Học tiếng Việt cội nguồn ở Berlin
Các lớp học hoàn toàn miễn phí, được bổ sung vào thời khóa biểu tại trường, với mong muốn giúp trẻ em Việt ở Đức hoàn thiện khả năng sử dụng tiếng Việt
Đứa trẻ tầm 5 tuổi với những đặc điểm "mũi tẹt, da vàng" đích thị châu Á bắn một tràng tiếng Đức với người mẹ trẻ đang cố lôi thằng bé ra khỏi đống cát ở khu vui chơi. Thay vì trả lời với đứa bé đang phụng phịu ra mặt, bà mẹ trẻ chậm rãi: "Nói tiếng Việt".
Món quà đặc biệt
Đoán ra sự không hài lòng của mẹ, cậu bé rặn từng chữ: "Con không muốn. Mình sẽ ở lại. Một tí thôi. Chơi tiếp". Lúc đó, bà mẹ trẻ nói tiếp: "Mẹ muốn mẹ con mình nói tiếng Việt với nhau như thế".
Hẳn bất cứ người Việt nào vô tình nghe đoạn hội thoại trên ở Berlin, thủ đô nước Đức, cũng sẽ bất ngờ. Cuộc sống bận rộn khiến cho nhiều bậc phụ huynh trong các gia đình di cư từ Việt sang Đức - vốn bị xoáy vào guồng quay mưu sinh - cùng suy nghĩ: "Đứa trẻ là người Đức nên việc chúng giao tiếp bằng tiếng Đức là lẽ đương nhiên".
Vì vậy, thay vì cố dạy con tiếng Việt, nhiều bà mẹ chọn cách học thật giỏi tiếng Đức để giao tiếp với con mình. Với họ, đó đều là thuận theo tự nhiên cả!
Nhưng nay, ít nhiều đã có thay đổi trong cộng đồng người Việt ở Berlin. Barnim - một trường phổ thông trung học thuộc quận Berlin-Lichtenberg, nằm giữa hai khu Hohenschönhausen và Marzahn có nhiều người Việt sinh sống nhất nước Đức - trở thành trường đầu tiên được Bộ Giáo dục, Thanh niên và Gia đình bang Berlin phê chuẩn đưa môn "Ngôn ngữ cội nguồn - tiếng Việt" vào giảng dạy chính quy, bắt đầu từ năm học 2021-2022.
Một kết quả nghiên cứu được bà Sandra Scheeres - nghị sĩ phụ trách mảng giáo dục, thanh niên và gia đình - dẫn ra cho thấy hơn 1/3 cư dân Berlin có nguồn gốc nhập cư; khoảng 150.000 học sinh, tương đương 40% tổng số học sinh ở các trường học, nói được ít nhất một ngôn ngữ khác trong gia đình ngoài tiếng Đức.
"Đây là một món quà đặc biệt cần được nuôi dưỡng… Đối với chúng tôi, đa ngôn ngữ là một nhiệm vụ giáo dục và đồng thời là một cơ hội giáo dục" - bà Scheeres nói.
Suốt hơn 10 năm qua, theo thống kê của trường Barnim, số lượng học sinh gốc Việt vẫn luôn giữ ở mức 16%-17%, xu hướng không giảm đi. Từ năm 2008, trường bắt đầu quan tâm đặc biệt đến nhóm học sinh có những đặc điểm rất riêng này. Các em đa phần có học lực tốt và hạnh kiểm tốt.
Kể từ đó, hằng năm, trường lại có thêm những hoạt động gắn bó với Việt Nam (kết nghĩa với Trường THPT Việt Đức tại Hà Nội), tổ chức các sự kiện tiếng Việt, văn hóa Việt (lớp ngoại khóa "Vietnam-AG") và cộng đồng người Việt như Tết, "Đêm Việt Nam"…
Ngoài ra, trường còn có nhân viên công tác xã hội người Việt tư vấn tâm lý học sinh và đóng vai trò là cầu nối giữa học sinh, phụ huynh Việt Nam với nhà trường, các thầy cô giáo.
Khai mở kho báu
Từ cựu hiệu trưởng, ông Detlef Schmidt-Ihnen, đến hiệu trưởng hiện nay là ông Sebastian Koven đều muốn trường Barnim trở thành địa chỉ tin cậy của cộng đồng người Việt, nơi phụ huynh có thể gửi gắm con em của mình không chỉ để học văn hóa mà còn sinh hoạt nhiều hoạt động ngoại khóa.
Hiện tại trường Barnim đứng ra làm "trường trụ cột" (Stützpunktschule) cho môn "Ngôn ngữ cội nguồn - tiếng Việt", tức là không chỉ học sinh trong trường mà học sinh các trường ở vùng lân cận như Hohenschönhausen và Marzahn cũng được đăng ký học tiếng Việt nếu có nhu cầu. Giờ học tiếng Việt được đặt sau các tiết học thường nhật và sau mỗi một học kỳ được ghi chú trong bảng điểm "Zeugnis".
Đến nay tiếng Việt đã được dạy trong trường học ở Berlin gần một học kỳ, học sinh là các em từ lớp 1 đến lớp 12 có cha hoặc mẹ là người Việt. Các lớp học do các trường học và Bộ Giáo dục, Thanh niên và Gia đình bang Berlin phối hợp tổ chức, trong đó trách nhiệm chi trả học phí thuộc về bộ.
Điều bất ngờ là chương trình "Ngôn ngữ cội nguồn - tiếng Việt" nhận được sự hưởng ứng rất lớn của nhiều phụ huynh. Trường Barnim đang mở 4 lớp dạy tiếng Việt nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Chị Hương Thu, giáo viên dạy tiếng Việt, cho biết mỗi ngôn ngữ là một kho báu. Ở Berlin có rất nhiều gia đình nói tiếng Việt và ngôn ngữ, văn hóa Việt làm nên phần thiết yếu trong bản sắc của trẻ em.
"Việc phát triển các kỹ năng ngôn ngữ đối với ngôn ngữ cội nguồn, ở đây là tiếng Việt, có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển nhân cách của học sinh và cũng giúp ích khi các em học thêm bất kỳ ngôn ngữ nào tiếp theo" - chị Thu nói.
Dù số tiết còn khá ít, 2 tiết/ tuần, nhưng rõ ràng các lớp học "Ngôn ngữ cội nguồn - tiếng Việt" là một ưu đãi dành cho các học sinh gốc Việt trong chính ngôi trường của mình. Các lớp học này hoàn toàn miễn phí, là môn học được bổ sung vào thời khóa biểu sẵn có, với mong muốn giúp trẻ em Việt ở Đức hoàn thiện các kỹ năng nói và viết tiếng Việt, từ đó phát triển khả năng sử dụng tiếng Việt một cách có hệ thống.
Giáo trình bao gồm 5 chủ đề chính: Đời sống cá nhân, Trường học và cuộc sống thường ngày, Thiên nhiên và môi trường sống, Môi trường văn hóa, Đời sống riêng của ngôn ngữ cội nguồn.