập những sự kiện, quan hệ kinh tế - xã hội mới nhất bao giờ cũng hấp dẫn người ta. Nhưng chúng không bác bỏ được thực tế là: không phải lao động quá khứ như máy móc, thiết bị kỹ thuật làm ra giá trị mới, mà lao động sống mới làm ra giá trị mới, lao động sống mới tạo ra GTTD trong thời đại kinh tế công nghiệp trước đây đã như vậy, trong kinh tế tri thức hiện đại cũng vậy.
Tuy nhiên, do trình độ đạt được của văn minh nhân loại và do cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, mà một bộ phận không nhỏ công nhân ở các nước tư bản phát triển có mức sống tương đối sung túc, nhưng về cơ bản, họ vẫn phải bán sức lao động và vẫn bị nhà tư bản bóc lột GTTD. Chỉ có điều khác biệt ở chỗ, quy luật GTTD ngày càng phát huy tác dụng mạnh mẽ trong điều kiện toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, song, cơ chế tác động của quy luật này phức tạp hơn, hình thức bóc lột GTTD tinh vi hơn nhiều so với trước đây. Trong điều kiện hiện nay, sản xuất GTTD có những đặc điểm mới:
Một là, do kỹ thuật và công nghệ hiện đại được áp dụng rộng rãi, nên khối lượng GTTD được tạo ra chủ yếu nhờ tăng năng suất lao động. Việc tăng năng suất lao động do áp dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại có đặc điểm là chi phí lao động sống cho một đơn vị sản phẩm giảm nhanh, vì máy móc hiện đại thay thế được nhiều lao động sống hơn. Hơn nữa, nhà tư bản thông qua sử dụng ồ ạt các thiết bị tự động hóa, đem khoa học - kỹ thuật hiện đại ứng dụng với quy mô lớn vào sản xuất, đã nâng cao rất nhiều lần năng suất lao động. Vì thế, họ thuê ít công nhân hoặc không thuê công nhân điều khiển máy móc mà vẫn có thể giành được GTTD nhiều hơn. Sự thực đó cũng không thể phủ định lý luận giá trị lao động và nguyên lý cơ bản của lý luận GTTD, tức là giá trị và GTTD đều do lao động sống của người lao động sáng tạo ra, lao động sống là nguồn gốc duy nhất của giá trị và GTTD. Các yếu tố sản xuất khác (máy móc, thiết bị, kỹ thuật, công nghệ,... kể cả người máy) đều không tạo ra giá trị và GTTD.
Trong nền kinh tế công nghiệp trước đây đã như thế thì ngày nay, trong điều kiện kinh tế tri thức cũng như vậy. Ai cũng biết, khoa học - kỹ thuật và thiết bị tự động hóa, cùng yếu tố sản xuất khác đều là sản phẩm lao động và có giá trị, đều thuộc về TLSX và điều kiện vật chất không thể thiếu trong quá trình sản xuất TBCN. C. Mác chưa bao giờ phủ định “tác dụng quan trọng” của tư liệu lao động trong quá trình sản xuất. Khi trình bày sự hình thành giá trị và làm tăng thêm giá trị, C. Mác khẳng định tiền đề của nó là TLSX (nguyên liệu và tư liệu lao động) không thể thiếu của sản xuất GTTD.
Dù máy móc tự động hóa đã thay thế lao động trực tiếp và một bộ phận lao động trí óc của con người, nhưng không thay thế được địa vị lao động của con người, càng không thể thay đổi địa vị chủ thể của con người trong quá trình sản xuất.
Do đó, bất cứ lao động nào, dù là lao động giản đơn hay lao động trí tuệ mà không được trả công tương xứng với giá trị mà lao động đó sáng tạo ra (sau khi trừ các khoản chi phí cần thiết) trong TBCN đều bị bóc lột GTTD.
Hai là, cơ cấu lao động xã hội ở các nước tư bản phát triển hiện nay có sự biến đổi lớn. Hàm lượng chất xám (sự đầu tư trí tuệ của công nhân, trí thức, kỹ thuật lập trình, nhà khoa học phát minh, sáng chế, nhà quản trị và công nghệ hiện đại), nên lao động phức tạp, lao động trí tuệ tăng lên và thay thế lao động giản đơn, lao động cơ bắp, dẫn đến lao động trí tuệ, lao động có trình độ kỹ thuật cao ngày càng có vai trò quyết định trong việc sản xuất ra GTTD. Thu nhập chủ yếu của nhà tư bản trong điều kiện kinh tế tri thức cũng không phải công quản lý mà từ phần lao động thặng dư của người lao động làm thuê, chủ yếu là lao động trí tuệ, nhà tư bản chiếm lấy. Chính nhờ sử dụng lực lượng lao động này mà tỷ suất và khối lượng GTTD đã tăng lên rất nhiều.
