Học tốt, rèn nghiêm, bắt nhịp nhanh

Thực hiện phương châm 'gắn nhà trường với đơn vị; gắn giảng đường với thao trường', những năm qua, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Sĩ quan Chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa trang bị kiến thức với bồi dưỡng kỹ năng, tay nghề công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) cho học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục-đào tạo của nhà trường được nâng lên; cơ bản học viên sau khi ra trường bắt nhịp được với đơn vị, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Học thực chất, rèn thực chất

Điều này không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà đã thấm nhuần trong toàn bộ quá trình đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị. Có mặt tại thao trường huấn luyện chiến thuật Lớp CT24B, Tiểu đoàn 5, chúng tôi cảm nhận rõ không khí học tập nghiêm túc của các học viên. Những khẩu lệnh rõ ràng, chắc gọn vang lên trên bãi tập. Việc hội ý và xử lý các tình huống chiến thuật trong quá trình tập bài diễn ra đúng nguyên tắc, bám sát yêu cầu, phần nào thể hiện chất lượng huấn luyện của đơn vị. Theo Trung tá Đinh Khắc Hiệp, Phó chủ nhiệm Khoa Chiến thuật, Trường Sĩ quan Chính trị, quán triệt chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường, quá trình huấn luyện, khoa luôn coi trọng kết quả thực chất. Mọi công tác từ chuẩn bị, thông qua bài giảng, thục luyện giáo án đến thực hành giảng đều được thực hiện trên cơ sở bám sát đối tượng huấn luyện và nội dung, yêu cầu chủ đề bài giảng để người học nắm bài với chất lượng cao nhất.

Kết nạp đảng viên tại trận địa trong diễn tập DT20 năm 2020 của Trường Sĩ quan Chính trị.

Kết nạp đảng viên tại trận địa trong diễn tập DT20 năm 2020 của Trường Sĩ quan Chính trị.

Là khoa chuyên ngành của nhà trường, yêu cầu dạy học thực chất cũng được tập thể cán bộ, giảng viên Khoa CTĐ, CTCT, Trường Sĩ quan Chính trị quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Với số lượng giờ học và đơn vị học trình lớn nhất, để nâng cao chất lượng dạy học và đánh giá đúng chất lượng người học, bên cạnh thực hiện đầy đủ quy trình huấn luyện, khoa chủ động đổi mới hình thức thi, kiểm tra; kết hợp giữa thi viết và thi vấn đáp. Ngân hàng đề thi được xây dựng có tính phân loại cao, qua đó vừa giúp giảng viên nắm được kết quả học tập của học viên; vừa là cơ sở để điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình bảo đảm phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường.

Để đào tạo được những cán bộ chính trị vừa “hồng” vừa “chuyên” như lời dạy của Bác Hồ, Đảng bộ nhà trường không chỉ chú trọng lãnh đạo nâng cao chất lượng học tập mà còn coi trọng kết quả tu dưỡng, rèn luyện của học viên. Nhiều hình thức quán triệt, giáo dục đã được đội ngũ cán bộ quản lý học viên các cấp vận dụng linh hoạt, sáng tạo. Cán bộ cũng luôn gần gũi, nắm bắt, định hướng và xây dựng động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn cho học viên. Các trường hợp vi phạm cũng được xử lý nghiêm minh trên cơ sở tính chất, mức độ vi phạm. Theo đó, kết quả rèn luyện của học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội đã không ngừng được nâng lên; tỷ lệ vi phạm kỷ luật đều được giảm xuống qua các năm học; 100% học viên ra trường được kết nạp Đảng. “Với vai trò người chủ trì về chính trị tại đơn vị, đòi hỏi từng học viên phải học tập tốt, rèn luyện nghiêm ngay trong quá trình đào tạo tại nhà trường”, Trung tướng Trần Quang Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị khẳng định.

Gắn nhà trường với đơn vị

Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi được tham dự buổi giảng dạy chính trị cho chiến sĩ mới do Đại úy Lê Hồng Việt, Chính trị viên Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 82 (Quân khu 2) thực hiện. Với phong thái chững chạc, kỹ năng thuyết trình lôi cuốn cùng những ví dụ cụ thể, phù hợp, bài giảng của anh thực sự cuốn hút người nghe. Thượng tá Cao Xuân Thành, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 82, chia sẻ: “Không riêng gì Việt, hầu hết học viên cán bộ chính trị cấp phân đội về nhận công tác tại trung đoàn đều hoàn thành chức trách, nhiệm vụ ban đầu; nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác”.

Được biết, ngay trong quá trình đào tạo tại Trường Sĩ quan Chính trị, quan điểm “thực học, thực nghiệp” luôn được thấm nhuần trong từng khoa mục huấn luyện, từng chủ đề bài giảng; nhất là với các nội dung chuyên ngành CTĐ, CTCT. Các chủ đề bài giảng tại giảng đường được giảng viên kịp thời cập nhật những thông tin mới, những kinh nghiệm hay trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị cơ sở. Đồng thời, nội dung môn học chuyên ngành cũng dần được điều chỉnh theo hướng tăng thời lượng thực hành, tăng các hoạt động bổ trợ, ngoại khóa... Các hội thi tay nghề CTĐ, CTCT được tổ chức ở các cấp tạo cơ hội để học viên được rèn luyện kỹ năng, nâng cao năng lực thực hành gắn với yêu cầu chức trách, nhiệm vụ của bí thư chi đoàn, bí thư chi bộ.

Là học viên năm cuối Trường Sĩ quan Chính trị đang thực tập tại Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 (Quân khu 4), Thượng sĩ Lê Văn Hậu chia sẻ: “Về đơn vị thực tập được hơn một tháng, tôi thấy cán bộ chính trị ở đơn vị phải thường xuyên bám sát bộ đội với rất nhiều nội dung công việc. Chính những kỹ năng hoạt động thực tiễn tích lũy được từ nhà trường đã giúp tôi bắt nhịp cùng cán bộ, chiến sĩ; vừa tham gia các hoạt động của đơn vị, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ thực tập cuối khóa”.

Có thể thấy, phương châm “gắn nhà trường với đơn vị; gắn giảng đường với thao trường” đã và đang trở thành động lực quan trọng giúp Trường Sĩ quan Chính trị nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị; là cơ sở để nhà trường đào tạo những cán bộ chính trị cấp phân đội vừa “hồng” vừa “chuyên”, thực sự là “người anh, người chị, người bạn” của bộ đội.

Bài và ảnh: TẠ QUANG ĐẠO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hoc-tot-ren-nghiem-bat-nhip-nhanh-656290