Học và làm theo Bác trong đào tạo 'người công dân tốt, người cán bộ tốt' (Bài cuối): Những vấn đề đặt ra

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để 'đào tạo người công dân tốt, người cán bộ tốt', ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động thiết thực gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động lớn của ngành. Kết quả đạt được là vô cùng quan trọng, song vẫn còn những vấn đề đặt ra đòi hỏi phải giải quyết triệt để.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Bá Thước trong giờ học. Ảnh: Linh Hương

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Bá Thước trong giờ học. Ảnh: Linh Hương

Thực trạng

Thanh Hóa hiện có 2.013 trường học (678 trường mầm non; 598 trường tiểu học; 613 trường THCS; 99 trường THPT; 25 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên). Toàn tỉnh có tổng số 54.769 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và nhân viên trường học. Những năm qua, cùng với việc tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động dạy học, chú trọng đầu tư, phát triển giáo dục mũi nhọn, Thanh Hóa tiếp tục duy trì thành tích trong nhóm 6 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Từ năm 2021 đến nay, Thanh Hóa đều có học sinh dự thi và đoạt huy chương trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.

Giáo dục đại trà của tỉnh cũng tiếp tục được giữ vững với điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2024 xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 26 bậc so với năm 2020.

Kết quả đạt được là vô cùng quan trọng, tuy nhiên chất lượng, hiệu quả GD&ĐT còn thấp so với yêu cầu. Hệ thống GD&ĐT thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Đào tạo còn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Đâu đó vẫn còn tình trạng “sính bằng cấp”, khiến người thực học và người giả học bị đánh đồng; bất cập trong tuyển dụng, bổ nhiệm, gây trở ngại ý chí phấn đấu; giáo dục phổ thông vẫn còn chạy theo thành tích...

Nói về vấn đề này, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa Dương Minh Anh cho biết: “Vẫn còn một bộ phận giáo viên, người lao động chưa thực sự gương mẫu, hành vi, phát ngôn chưa thực sự chuẩn mực. Đâu đó vẫn còn tình trạng bạo lực học đường, lạm thu trong trường học, tư tưởng kinh doanh giáo dục... khiến dư luận bức xúc”.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức chia sẻ: Ngành GD&ĐT Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quyết định số 700-QĐ/TU ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy về việc ban hành Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục, chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học...

Xác định tiếp tục nghiên cứu, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để vận dụng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, ngành GD&ĐT đang tăng cường tuyên truyền về các điển hình tiêu biểu, phổ biến mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong xã hội về tinh thần tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Đặc biệt, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đang tích cực thực hiện chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Chú trọng triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu ngành phục vụ thu thập, quản lý, khai thác, liên thông dữ liệu với các đơn vị liên quan... Phối hợp với các đơn vị viễn thông tích cực triển khai sổ, sách điện tử trong các nhà trường; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong GD&ĐT đến toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học.

Học tập và làm theo tư tưởng của Bác trong GD&ĐT cần làm những gì?

Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bá Thước (Bá Thước) Phạm Thị Tự chia sẻ: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục là xây dựng đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Người yêu cầu: “Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bá Thước việc học tập và làm theo tư tưởng của Bác được cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đăng ký bằng việc làm cụ thể sát hợp với nhiệm vụ được giao.

Nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền cho tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh về đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh, tư tưởng mang tính thời đại của Bác về GD&ĐT... nhằm tạo sự chuyển biến trong tư tưởng, tình cảm, ý thức tu dưỡng đạo đức, phấn đấu, rèn luyện học và làm theo cách sống và làm việc mẫu mực của Hồ Chí Minh để “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo” cho học sinh noi theo.

Trong những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong các trường học trên địa bàn huyện Nông Cống, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực thi đua “dạy tốt, học tốt”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nông Cống Nguyễn Huy Minh cho biết: Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào thực chất, có trọng tâm, trọng điểm, ngành GD&ĐT Nông Cống đã cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn trong toàn ngành, nổi bật là cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”...

Các nhà trường đã lựa chọn những nội dung trọng tâm, yêu cầu từng cán bộ, giáo viên đăng ký các nội dung cụ thể về học và làm theo Bác, lấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá, xếp loại đảng viên, giáo viên hàng năm. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên, giáo viên nâng cao ý thức tự phê bình, phê bình, tinh thần trách nhiệm trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy... tạo ra những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn ngành, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Theo Chủ tịch Hội khuyến học Thanh Hóa Vương Văn Việt, GD&ĐT nói chung, học tập của người lớn nói riêng đang là vấn đề vừa có tính cấp thiết, vừa có tính chiến lược, quyết định đến sự phát triển của mỗi người, gia đình, cộng đồng, đơn vị, địa phương và đất nước. Để mỗi người trở thành “người công dân tốt, người cán bộ tốt”, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới, việc học của người lớn trong điều kiện mới đang đòi hỏi mỗi gia đình, mỗi ngành, địa phương, đơn vị và toàn xã hội cần có sự quan tâm đặc biệt và có các giải pháp cơ bản, hữu hiệu để khắc phục những khó khăn, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của người lớn trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng chất lượng và hiệu quả.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền, quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, xây dựng xã hội học tập, nhất là việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về vai trò, tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc học tập, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống; chủ động đề ra kế hoạch học tập thường xuyên cho cá nhân, nâng cao năng lực tự học; phấn đấu đạt danh hiệu “công dân học tập” và là nòng cốt trong việc vận động đồng nghiệp, người thân và Nhân dân tham gia các hình thức học tập không chính quy tại các trung tâm học tập cộng đồng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; các hình thức học tập phi chính quy tại nơi làm việc, tại gia đình, trên mạng Internet, đài, báo, thư viện, câu lạc bộ...; gắn đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng các mô hình “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập”, xây dựng xã hội học tập với đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.

Thực hiện lời căn dặn của Bác: “Đối với đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà”, Trường Đại học Hồng Đức đang tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức và óc sáng tạo góp phần đào tạo “người công dân tốt, người cán bộ tốt” cho tỉnh nhà.

Không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã, đang và luôn là thước đo, phương châm hành động, động lực, cội nguồn sức mạnh để toàn ngành giáo dục vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng nền giáo dục tiên tiến, đổi mới, sáng tạo, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, hướng tới hội nhập toàn cầu, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hoc-va-lam-theo-bac-trong-dao-tao-nguoi-cong-dan-tot-nguoi-can-bo-tot-bai-cuoi-nhung-van-de-dat-ra-229981.htm