Sự điều chỉnh của CNTB độc quyền nhà nước và của CNTB độc quyền nhà nước quốc tế đã làm cho sự bóc lột GTTD mang tính hai mặt: vừa tăng cường, vừa hạn chế. Tăng cường vì có môi trường đầu tư thuận lợi: cung cấp TLSX, chỉ dẫn và định hướng quá trình sản xuất GTTD; điều chỉnh dòng chảy GTTD tư bản hóa,... Hạn chế vì sử dụng các luật lệ, chính sách để điều chỉnh khi sự bóc lột của các công ty tư bản “quá ngưỡng” có thể xảy ra nguy cơ xung đột về chính trị và xã hội. Ngày nay, sự điều tiết phân phối GTTD của các nhà tư bản qua thuế, quỹ phúc lợi xã hội, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp,... cũng tạo nên một số thu nhập nào đó cho người lao động.
Sự xuất hiện chế độ sở hữu hỗn hợp với sự hiện diện của các công ty cổ phần, trong đó đại bộ phận là sở hữu tư nhân tư bản với một bộ phận nhỏ cổ phần của người lao động đã làm giảm đi một phần nào tính gay gắt của mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất xã hội với chế độ sở hữu tư nhân TBCN về TLSX. Trong lĩnh vực quản lý và phân phối cũng có những điều chỉnh đáng kể. Việc cho người công nhân được mua cổ phiếu, tham dự hội nghị cổ đông, việc giảm thiểu thời gian lao động trong tuần,... dường như là chiếc van điều áp, giảm thiểu mâu thuẫn giữa tư bản và lao động.
Nhưng đó là cách nhìn phiến diện, không thấy đằng sau, phía trước sự phát triển ấy là gì. Trước hết phải thấy rằng, CNTB đã có nhiều thế kỷ phát triển, bánh xe vận hành của nó đã lăn đi trong máu và nước mắt của nhân dân lao động trên trái đất này. Tê-ry I-gơ-le-tơn - học giả người Anh đã nhận định: “Những nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử nô dịch, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách ghê tởm”(1). Lật lại các trang lịch sử của nó là sẽ thấy những gì mà chế độ tư bản đã đối xử với đồng loại của mình. Vì chế độ thực dân xâm lược mà cuối thế kỷ XIX, hàng chục triệu người Ấn Độ, các nước châu Phi, Trung Quốc, Bra-xin, Triều Tiên, Nga, Việt Nam và nhiều nước khác đã chết do đói, hạn hán, dịch bệnh. Và ngay trong lòng các nước tư bản giàu có hiện nay, ai dám chắc mọi người dân đều có cuộc sống tốt đẹp? Nếu khẳng định được thì tại sao ngay tại nước Mỹ hùng mạnh, phát triển, hiện đại, vẫn còn tồn tại các khu nhà ổ chuột của người da đen và người nhập cư?
Ba là,điểm cần lưu ý, xem xét quan hệ bóc lột của CNTB ngày nay không chỉ bó hẹp trong quan hệ giữa nhà tư bản và người lao động làm thuê ở các nước TBCN, mà phải xem xét cả quan hệ thống trị, bóc lột của các nước phát triển với các nước kém và đang phát triển, thể hiện ở sự phân hóa hai cực: giàu, nghèo của thế giới. Bởi vì, sự bóc lột GTTD của CNTB đã mang “tính quốc tế”.
Ngày nay, trong điều kiện toàn cầu hóa, CNTB độc quyền nhà nước quốc tế, thông qua các hình thức, như xuất khẩu tư bản, di chuyển lao động từ nước này sang nước khác, việc bành trướng của các công ty xuyên quốc gia, tình trạng bất bình đẳng trong các quan hệ thương mại quốc tế, sự xuất hiện cái gọi là chủ nghĩa thực dân kinh tế, sự áp đặt chính sách giữa Đông và Tây, giữa các nước giàu với các nước nghèo,... khiến cho việc sản xuất GTTD mang tính quốc tế, được tư bản hóa, được xuất khẩu để quốc tế hóa tư bản với sự đa dạng của các hình thức sản xuất ra nó.
