Học từ mới bằng cách vẽ

Các bạn có thể phát huy trí tưởng tượng để chơi đùa với từng chữ cái như cách từ này biến hóa về hình dạng và màu sắc.

Qua lời phiên dịch của Birute, tôi kể cho các học viên nghe về cuốn sách ảnh và câu chuyện về quả táo đỏ ngày bé. Tôi nói, “Nếu có thể vẽ quả táo, các bạn sẽ có thể học được từ quả táo”. Sau khi yêu cầu họ lấy giấy bút ra, tôi định lấy táo ra và phát cho mọi người; nhưng tôi lỡ tay khiến những quả táo trượt khỏi tay và lăn xuống sàn nhà.

Cả lớp phá lên cười.

Tôi cúi xuống nhặt táo lên và đặt lên mỗi bàn của học viên một quả. Tôi cũng cười. Nhưng bầu không khí vui vẻ này nhanh chóng được thay thế bằng sự tập trung. Những cái đầu cúi xuống, những hàng lông mày nhíu lại, những chiếc bút chì cần mẫn di chuyển. Khoảng 15 phút sau, tôi bảo học viên dừng lại. Các bức vẽ của họ rất đa dạng, từ những hình tròn tô màu cho đến bức ký họa tinh tế, có cả đánh bóng của Birute.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Inta Education.

Ảnh minh họa. Nguồn: Inta Education.

Birute lại đứng ra làm phiên dịch cho tôi, “Khi đặt bút lên giấy, các bạn không vẽ quả táo là quả táo, mà vẽ hình dáng, kết cấu, và màu sắc của nó. Mỗi khía cạnh này lại tương ứng với trải nghiệm của người vẽ. Vì thế, sẽ có quả táo tròn như quả bóng tennis, lại có quả bóng như nhựa, và có quả đỏ như má em bé”.

Tôi nói từ quả táo là một hình thức vẽ khác. “Các bạn vẽ q-u-ả-t-á-o”. Vừa nói, tôi vừa dùng phấn màu đỏ viết lên trên bảng trắng. “Chữ A đầu tiên, rồi đến hai chữ P, chữ L, và cuối cùng là chữ E [APPLE]. Các bạn có thể phát huy trí tưởng tượng để chơi đùa với từng chữ cái như cách từ này biến hóa về hình dạng và màu sắc. Hãy trộn lẫn chúng với nhau. Bỏ đi hoặc thêm vào một chữ cái. Biến đổi âm thanh của chữ P thành chữ B”.

Tôi giải thích, nếu như quả táo có thể khiến người vẽ nó nghĩ đến một quả bóng tennis, hay miếng nhựa, hay cặp má hồng của em bé, thì tương tự như vậy, quả táo có thể khiến người Anh liên tưởng đến chuồng ngựa [stable], thợ sửa giày [cobbler], hay bột giấy [pulp].

Sau đó tôi bảo học viên lấy từ điển ra để tìm kiếm các từ khác giống như quả táo.

Gương mặt Birute sáng bừng lên như đã hiểu. Cô đưa bút thật nhanh trên mặt giấy, các từ thi nhau hiện ra. Những người khác viết có vẻ ngập ngừng hơn. Các học viên có ít vốn từ tiếng Anh nhất thì vẫn để giấy trắng.

“Hãy giở từ điển theo hướng chữ cái P”, tôi khích lệ. “Các bạn có thể tìm kiếm từ theo các tổ hợp như P-gì đó-L, hoặc PL- gì đó, hay P-gì đó-gì đó-L, và cứ tiếp tục như thế. Hoặc giở về phần đầu và tìm kiếm các từ bắt đầu bằng BL. Hoặc thử nghĩ xem các từ tiếng Anh xử lý cặp chữ P hay cặp chữ B như thế nào, hai chữ này được kéo vào giữa từ- chẳng hạn apple cobble [viên đá cuội] - hay được đẩy ra hai bên đầu và cuối từ ra sao - ví dụ, pulp. Birute, chị phiên dịch giúp tôi nhé?” Birute nói lại những lời tôi vừa nói, nhưng bằng tiếng Lithuania.

Khi học viên đã viết xong các từ mà họ tìm được, lần lượt mỗi người đọc to lên đáp án của mình cho cả lớp cùng nghe. Một chị tìm được từ bulb [bóng đèn]; một người khác là từ appetite [sự ngon miệng]; và một người nữa là từ palpable [có thể chạm vào được]. Một chị ngồi trong góc dường như muốn chiếm được sự chú ý đột ngột của cả lớp, hô to lên, “Plop! [tõm]” Chỉ riêng âm thanh này cũng đủ để gợi lên hình ảnh những quả táo chín rơi khỏi cành.

Apple pie [bánh táo]”, Aida đột nhiên lên tiếng.

Tôi gật đầu và viết lên bảng apple pie.

Birute cũng tham gia với kho từ phong phú mà cô đã viết ra giấy: “Pips [hạt]. Peel [gọt vỏ]. Plate [đĩa]. Ate [đã ăn]. Eat [ăn]”.

Tôi rất vui. Cô ấy đã để ngôn ngữ tư duy thay cho mình.

Daniel Tammet/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoc-tu-moi-bang-cach-ve-post1495977.html