Học tiếng Anh với các thầy cô Hà Nội ở nơi địa đầu Tổ quốc

Sắp đón Tết Giáp Thìn 2024, nhiều trường tiểu học tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang rộn ràng hơn với không khí học Ngoại ngữ theo Dự án học trực tuyến với giáo viên và học sinh Hà Nội. Mô hình lớp học thông minh ứng dụng công nghệ thông tin của Hà Nội đang ngày càng phát huy lợi thế khi xóa đi khoảng cách địa lý và đem đến những trải nghiệm rộng khắp tới nhiều điểm cầu tiếp sóng.

Những buổi học trực tiếp hiếm hoi của thầy trò Hà Nội - Hà Giang sau hơn 2 năm triển khai học Tiếng Anh trực tuyến

Những buổi học trực tiếp hiếm hoi của thầy trò Hà Nội - Hà Giang sau hơn 2 năm triển khai học Tiếng Anh trực tuyến

Nhớ lại những tiết dạy thử đầu tiên, cô giáo Hồng Nhung, giáo viên tiếng Anh trường phổ thông Marie Curie đảm nhận dạy môn học này cho học sinh trường Tiểu học Khâu Vai, huyện Mèo Vạc cho biết, không khí buổi học hào hứng, học sinh rất nhiệt tình tham gia. Cô chia sẻ: “Các em lần đầu tiếp cận với tiếng Anh. Vì vậy, mình hướng dẫn kỹ càng, nhắc lại các câu khẩu lệnh đơn giản nhiều lần, thật chậm để các em bắt kịp, hào hứng theo dõi bài học. Việc dạy trực tuyến khó khăn hơn trực tiếp do liên quan tới tín hiệu đường truyền, hạn chế tương tác... nhưng mình rất hy vọng, dự án thành công để giúp được học sinh vùng cao học tiếng Anh hiệu quả hơn”.

Dạy trực tuyến đòi hỏi các thầy cô phải xây dựng bài giảng hấp dẫn, có phương pháp truyền đạt phù hợp để lôi cuốn học trò. Cô Huyền Mai, phụ trách trường Tiểu học Lũng Pù, Mèo Vạc nói rằng, việc dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học không đơn giản. Dù có sách giáo khoa, phần mềm nhưng cô vẫn cần chuẩn bị bài giảng trước 1 tuần. Cô chia sẻ: “Mình lồng ghép nhiều tranh, ảnh cho sinh động; sử dụng từ ngữ dễ hiểu, phù hợp với khả năng của học sinh; tăng cường các hoạt động tương tác. Buổi dạy thử diễn ra khá suôn sẻ, mình đã có trải nghiệm khó quên trong đời”.

“Chúng tôi xác định, đây là một việc không dễ dàng nhưng đã vào cuộc thì phải vượt qua mọi khó khăn để có kết quả tốt nhất… Hy vọng với ngọn lửa nồng nàn trong tim, chúng ta sẽ có một năm học thành công, để lại dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp giáo dục của mỗi người” - Hiệu trưởng trường phổ thông Marie Curie Nguyễn Xuân Khang chia sẻ. Hơn 2.600 học sinh lớp 4 của 76 lớp thuộc 18 trường tiểu học ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đang tham gia học trực tuyến tiếng Anh với giáo viên trường phổ thông liên cấp Marie Curie. Với “lửa trong tim” cùng tinh thần nhiệt huyết, các thầy cô đã mang “luồng gió mới” tới các tiết học ở nơi địa đầu Tổ quốc.

Khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới ở lớp 3, huyện Mèo Vạc đã vấp phải khó khăn lớn do thiếu giáo viên Tiếng Anh. Trước lời đề nghị hỗ trợ từ các trường bạn nơi tuyến đầu Tổ quốc còn nhiều thiếu thốn, thầy Nguyễn Xuân Khang đã quyết định tổ chức dự án giảng dạy môn Tiếng Anh cho học sinh lớp 3 trên toàn huyện. Theo đó, mỗi lớp có 4 tiết/tuần, trong đó 3 tiết dạy trực tuyến do các thầy cô trường Marie Curie thực hiện từ điểm cầu Hà Nội; 1 tiết còn lại do các thầy cô Mèo Vạc phụ trách. “Hết học kỳ 1, nhóm dự án trực tiếp lên Mèo Vạc, lần đầu tiên nhìn thấy tận mắt gần 3.000 học trò của mình ngoài đời thực. Trong cuộc hội ngộ đầu tiên, cô trò ôm nhau sung sướng. Suốt 4 tháng trời chỉ thấy nhau qua màn hình, bây giờ cô trò được gặp nhau tay bắt mặt mừng. Cảnh tượng ấy thật xúc động… Cô trò ăn với nhau một bữa cơm rồi trở về, tiếp tục việc dạy và học qua máy tính“ - nhà giáo Nguyễn Xuân Khang nhớ lại và chia sẻ dự án dạy Tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc mà ông và trường Marie Curie thực hiện từ năm 2022 sẽ kết thúc vào năm 2025, khi lứa học sinh này tốt nghiệp tiểu học. “Tôi trăn trở làm thế nào để giúp Mèo Vạc có giải pháp giải quyết tận gốc về giáo viên chứ không phải “ăn bữa nay, lo bữa mai” do không có giáo viên tiếng Anh như hiện nay” - ông Khang nói. Do vậy, Hiệu trưởng trường Marie Curie đã đề xuất với ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mèo Vạc về việc sẽ phối hợp để hỗ trợ đào tạo giáo viên Tiếng Anh cho huyện với hình thức cử tuyển kết hợp xã hội hóa. Huyện sẽ lo tìm học sinh là con em tại địa phương, có đủ điều kiện để trúng tuyển vào các trường đại học đào tạo ngôn ngữ Anh, bố trí cho các em về dạy học tại các trường trên địa bàn huyện sau khi ra trường.

Trường Marie Curie sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo, ăn ở cho các em. Trong biên bản cam kết mà các bên đã ký, mức hỗ trợ tối thiểu là 5 triệu đồng/em/tháng (bắt đầu từ tháng 12-2023). Mức này có thể tăng lên đến 10 triệu đồng/tháng, phụ thuộc vào thành tích học tập của các em. Số học bổng này được chuyển từng tháng vào tài khoản của các em. Theo cam kết, trường Marie Curie sẽ hỗ trợ đào tạo 30 giáo viên cho huyện Mèo Vạc trong khuôn khổ dự án này; tổng dự tính kinh phí cho toàn bộ dự án từ 6 - 12 tỷ đồng bắt đầu từ tháng 12-2023.

Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hà Giang bày tỏ sự xúc động và cảm ơn khi nhận được sự hỗ trợ của một trường học ở Hà Nội vì công việc chung của toàn ngành. “Thầy Khang đã kể lại hành trình hỗ trợ giáo viên Tiếng Anh cho Mèo Vạc một cách rất giản dị, nhưng thực tế đã giúp giải cho Hà Giang bài toán khó khăn nhất trong thời điểm khởi đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018” - ông Nguyễn Thế Bình nhấn mạnh và cho biết, nhờ mô hình hỗ trợ dạy Tiếng Anh cho Mèo Vạc của trường Marie Curie mà năm học này, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Lâm Đồng và một tổ chức thiện nguyện ở TP.HCM đã biết đến, chủ động giúp dạy Tiếng Anh cho các địa bàn khó khăn nhất của Hà Giang.

Lớp học sôi nổi trong một buổi học Tiếng Anh trực tuyến của học sinh huyện Mèo Vạc, Hà Giang với giáo viên Hà Nội

Lớp học sôi nổi trong một buổi học Tiếng Anh trực tuyến của học sinh huyện Mèo Vạc, Hà Giang với giáo viên Hà Nội

Chắc chắn trong thời gian tới, mô hình hỗ trợ của trường Marie Curie sẽ được chính quyền và ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Giang áp dụng, nhân rộng để trở thành chủ trương của chính quyền địa phương, tạo được đội ngũ nhà giáo là người tại địa phương, được đào tạo bài bản để trở về tiếp tục sinh sống, cống hiến cho địa phương. “Như vậy, tính bền vững trong phát triển của giáo dục ở vùng khó khăn như Hà Giang mới được hiện thực hóa” - ông Nguyễn Thế Bình nói.

Kết thúc năm học, dự án được đánh giá thành công đặc biệt. 2.609 học sinh lớp 3 Mèo Vạc hoàn thành môn học theo yêu cầu đề ra. Đặc biệt, trong đó có 4 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh tại Hà Giang.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hoc-tieng-anh-voi-cac-thay-co-ha-noi-o-noi-dia-dau-to-quoc-post565795.antd