Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều 17/5, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, 10 năm qua, kể từ khi Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 được thông qua, ngày 18/5 hằng năm được chọn là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam là dịp để tôn vinh các nhà khoa học, khẳng định kết quả nghiên cứu khoa học của cộng đồng các nhà khoa học của Học viện.
Theo Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2022 và nửa đầu năm 2023, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện đã đạt nhiều kết quả tốt. Học viện đã thực hiện tốt việc xây dựng, triển khai hệ thống các báo cáo kiến nghị, tham mưu tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước; xác định hệ thống nhiệm vụ thuộc các chương trình, đề tài cấp Bộ trọng điểm, cấp bộ của Học viện. Hệ thống các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Học viện bám sát chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ XIII, theo sát tình hình thực tiễn sinh động của đất nước.
Học viện đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị khoa học chuyên đề gắn chặt với thực tiễn phát triển sinh động của địa phương, vùng, miền và đất nước; cung cấp nhiều chất liệu phong phú cho việc đề xuất, kiến nghị các giải pháp thiết thực, góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của đất nước ở các cấp độ khác nhau. Việc thực hiện đồng thời vừa bảo vệ, vừa phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng được thực hiện có hiệu quả dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, cuộc thi chính luận lần thứ nhất, thứ hai đã tạo ra tiếng vang lớn, lan tỏa nhân tố tích cực mới, tạo nền tảng, cơ sở cho sự thành công của Cuộc thi chính luận lần thứ ba, với sự tham gia rộng rãi của các nhà khoa học ở nhiều quốc gia thế giới.
Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận được Học viện coi là công tác trọng tâm, cần đẩy mạnh. Nhiều chương trình nghiên cứu, đề tài, đề án, báo cáo chuyên đề của các nhà khoa học trong Học viện thực hiện đã góp phần không nhỏ vào việc tiếp tục làm sáng tỏ hơn mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, bảo vệ; phát huy nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam; đảm bảo hài hòa sự phát triển Việt Nam độc lập, tự chủ trong tiến trình tăng cường kết nối với khu vực và thế giới.
Nhiều kết quả nghiên cứu tổng kết thực tiễn đã được lựa chọn để xây dựng chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho các Ủy viên dự khuyết Trung ương, tới đây là các lớp Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các Ủy viên Trung ương khóa XIII. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở các hệ và đối tượng khác nhau trong hệ thống Học viện đã, đang không ngừng được các nhà khoa học cập nhật, bổ sung những tri thức mới được kết tinh từ các công trình nghiên cứu khoa học.
Thời gian tới, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị hoạt động khoa học của Học viện tập trung vào một số trọng tâm. Theo đó, các nhà khoa học của Học viện tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học góp phần vào kiên định, kiên trì củng cố, phát triển nền tảng lý luận Chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình thực tiễn sinh động của đất nước. Các nhà khoa học cũng thực hiện các nhiệm vụ khoa học dự báo tình hình, sát với sự vận động, đòi hỏi của thực tiễn, tổng kết toàn diện, hệ thống hóa lý luận về đường lối đổi mới sau 40 năm triển khai thực hiện, để bổ sung vào kho tàng lý luận của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ.
Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị công tác quản lý hoạt động khoa học của Học viện cần được đổi mới về thể chế, đảm bảo tính hệ thống của công tác quản lý. Cơ chế phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn, đơn vị quản lý cần được chú trọng tăng cường, để hoàn thành khối lượng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ngày càng lớn. Các đơn vị chuyên môn có sự phối hợp để kiểm soát việc triển khai các đề tài cơ sở, bảo đảm phục vụ tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tăng số lượng cán bộ trẻ được giao chủ nhiệm các đề tài cơ sở để nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy.