Học viện Báo chí và Tuyên truyền không ngừng phấn đấu, trở thành sự lựa chọn hàng đầu của sinh viên
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển (1962-2022), Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, xứng đáng là một trường Đảng, một trường đại học trọng điểm quốc gia về đào tạo giảng viên lý luận chính trị, cán bộ báo chí - truyền thông, tư tưởng - văn hóa và một số lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác.
Những dấu ấn nổi bật
Theo PGS. TS. Phạm Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, kể từ thành lập năm 1962 đến nay, tuy có nhiều lần bổ sung chức năng, nhiệm vụ, với nhiều tên gọi khác nhau phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, song, Học viện vẫn luôn là trường Đảng, đồng thời là trường đại học trọng điểm thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đạt nhiều thành tựu, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và sự phát triển chung của đất nước.
Trước hết ở lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, khi mới thành lập, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chỉ là một cơ sở đào tạo ngắn hạn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản, tuyên truyền, huấn học phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn nỗ lực phấn đấu để khẳng định vị trí, chức năng của mình, trường đã nhanh chóng thực hiện đào tạo đại học chính quy.
Tháng 11/1990 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của nhà trường. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ký quyết định số 406-HĐBT công nhận Trường Tuyên huấn Trung ương là trường đại học. Từ đó, trong hệ thống trường Đảng có một trường đại học thực hiện quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Trong giai đoạn mới, Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày càng phát triển mạnh mẽ về mọi phương diện, trở thành một trong những cơ sở đào tạo có uy tín cao trong hệ thống các trường Đảng và các trường đại học trong cả nước.
Tháng 6/2015, Học viện được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Danh sách các trường đại học trọng điểm của mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Năm 2018, Học viện chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Năm 2021, Học viện hoàn thành kiểm định đánh giá ngoài 4 chương trình đào tạo đại học.
Đến nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo đầu tiên trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được kiểm định và được công nhận đạt chuẩn chất lượng về cơ sở giáo dục.
Nhà trường hiện tại đào tạo đại học 41 ngành, chuyên ngành, mỗi năm tuyển sinh 2.400 sinh viên (trong đó có 1 ngành liên kết quốc tế), 5 chương trình đào tạo chất lượng cao; đào tạo 20 chuyên ngành/chuyên ngành thạc sĩ, mỗi năm tuyển sinh trên 450 học viên; đào tạo 7 ngành tiến sĩ, mỗi năm tuyển sinh 50-70 nghiên cứu sinh.
Nhà trường tự hào đã đào tạo cho đất nướchơn 70.000 cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí-truyền thông... Những cựu học viên của nhà trường dù công tác ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có điểm chung là bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao, nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Cùng với mở rộng quy mô đào tạo, Học viện đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, trong đó, tập trung đổi mới các chương trình đào tạo, gắn với việc chuẩn hóa, cập nhật kiến thức và kỹ năng các chương trình đào tạo, bám sát yêu cầu thực tiễn xã hội và xu thế hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, tính chất trường Đảng thể hiện rõ trong nội dung chương trình, mục tiêu đào tạo, yêu cầu chuẩn đầu ra, đạo đức của cán bộ giảng dạy... Nhà trường bên cạnh đào tạo kiến thức, kỹ năng, còn quan tâm rèn luyện người học nâng cao phẩm chất chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng.
Thông qua các hoạt động đoàn thể và xã hội, các phong trào thi đua, nhà trường tạo điều kiện để sinh viên rèn luyện phẩm chất đạo đức, lý tưởng cách mạng. Điều này lý giải cho con số gần 1.000 sinh viên trở thành đảng viên trong 5 năm gần đây, là trường đại học có số lượng lớn đoàn viên được xét kết nạp và chuyển Đảng chính thức.
Một lĩnh vực khác mà Học viện cũng rất chú trọng đó là nghiên cứu khoa học. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện không tách rời hoạt động nghiên cứu khoa học. Bởi lẽ, nghiên cứu khoa học là điều kiện, là căn cứ bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, đây cũng là nhân tố quan trọng khẳng định vị thế về tầm vóc của Học viện, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, có định hướng của nhà trường.
60 năm qua, Học viện đã triển khai nghiên cứu hàng ngàn đề tài các cấp. Số lượng đề tài tăng dần theo từng năm, thiết thực. Những thành tựu trong nghiên cứu khoa học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền là minh chứng rõ nét về sự trưởng thành vượt bậc về số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực khoa học và đào tạo.
Bên cạnh hai lĩnh vực trên, trong 60 năm qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền còn đạt được những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực khác.
Ở lĩnh vực hợp tác quốc tế, từ khi mới thành lập cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Học viện chủ yếu có quan hệ hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, nhưng đến nay, nhà trường đã có quan hệ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều đối tác của các nước thuộc 4 châu lục Á, Âu, Mỹ, Đại Dương về bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, truyền thông, chính sách công.
