Học viện Nông nghiệp cần có chính sách cụ thể khuyến khích khởi nghiệp trong sinh viên
Trong chuyến thăm và làm việc tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị lãnh đạo Học viện phát huy và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong sinh viên và có chính sách cụ thể để khuyến khích khởi nghiệp.
Sáng 17/8, Thủ tướng Chính phủ có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt, chuyên gia, nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Báo cáo với Thủ tướng tại cuộc làm việc, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan- Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, những năm qua, học viện đã đào tạo cho đất nước và một số nước bạn trên 120.000 kỹ sư và cán bộ quản lý có trình độ đại học, hơn 10.000 thạc sĩ, hơn 600 tiến sĩ. Đây được coi là nguồn nhân lực quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Giám đốc Học viện đề xuất những vấn đề liên quan đến thúc đẩy thương mại hóa, quản lý tài sản công, tự chủ đại học, các vấn đề cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho học viện phát triển trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương những cố gắng và kết quả rất ấn tượng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó có những đóng góp tích cực của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Với trọng trách là một trường đại học lớn trong lĩnh vực nông nghiệp - ngành kinh tế đặc biệt quan trọng của đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh học viện cần quán triệt các Nghị quyết Trung ương 5 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; về kinh tế tập thể và về đất đai cũng như nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
Cần bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Thủ tướng lưu ý lãnh đạo học viện phải tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích để sinh viên học tập, nghiên cứu, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện kiến thức, nhân cách, lý tưởng, hoài bão, phát huy năng lực bản thân.
Đặc biệt, phát huy và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong sinh viên và cả tập thể cán bộ, giảng viên, nhà khoa học; có các chính sách cụ thể khuyến khích sinh viên khởi nghiệp và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu học viện phối hợp với các cơ quan liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học tham gia vào thực tiễn phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ giảng dạy, nghiên cứu. Mở rộng các hình thức liên kết đào tạo đa dạng với các doanh nghiệp, tổ chức xã hội nhằm bảo đảm chất lượng học viên đào tạo ra trường có năng lực.
Thủ tướng cho rằng đối với một đất nước “lấy canh nông làm gốc,” khởi nghiệp nông nghiệp phải dựa vào 3 trụ cột: Đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp; tạo dựng môi trường khởi nghiệp và hỗ trợ vốn và pháp lý cho thanh niên và những người muốn khởi nghiệp. Đây là khâu đột phá cho sự phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định chính doanh nghiệp, nhà tuyển dụng mới là nơi đặt ra đề bài cho bài toán giáo dục. Do đó, các doanh nghiệp, doanh nhân cần gắn kết chặt chẽ, đồng hành và hỗ trợ hơn nữa cho giáo dục đại học.
Các doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào quá trình đào tạo từ việc dự báo nhu cầu lao động, ký hợp đồng đặt hàng đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra, nội dung, cấu trúc của chương trình đào tạo.
Đồng thời, đánh giá chất lượng đào tạo, hỗ trợ quỹ ươm mầm sáng tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sinh viên, hỗ trợ phát triển nhân tài, tạo môi trường để các em cọ xát thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.