Học và làm theo lời Bác ở vùng căn cứ cách mạng H9 anh hùng
Phát huy tinh thần nêu gương của người đứng đầu; tiết kiệm để xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn... là những việc làm cụ thể, thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên huyện căn cứ cách mạng Krông Bông (H9 anh hùng), tỉnh Đắk Lắk.
"Giờ thứ 9" của Bí thư Tâm ở Cư Pui
Khác nhiều cán bộ, đảng viên khi tan sở là về với gia đình hoặc đi giao lưu, chơi thể thao, ông Lê Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã vùng sâu Cư Pui, huyện Krông Bông lại dành "Giờ thứ 9" và những ngày nghỉ cuối tuần để đi khắp các thôn, buôn trong xã thăm bà con, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Có khi, ông đi kiểm tra các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; khi thì khảo sát hoàn cảnh khó khăn về nhà ở để hỗ trợ xây dựng nhà mới. Có khi, ông xuống thôn, buôn chỉ để nghe bà con kể những câu chuyện đang diễn ra trong đời sống hàng ngày. Nhờ vậy, những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, nhà ở dột nát và nguyên nhân vì sao... đều được Bí thư Tâm nắm rõ như "trong lòng bàn tay" mà đôi khi không cần báo cáo của cán bộ phụ trách.
Việc chăm xuống cơ sở đã giúp "người đứng mũi chịu sào" như ông cùng tập thể Đảng ủy xã có những quyết sách đúng đắn, sát thực tiễn hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đồng thời có nhiều cách làm hay, cụ thể thiết thực giúp bà con vươn lên ổn định cuộc sống.
Vận động xã hội hóa để xây nhà ở cho các gia đình khó khăn hay xây dựng "ngân hàng bò sinh sản" để hỗ trợ sinh kế cho người nghèo... là những việc làm cụ thể, thiết thực đã làm nên "thương hiệu" của Bí thư Tâm.
Ông Tâm chia sẻ, Cư Pui là xã vùng III của huyện Krông Bông, với dân số trên 14.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90% dân số. Là xã vùng căn cứ cách mạng, được Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng do đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt và nhiều yếu tố khác nên đời sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do điều kiện khách quan về nhận thức, đông con, ốm đau, nhiều trường hợp không có nhà để ở, nhà dột nát, tạm bợ.
Với hoàn cảnh như thế, ngoài sự đầu tư của Đảng, Nhà nước bằng các Chương trình, ông đã kêu gọi, kết nối với các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện để cùng chung tay, với tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ bằng tình thương, trách nhiệm, giúp cho các hộ đó có nhà ở tốt hơn. "Hàng năm, từ nguồn kêu gọi xã hội hóa, xã đã xây dựng được từ 8 - 10 căn nhà cho các đối tượng khó khăn về nhà ở", ông Tâm chia sẻ.
Cùng với hỗ trợ về nhà ở, ông Tâm còn kêu gọi, vận động xây dựng được một "ngân hàng bò". Từ gợi ý của một nhà hảo tâm đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, vào năm 2017, mô hình "bò cái sinh sản" được triển khai tại thôn Ea Rớt. Mô hình này hoạt động theo hình thức nuôi luôn phiên. Khi bò sinh sản được 5 tháng, hộ nhận chăm sóc sẽ được giữ lại bê con và chuyển bò mẹ cho gia đình nghèo khác nuôi. Những hộ nghèo trong cùng một dòng tộc được ưu tiên nuôi bò luôn phiên trước.
Để triển khai mô hình hiệu quả, ông Tâm đã lập ra Ban điều hành. Theo định kỳ, Ban sẽ cử người xuống kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho bò. Đến nay, "ngân hàng bò cái sinh sản luân phiên" giúp đỡ hộ nghèo đã phát triển lên gần 100 con, trong đó có 40 bò mẹ do các nhà hảo tâm hỗ trợ. Mô hình tặng bò sinh sản nuôi luôn phiên đã được nhân rộng sang thôn Ea Uôl, một trong hai thôn xa nhất của xã (cùng với Ea Rớt), với hơn 90% hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo.
Năm 2021, gia đình anh Thào Sè Lúa, ở thôn Ea Uôl được nhận bò mẹ để nuôi luôn phiên từ "ngân hàng bò sinh sản". Thành quả sau hơn 2 năm chăm sóc là một bê cái gần 6 tháng tuổi mập mạp, trị giá gần 15 triệu đồng. "Nhà ít rẫy, lại nuôi 8 miệng ăn, dù làm đủ mọi việc nhưng vẫn thiếu trước, hụt sau. Được nuôi bò luân phiên và bê cái đã là của mình, gia đình rất vui. Mình sẽ giữ lại làm giống để nhân đàn, phát triển kinh tế", anh Thào Sè Lúa phấn khởi cho biết.
Việc hỗ trợ làm nhà, hay trao bò sinh kế đã tạo được niềm tin rất lớn, từ đó tạo động lực cho bà con phát triển kinh tế. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, từng bước giúp cho bà con vững tin vươn lên trong cuộc sống. Đó là cách mà Bí thư Tâm đang học và làm theo gương Bác Hồ.
Thực hành tiết kiệm theo lời Bác dạy
Đồng chí Lê Văn Long, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết: Là một huyện còn rất nhiều khó khăn của tỉnh, tuy nhiên, qua quá trình thực hiện việc học tập và làm theo lời Bác, Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình hành động cụ thể và định hướng những công việc thiết thực để đảng viên và nhân dân tham gia hưởng ứng. Huyện ủy luôn xác định việc nhỏ, việc gần gũi với người dân mà chúng ta làm tốt, đấy đã là học tập tấm gương của Bác.
Năm năm gần đây, bằng những việc làm thực tiễn, cụ thể, nêu cao tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, Huyện ủy Krông Bông đã kịp thời hỗ trợ cho nhiều đối tượng, nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tiếp thêm sức mạnh giúp bà con vững tin vươn lên trong cuộc sống.
Điển hình như các Chương trình 04 - CTr/HU, ngày 22/12/2015 về "tiết kiệm làm theo lời Bác, hỗ trợ các đối tượng đặc biệt khó khăn". Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên trong huyện tiết kiệm từ 3.000 đồng đến 20.000 đồng để xây dựng quỹ. Đến nay, Chương trình đã tiết kiệm được gần 4 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ đó, Huyện ủy đã kịp thời hỗ trợ cho 30 hộ bị sụp nhà do ảnh hưởng cơn bão số 12 (tháng 11/2017); trao 100 con bò sinh sản, trị giá mỗi con 10 triệu đồng cho 100 hộ có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhất ở 14 xã, thị trấn; hỗ trợ 200 triệu đồng xây nhà công vụ cho điểm trường Ea Rớt của Trường Tiểu học Cư Pui II; hỗ trợ 700 triệu đồng cho 14 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại 14 xã, thị trấn, mỗi hộ 50 triệu đồng để làm mới hoặc sửa chữa nhà ở... Những việc làm này tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân và là một cách làm hay để nhân dân hiểu, hưởng ứng việc học tập và làm theo gương Bác.
Cựu chiến binh Mai Văn Trung ở Tổ dân phố 2, thị trấn Krông Kmar được hỗ trợ xây nhà từ nguồn "Quỹ tiết kiệm làm theo lời Bác" của Huyện ủy Krông Bông. Ông cho biết, hơn 70 tuổi, ông bà vẫn phải sống trong căn nhà gỗ tạm bợ, xiêu vẹo không còn đủ sức chống chọi với mưa bão. Với 50 triệu đồng hỗ trợ từ nguồn Quỹ tiết kiệm làm theo lời Bác, cùng với số vốn tích cóp và sự hỗ trợ của các con, bà con lối xóm, năm 2020,vợ chồng ông đã dựng được căn nhà mới khang trang hơn 70m2, với trị giá gần 180 triệu đồng. "Sự hỗ trợ của Huyện ủy rất kịp thời, là động lực lớn giúp tôi xây được căn nhà trú mưa, tránh nắng", ông Trung phấn khởi cho hay.
Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng gắn với Chương trình hành động học tập và làm theo gương Bác, từ nay đến năm 2025, Đảng bộ huyện tập trung trước hết cho phát triển kinh tế, phát huy sức mạnh của người dân, với phương châm "mỗi người một sáng kiến, mỗi người một kinh nghiệm" để làm sao mỗi gia đình, thôn buôn phát triển hơn nữa về kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Phát huy vai trò nêu gương để cán bộ, công chức, viên chức thấy được trách nhiệm của mình với cộng đồng, với nhân dân; học và làm theo Bác bằng cách giải quyết những việc nhỏ, thiết thực, hàng ngày cho người dân thật tốt, không để chậm trễ, phát sinh ý kiến trái chiều.
Cùng với đó, Huyện ủy sẽ định hướng tổ chức các phong trào thi đua thiết thực ở từng cơ quan, đơn vị, trong từng hộ gia đình, thôn buôn. Ví dụ, trong gia đình "xây dựng gia đình văn hóa, nuôi dạy con tốt"; xây dựng chòm xóm văn minh, sạch đẹp; cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cán bộ phải có đạo đức tốt, tác phong... Như vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mới cụ thể, thiết thực, không phô trương.