Học trực tuyến để phòng dịch Covid-19
Nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh (HS), sinh viên (SV) trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành giáo dục - đào tạo TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các trường chuyển từ hình thức học tập trung sang trực tuyến.
Nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh (HS), sinh viên (SV) trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành giáo dục - đào tạo TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các trường chuyển từ hình thức học tập trung sang trực tuyến.
Ngay sau khi UBND thành phố Hồ Chí Minh có văn bản cho phép HS, SV, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố dừng đến trường từ ngày 2-2, chuyển sang hình thức dạy và học trên in-tơ-nét, Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đã triển khai kế hoạch giảng dạy mới. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay trong giờ nghỉ trưa của ngày đầu tuần, toàn thể giáo viên đã được trao đổi nhằm siết lại các quy định về dạy học và tuyên truyền phòng dịch trực tuyến. Trong buổi họp gấp, các giáo viên được nghe thông báo và thực hành những thao tác giảng dạy trực tuyến thông qua phần mềm Cohota.
Theo đó, trước mắt nhà trường sẽ đưa chương trình giảng dạy trực tuyến lên trang web chung và sử dụng phần mềm để giải bài tập cho HS. Về lâu dài, các giáo viên sẽ chịu trách nhiệm soạn các chủ đề và ghi hình buổi dạy dưới hình thức E-Learning để hoàn tất nội dung chương trình, đề phòng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thông qua kênh trực tuyến, giáo viên chủ nhiệm sẽ thường xuyên trao đổi với phụ huynh, kịp thời thông tin tình hình dịch bệnh và nắm bắt lịch trình di chuyển của HS. Nhà trường cũng khuyến cáo giáo viên ở miền trung, miền bắc không về quê đón Tết nhằm bảo đảm an toàn và giảm áp lực đối với công tác phòng, chống dịch.
"Bằng nhiều hình thức, chúng tôi liên tục cập nhật thông tin dịch bệnh và cho HS nắm rõ các giải pháp an toàn trong mùa dịch. Mỗi giáo viên, HS sẽ trở thành kênh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng dịch trong cộng đồng. Về việc dạy trực tuyến, dù sẽ có nhiều áp lực với giáo viên trong giai đoạn đầu, nhưng theo tôi, đây là cách dạy phù hợp trong hoàn cảnh dịch bệnh, cũng là dịp để lãnh đạo nhà trường ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, giảng dạy. Khi dạy học trên nền tảng mới, tôi tin chắc sẽ có sự sáng tạo, giúp các em thích thú", ông Phú cho biết thêm.
Trường đại học (ÐH) Tài chính - Marketing mới đây cũng đã gửi thông báo yêu cầu toàn thể giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, SV các bậc, hệ đào tạo tạm dừng công tác giảng dạy, học tập tại trường, chuyển sang hình thức trực tuyến đến khi có thông báo mới. Nhà trường ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cách sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến để giảng viên, SV, học viên cập nhật. Cùng với đó, nhà trường tạm dừng tổ chức các chương trình, sự kiện tập trung đông người và yêu cầu mọi người tuân thủ nguyên tắc phòng dịch. Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, Trường ÐH Kinh tế - Luật, Ðại học Quốc gia (ÐHQG) TP Hồ Chí Minh đã cho hơn 6.500 SV nghỉ Tết sớm hơn một tuần và sẵn sàng cho phương án học trực tuyến sau kỳ nghỉ. Bà Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh nhà trường cho biết: Từ ngày 22-2 đến 28-2 (tức tuần học đầu tiên sau Tết), trường sẽ dạy và học trực tuyến thông qua hệ thống E-Learning UEL. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, thời gian SV trở lại học tập trung tại trường dự kiến là ngày 1-3 tới. Trường ÐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng vừa thông báo tạm dừng việc học tập trung tại các cơ sở của trường và chuyển sang hình thức dạy và học trên in-tơ-nét. Việc học trực tuyến sẽ được đẩy mạnh sau Tết Nguyên đán (giai đoạn từ ngày 22-2 đến 7-3) và được bảo đảm như lịch học chính khóa. Dự kiến, nhà trường sẽ tổ chức học tập trung theo thời khóa biểu từ ngày 8-3 nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Không chỉ chuyển đổi hình thức giảng dạy mà nhiều trường đại học tại TP Hồ Chí Minh còn hoãn các kỳ thi để bảo đảm an toàn trong đợt dịch. Trường ÐH Khoa học tự nhiên, ÐHQG thành phố Hồ Chí Minh mới đây buộc phải dời kỳ thi kết thúc học kỳ 1, năm học 2020 - 2021 ra sau Tết. Ðược biết, kỳ thi này có tới 300 ca thi với gần 15.000 lượt SV dự thi, do đó việc dời lại là hợp lý. Trường ÐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cũng vừa thông báo dời lịch thi qua sau Tết. Trường ÐH Công nghệ thông tin, ÐHQG thành phố Hồ Chí Minh cũng phải dời lịch thi của SV để bảo đảm an toàn. SV của trường sẽ được ôn thi trực tuyến với thời lượng nhất định. Ðây là cơ sở giáo dục đại học có thời gian nghỉ Tết năm nay cho SV dài nhất, với 49 ngày, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhà trường đã lên phương án đào tạo trực tuyến sau Tết nhằm bảo đảm tiến độ chương trình đào tạo nhưng vẫn thực hiện tốt quy trình phòng dịch.
Cho SV nghỉ Tết sớm, chuyển sang dạy trực tuyến chưa đủ, các trường đang lên những phương án dự phòng cho chương trình đào tạo sau Tết nhằm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây bệnh đối với giảng viên, SV. Ðến thời điểm hiện tại, Trường ÐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã xây dựng hai phương án khác nhau. Theo đó, nếu sau kỳ nghỉ Tết, dịch không diễn biến phức tạp, SV toàn trường sẽ quay lại lịch học tập trung theo kế hoạch, riêng môn Khoa học chính trị sẽ kết hợp tài liệu trực tuyến trong học tập. Nếu sau Tết dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trường sẽ áp dụng phương án hai là dạy trực tuyến các môn lý thuyết, còn môn thực hành dời lại sau khi dịch được kiểm soát.
Bài và ảnh: KIM NGÂN
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/hoc-truc-tuyen-de-phong-dich-covid-19-634461/