Học viện đã bắt đầu tiến hành dự án liên kết đào tạo quốc tế. Hiện nay, nhà trường đang triển khai đào tạo khóa thứ 5 chương trình liên kết quốc tế ngành Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu với Đại học Middlesex (Vương quốc Anh). Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Học viện đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý có đủ năng lực hợp tác quốc tế, hàng chục giảng viên, cán bộ nghiên cứu có khả năng tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học trên thế giới.
Để phục vụ yêu cầu phát triển về đào tạo, nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, Học viện đã có những đổi mới, đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật. Cảnh quan, môi trường của Học viện ngày càng trở nên “xanh, sạch, đẹp”.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao, thường xuyên và hiệu quả của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, cùng với đó, là sự nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người của các thế hệ cán bộ, giảng viên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của nhân dân.
Phát huy thế mạnh đặc trưng
Để triển khai, thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị, các địa phương, đơn vị, thời gian tới, Học viện sẽ tập trung thực hiện tốt Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các năm tiếp theo. Theo đó, mục tiêu đến 2045, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phấn đấu trở thành cơ sở hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng - văn hóa, báo chí và truyền thông.
Học viện không ngừng phấn đấu trở thành trường đại học có uy tín học thuật trong khu vực và trên thế giới; là lựa chọn số một của sinh viên trong các ngành học thuộc lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng - văn hóa, báo chí và truyền thông; trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực tư vấn chính sách, công tác tư tưởng - văn hóa, báo chí và truyền thông hàng đầu, nơi tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành có tầm ảnh hưởng trong nước và khu vực.
Trường vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế, có tầm ảnh hưởng về báo chí và truyền thông ở khu vực Đông Nam Á trước năm 2030; cơ sở đào tạo và nghiên cứu báo chí và truyền thông có uy tín ở châu Á - Thái Bình Dương trước năm 2045.
Với tầm nhìn trên, theo PGS. TS. Phạm Minh Sơn, trước mắt, Học viện tập trung xây dựng và hoàn thiện các loại quy chế, quy định của Học viện theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) năm 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hướng dẫn Luật Giáo dục đại học (sửa đổi).
Cùng với đó, Học viện tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phân định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; tiếp tục hoàn thiện đổi mới các chương trình đào tạo; tập trung đầu tư cho các hoạt động khoa học, trong đó tập trung cho việc xây dựng hệ thống giáo trình; tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết với các đối tác bên ngoài Học viện; và tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất của nhà trường.
Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng với tình hình mới
Thời gian qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chuyển đổi thành công sang phương thức đào tạo tín chỉ; tổ chức đánh giá chất lượng kiểm định đào tạo cấp quốc gia. Nhà trường đã tích cực hội nhập quốc tế với nhiều dự án hợp tác với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học ở khu vực và trên thế giới. Những bước đi này đã tạo cơ sở để Học viện đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện xác định đẩy mạnh đổi mới chương trình theo hướng tiếp cận các chương trình giáo dục hiện đại, chuẩn mực, tiên tiến nhưng phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đặc biệt là phải phù hợp với những đặc thù của một trường Đảng, đào tạo theo quy chế đại học như Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Muốn làm được điều này, PGS. TS. Phạm Minh Sơn nhấn mạnh yếu tố then chốt con người, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên, nghiên cứu đáp ứng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Nhà trường hiện nay đang được Đảng và Nhà nước giao đào tạo một số chuyên ngành phục vụ hệ thống chính trị: Triết học Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử Đảng... Ngoài truyền đạt kiến thức kinh điển cho học viên, nhà trường cần thường xuyên tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề... mài giũa lý luận sắc bén để đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng đào tạo người học sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ khác nhau trong công tác tư tưởng, lý luận chính trị.
Với riêng đào tạo lĩnh vực báo chí, quá trình chuyển đổi số báo chí đang diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng, đặt ra yêu cầu với nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng nội dung chương trình, với phương châm là đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, làm báo là làm cách mạng, chính vì thế, nhà trường luôn chú trọng giảng dạy về pháp luật, đạo đức nghề nghiệp để các nhà báo tương lai tuân thủ đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Sự phát triển của truyền thông số, nhất là mạng xã hội tạo ra sức ép lớn với người làm báo, buộc phải thay đổi từ phương tiện đến cách thức làm báo. Nhà trường với vị thế là cơ sở giáo dục đi đầu trong đào tạo báo chí, vì thế phải thay đổi để trang bị cho người học chuyên môn vững chắc, nhất là truyền lửa để yêu nghề báo, làm báo một cách chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.