Học trực tuyến: Phụ huynh nhiều nỗi lo

Để bảo đảm chương trình, các trường học đều triển khai dạy học trực tuyến, tuy nhiên với bậc tiểu học, phụ huynh vừa lo trông trẻ, vừa xoay xở với thiết bị.

Cô giáo Hoàng Thị Thu Hương, Trường THCS Tân Lập (T.P Thái Nguyên) vừa thực hiện dạy học trực tuyến cho học sinh, vừa kèm con học trên cùng thiết bị máy tính cá nhân.

Cô giáo Hoàng Thị Thu Hương, Trường THCS Tân Lập (T.P Thái Nguyên) vừa thực hiện dạy học trực tuyến cho học sinh, vừa kèm con học trên cùng thiết bị máy tính cá nhân.

Tỷ lệ học sinh tiểu học trong một lớp được học trực tuyến khu vực T.P Thái Nguyên chiếm gần 90%, các xã vùng miền núi đạt gần 70%, sau kết quả này là những nỗ lực của đội ngũ giáo viên và phụ huynh học sinh. Nhưng tiếp tục kéo dài học trực tuyến là bộn bề những nỗi lo cử giáo viên và phụ huynh.

Chị Nguyễn Thanh Nga, trú tại tổ 13, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên), là công nhân làm tại doanh nghiệp trên đại bàn thành phố, chồng đi công tác tại tỉnh Quảng Ninh chưa về được do tạm giãn cách phòng, chống dịch COVID-19 lo lắng: “Nhà tôi có hai con đều học tiểu học, sáng nào cũng đưa con gửi ông bà trước 6h30', cách nhà gần 4 cây số. Ông, bà đều ngoài 80 tuổi, nên gần như không thể vận hành thiết bị điện thoại, máy tính... Vì vậy, hiệu quả học tập của các cháu không cao. Tối về, ba mẹ cọn lại học lại và làm bài tập từ đầu. Với mức thu nhập chỉ gần 4 triệu đồng/tháng tôi đã phải vay mượn sắm điện thoại, máy tính mới theo hình thức trả góp để có thể kết nối Internet tốt. Nhưng thực tế tôi cũng không thành thạo công nghệ thông tin lắm, nên kết nối lúc được lúc không.... Tóm lại không có phụ huynh kèm thì các con gần như lạc lối trên không gian mạng!”.

Đồng cảm với chị Nga, chị Ma Thị Bình ở xã Bình Yên (Định Hóa) có con học lớp 1, những vì gia đình không có điều kiện sắm thiết bị điện thoại thông minh, hàng ngày chị Bình cùng chồng lại đi làm xa, nên gửi con sang gia đình họ hàng để dùng chung máy tính học tập. Chị Bình than vãn: “Chị gái tôi kêu: Nhà có một thằng đã đủ mệt, hai thằng ngồi cạnh nhau thì như cái chợ vỡ. Cứ mở phần mềm Zoom học trực tuyến, cười tít mắt vì được gặp các bạn. Líu la líu lo nói chuyện, ồn ào lắm. Ngồi cả buổi mà chỉ quát tháo để con tập trung vào bài trực tuyến thôi cũng thấy mệt, chưa nói đến việc cầm tay chỉ chữ cho các con”.

Còn chị Dương Thị Huế, trú tại xóm Đồng Chằm, xã Động Đạt (Phú Lương) có con học lớp 1 Trường Tiểu học Động Đạt lại đau đầu vì “ông con hiếu động”. Chị cho biết: Từ hơn hai tuần nay, cứ đúng 9h sáng là hai con của chị nháo nhào ngồi vào bàn học. Nhà chỉ có một chiếc máy tính nên chị để cho cháu nhỏ lớp 1 học, còn cháu lớn lớp 5 thì học bằng điện thoại. Cả hai đều được học trực tuyến. Cậu con trai lớp 1 chỉ tìm cách xem Zoom nó hoạt động thế nào, vẽ màn hình… chat với các bạn là chính. Mẹ cứ rời đi là ngứa ngáy tay chân nghịch loạn xạ trên máy, mặc dù cô giáo luôn nhắc nhở trên màn hình. Nhà mới ra ở riêng còn chật hẹp, nên khó có góc học tập riêng của hai cháu. Nên mẹ gần như lúc nào cũng túc trực bên cạnh để hỗ trợ các cháu học, thành ra không còn làm được việc gì nữa. Tôi nghĩ rằng, nếu kéo dài sẽ không hiệu quả với học sinh lớp 1, vì ở độ tuối của các con là phải cầm tay nắn chữ mới chắc được. Chưa kể học thêm các môn phụ khác. Phụ huynh không kịp xoay xở”.

Có lẽ, vấn đề hạ tầng viễn thông, chính sách hỗ trợ về viễn thông cho đối tượng học sinh diện hộ nghèo khó và thiết bị thiếu đồng bộ trong hoàn cảnh học mà không đến trường đang là cản trở lớn đối với môi trường dạy học trực tuyến hiện nay. Những khó khăn trên chỉ là tình thế và tìn huống, nhưng về lâu dài khi thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, cần có những giải pháp đồng bộ và phù hợp với thực tiễn hơn nữa.

Trinh An

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/giao-duc/oc-truc-tuyen-phu-huynh-nhieu-noi-lo-281600-100.html