Học tiếng đồng bào để hoàn thành tốt nhiệm vụ
Nhằm tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng đồng bào cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS), nhất là đội ngũ trực tiếp, thường xuyên công tác tại địa bàn, mới đây, Đồn Biên phòng Nậm Càn, BĐBP Nghệ An đã tổ chức, triển khai lớp học tiếng dân tộc Mông năm 2024 cho các học viên là CBCS trong đơn vị.
Từ đầu năm đến nay, cứ vào tối thứ 3, thứ 5 hàng tuần, lớp học tiếng dân tộc Mông của Đồn Biên phòng Nậm Càn lại được duy trì đều đặn với hơn 40 học viên. Với tinh thần “học mới, ôn cũ”, thầy giáo, Trung tá Và Bá Tu (người con của đồng bào dân tộc Mông), Đội trưởng Vận động quần chúng của đơn vị tiến hành kiểm tra bài cũ đã học từ buổi học trước, sau đó mới tiến hành học bài mới. Thầy giáo Tu bộc bạch: "Những buổi học đầu tiên, chúng tôi cho học viên làm quen những câu chào hỏi, giao tiếp thông thường; đồng thời chú trọng ôn luyện để học viên phát âm đúng, chính xác các từ và nói đúng ngữ điệu của đồng bào Mông tại địa phương.
Thường xuyên đồng hành cùng thầy giáo và các học viên là Trung tá Xồng Bá Mùa (cũng là người con của đồng bào dân tộc Mông), Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nậm Càn được Ban chỉ huy đồn phân công phụ trách lớp học, hỗ trợ thầy giáo, giúp đỡ các học viên trong quá trình học tập. Bây giờ, thầy giáo cũng không phải bận bịu với phấn trắng, bảng đen nữa, bởi tất cả giáo án đều được biên soạn trên máy tính, trình chiếu giới thiệu qua màn chiếu, hoặc ti vi...".
Trung tá Nguyễn Quang Ninh, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nậm Càn chia sẻ: "Để giao tiếp tốt với bà con, cần phải tích cực học các từ giao tiếp thông thường, tích cực hội thoại, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đặc biệt, phải luôn ghi chép ngay những từ mới (vào điện thoại, hoặc một cuốn sổ tay nhỏ) để tiện tra cứu mỗi khi mình cần...". Trung tá Ninh “bắn” mấy câu vừa học được: Người dân rất yêu quý và thích “tha hả lò sai nho chế” (bộ đội tới thăm nhà), “nhỉa tha hả Ninh” (thích bộ đội Ninh)...
Đặc biết, địa bàn Đồn Biên phòng Nậm Càn phụ trách, quản lý là xã biên giới Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, gồm 6 bản với 479 hộ/2.516 khẩu thì có đến 477 hộ là người dân tộc Mông. Quá trình giao tiếp, bà con chủ yếu dùng tiếng Mông, do đó, để CBCS trong đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, theo Trung tá Hồ Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Càn: Từ đầu năm 2024, đơn vị đã tổ chức lớp học tiếng Mông cho CBCS, đồng thời, khuyến khích các CBCS tự học, tự trau dồi qua tiếp xúc, trao đổi công tác, làm nhiệm vụ với các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn để nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Đơn vị cũng đề ra chỉ tiêu phấn đấu để CBCS, trước hết là chỉ huy đồn, cán bộ các đội công tác của đơn vị có thể nghe, hiểu và nói tiếng dân tộc Mông trên địa bàn trong quan hệ giao tiếp thông thường khi làm nhiệm vụ; cán bộ các đội công tác nghiệp vụ: Vận động quần chúng, Trinh sát, Phòng chống ma túy và tội phạm phải thành thạo tiếng dân tộc Mông; Đội Kiểm soát hành chính đảm bảo cơ bản nghe, nói và giao tiếp được tiếng đồng bào...
Thông qua lớp học tiếng Mông, CBCS Đồn Biên phòng Nậm Càn sẽ tự tin tiếp xúc, nói chuyện trực tiếp với đồng bào, nâng cao hiệu quả trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và giúp họ trở thành những “người con” gần gũi của dân bản.