Học tiếng Mông giúp cán bộ, quân nhân dễ dàng tiếp cận địa bàn

Thông qua lớp bồi dưỡng tiếng Mông, cán bộ quân nhân dễ dàng tiếp cận địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân.

Học tiếng Mông giúp cán bộ, quân nhân dễ dàng tiếp cận địa bàn.

Học tiếng Mông giúp cán bộ, quân nhân dễ dàng tiếp cận địa bàn.

Nhiệm vụ trọng tâm

Là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có 87% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm 37%; đồng bào sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, một bộ phận đồng bào dân tộc Mông giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn hạn chế. Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã xác định: Dạy chữ và tiếng Mông cho đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên công tác tại vùng đồng bào Mông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức của tỉnh.

Thời gian qua tỉnh Hà Giang luôn chú trọng việc dạy chữ và tiếng Mông cho đội ngũ cán bộ công chức thường xuyên công tác tại vùng đồng bào Mông. Tỉnh đã biên soạn thành công giáo trình giảng dạy là Bộ Tài liệu dạy chữ và tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, công chức tỉnh Hà Giang, xuất bản năm 2008. Đây là bộ giáo trình có nội dung rất phù hợp với đặc thù ngôn ngữ vùng dân tộc Mông ở Hà Giang và được đưa vào giảng dạy đầu năm 2009.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phối hợp với các đơn vị, thường xuyên mở lớp bồi dưỡng chương trình học tiếng Mông cho cán bộ, công chức đang công tác tại các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh.

Mới đây, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Trường Đại học Thái Nguyên tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông năm 2023.

Nhằm mục tiêu nâng cao khả năng nghe, nói, giao tiếp bằng tiếng Mông, đồng thời am hiểu thêm về phong tục tập quán của dân tộc Mông cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang. Từ đó, giúp các cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp nắm chắc tâm tư nguyện vọng của nhân dân, để phối hợp cùng chính quyền các cấp thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, giúp người dân tích cực, chủ động cùng lực lượng vũ trang bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Lớp học được mở trong thời gian 3 tháng, 60 học viên là các cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang tỉnh sẽ được các giảng viên đến từ Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) bồi dưỡng, nâng cao kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc và phương pháp, kỹ năng, kinh nghiệm tuyên truyền, vận động nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh. Nội dung đào tạo gồm 6 chuyên đề về kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước cho 2 nhóm đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong đơn vị.

Dưới sự hướng dẫn, giảng dạy tận tình của các thầy cô, qua lớp bồi dưỡng đã giúp cho các cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang hiểu và nói được tiếng dân tộc thiểu số, nắm chắc được các phong tục, tập quán của đồng bào Mông.

Lớp Bồi dưỡng tiếng Mông do Bộ CHQS tỉnh Hà Giang phối hợp với Trường Đại học Khoa học (ĐH Thái Nguyên) tổ chức.

Lớp Bồi dưỡng tiếng Mông do Bộ CHQS tỉnh Hà Giang phối hợp với Trường Đại học Khoa học (ĐH Thái Nguyên) tổ chức.

Giúp cán bộ, quân nhân dễ dàng tiếp cận địa bàn

Từ đó, tạo thuận lợi cho cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp dễ dàng tiếp cận địa bàn, từng bước nâng cao kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông nói riêng và dân tộc thiểu số nói chung thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến nhân dân.

TS Trịnh Thị Thu Hòa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo ngôn ngữ và văn hóa các DTTS vùng núi phía Bắc, Trường Đại học Khoa học (ĐH Thái Nguyên) khẳng định: Việc dạy, học tiếng dân tộc Mông nhằm giúp cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tỉnh Hà Giang - những người trực tiếp công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng thành thạo trong giao tiếp và có những hiểu biết cần thiết về văn hóa, phong tục tập quán, vận dụng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân trên địa bàn, nhất là lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Cũng theo TS Trịnh Thị Thu Hòa: ngay sau khi kết thúc khóa học các học viên có khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Mông và được cấp chứng chỉ qua đó, giúp cán bộ sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao nhận thức về chủ quyền, an ninh, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-tieng-mong-giup-can-bo-quan-nhan-de-dang-tiep-can-dia-ban-post665279.html