Bốn là, những sự “điều chỉnh” để thích ứng của CNTB tuy có tác động tới sự phát triển, song đưa lại hệ quả xấu là khoét sâu thêm khoảng cách giữa giàu và nghèo, làm cho các nước nghèo ngày càng nghèo hơn, các nước giàu ngày càng giàu hơn. Tích tụ tư bản và bóc lột công nhân là hai quá trình thực tế không tách rời nhau. Điều đó được xác nhận qua sự thành lập các tập đoàn kinh tế khổng lồ trên cơ sở tăng cường bóc lột bằng những phương thức mới, qua nạn thất nghiệp phổ biến đang trở thành hiện tượng kinh niên. Mặt khác, điều đó cũng xác nhận cho học thuyết của C. Mác khi nói rằng đi kèm sự phát triển của CNTB là hiện tượng tăng tư bản bất biến (dùng để mua TLSX) và giảm tư bản khả biến (dùng để mua lao động). Vì thế “đội quân hậu bị” trở thành yếu tố thuộc về bản chất của CNTB. Sự phân cực trong vấn đề tài sản tự nó là biểu hiện của tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng ở mỗi nước và trên phạm vi thế giới. Cực tích tụ của cải và cực tích tụ đói nghèo là hai mặt của một đồng tiền tư bản ở từng nước và trên phạm vi thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức phi chính phủ Oxfam được công bố trong bối cảnh các lãnh đạo chính trị và kinh tế thế giới tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra tại Đa-vốt, Thụy Sĩ từ ngày 21-1 đến ngày 25-1-2019, 26 tỷ phú giàu nhất thế giới đang nắm lượng tài sản tương đương tổng tài sản của 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới trong năm 2018. Báo cáo trên còn cho biết, ước tính 1% người giàu nhất thế giới đang nắm giữ 42% tài sản của thế giới; trong khi đó, 99% dân số còn lại chỉ nắm giữ 58% tài sản thế giới(2).
Hiện nay, trong phạm vi quốc gia, CNTB hiện đại cố gắng xây dựng một hệ thống pháp luật đa dạng, phổ cập trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo điều kiện cho quá trình “điều chỉnh” của CNTB tư nhân đối với các quá trình kinh tế. Để điều hòa các mâu thuẫn hiện tại của nó, CNTB tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế nhằm thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất. Động thái này được tiến hành trong sự kết hợp với việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và hiệu quả sản xuất, giảm bớt chi phí xã hội, mở rộng môi trường cạnh tranh,... Vì thế, việc nhà nước tư sản ở các nước công nghiệp phát triển chiếm hữu và phân phối từ 30% - 60% thu nhập quốc dân và sử dụng một phần từ siêu lợi nhuận thu được để trả công cho người lao động dễ tạo ra trong người lao động một “ảo giác” về tình trạng không bị bóc lột.
Những phân tích trên đây chưa thể nói lên tất cả những mâu thuẫn, xung đột ngày càng gay gắt trong lòng xã hội tư bản hiện nay, nhưng cũng đã phác họa được bức tranh khái quát về những hình thức biểu hiện mới của vấn đề bóc lột của tư bản đối với lao động trên toàn thế giới. Nhưng, dù những hình thức bóc lột có biến tướng, tinh vi đến mức nào chăng nữa thì bản chất bóc lột của tư bản đối với lao động vẫn là bóc lột GTTD - tức là bóc lột lao động sống của người lao động chứ không thể bóc lột lao động “chết” của máy móc được. Do vậy, nói một cách khác, học thuyết GTTD vẫn còn nguyên giá trị, CNTB vẫn giữ nguyên bản chất bóc lột của nó.
Luận điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về chế độ người bóc lột người trong xã hội tư bản vẫn giữ nguyên giá trị khoa học. Mặc dù đã có sự thay đổi và điều chỉnh, song có thể khẳng định: bản chất bóc lột của CNTB không thay đổi; khi nào những mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản còn tồn tại thì khi ấy, học thuyết GTTD vẫn sẽ mãi là ánh sáng chỉ đường cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và loài người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột của CNTB./.
------------------------------
(1) Terry Eagleton: Tại sao Mác đúng?, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2012, tr. 40
(2) https://vietnam.oxfam.org/press_release/b% báo-cáo-oxfam-tại-davos-lợi-ích-công-hay-tài-sản-tư