Học viện Quốc phòng: Bảo đảm nghiên cứu, đào tạo trong mùa dịch
Giữa lúc các khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đào tạo chức danh và bồi dưỡng lý luận cho cán bộ cao cấp của quân đội đang triển khai suôn sẻ thì dịch Covid-19 bùng nổ.
Làm thế nào để nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo vẫn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, lại giữ an toàn cho học viên, giảng viên, cán bộ, chiến sĩ học viện là câu hỏi lớn được đặt ra. Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Quốc phòng đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tích cực, chủ động, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, vừa ngăn chặn không để dịch bệnh xâm nhập.
Chủ động, sáng tạo để ổn định học tập
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Học viện cho biết: “Quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Thường vụ Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, chúng tôi xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Cho nên, bảo đảm an toàn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng giúp bảo đảm sức mạnh chiến đấu của quân đội. Học viện đã tích cực, chủ động các giải pháp phòng chống dịch bệnh, kết quả đạt được rất tốt”.
Các kế hoạch huấn luyện được điều chỉnh, thay đổi các biện pháp hành chính, triển khai áp dụng công nghệ thông tin để duy trì việc học tập cũng như các hoạt động khác nhằm không cho dịch bệnh xâm nhập vào học viện. Điều đáng ghi nhận, tất cả những biện pháp phòng dịch, từ bố trí đủ nước rửa tay y tế, tiến hành khử khuẩn môi trường, đo thân nhiệt hằng ngày, thực hiện giãn cách trong học tập và sinh hoạt, nghiêm túc không cơ động giữa các vùng miền... được cán bộ, học viên nghiêm túc thực hiện. Dự lường trước tình hình, trung tuần tháng 3, học viện đã tạm dừng việc tranh thủ của học viên và sau đó thực hiện biện pháp cấm trại.
Là một trong những đơn vị trực tiếp quản lý đông học viên, Đại tá, TS Vũ Minh Nhật, Hệ trưởng Hệ Chiến dịch - Chiến lược chia sẻ: Các đồng chí học viên của hệ cơ bản là cán bộ chỉ huy, tham mưu ở cấp chiến dịch-chiến lược, giữ cương vị chủ chốt ở các đơn vị, ngoài nhiệm vụ học tập vẫn cần thiết phải tham gia xử lý công việc còn lại ở đơn vị, gia đình nhưng đã phát huy tính tiền phong gương mẫu, thực hiện nghiêm túc các quy định của Học viện.
Cục Huấn luyện – Đào tạo, các cơ quan và Hệ thường xuyên kiểm tra, động viên, cùng học viên khắc phục những khó khăn về ăn ở, sinh hoạt để học tập, công tác đạt kết quả cao. Trong giai đoạn này, vừa đảm bảo giãn cách xã hội, vừa duy trì các lớp học truyền thống, học viện còn tổ chức các lớp học trực tuyến, đẩy mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường trao đổi, nghiên cứu.
Để phương pháp học mới này hiệu quả, Đại tá, TS Lê Đức Tiến, Chủ nhiệm Khoa Hậu cần- Kỹ thuật cho biết, giảng viên giúp học viên chuẩn bị tài liệu đầy đủ, nghiên cứu trước, phát huy cao tính chủ động của người học. Đồng thời giảng viên tăng cường kiểm tra, đánh giá thực tế, gắn sát với mục tiêu, yêu cầu đào tạo.
Chia sẻ về cách học này, Đại tá Nguyễn Công Anh, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, học viên K40 lớp Quân sự địa phương cho rằng, mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng các học viên đều quyết tâm khắc phục khó khăn này, cố gắng học tập để đạt được mục đích yêu cầu đề ra, thực hiện tốt “3 thực chất” trong quá trình đào tạo.
Thượng tá Phan Tiến Thọ, Tổng giám đốc Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng (GAET) – Bộ Quốc phòng cho biết: “Ảnh hưởng của dịch Covid -19 chính là biểu hiện sinh động của thách thức phi truyền thống, rất cần tầm nhìn, giải pháp và sự nêu gương của cán bộ. Là một học viên, đồng thời là cán bộ lãnh đạo ở đơn vị, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc” và gương mẫu của cán bộ cao cấp trong quân đội chấp hành rất tốt các quy định.
Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến, Phó giám đốc Học viện Hải quân, học viên lớp K4B (hoàn thiện cao cấp lý luận chính trị) thì cho rằng: Những giải pháp về y tế, hậu cần mà Học viện Quốc phòng đang thực hiện là khoa học và kịp thời. Ngoài giờ học tôi và nhiều đồng chí khác vẫn thường xuyên trao đổi với đơn vị, nên những kinh nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19 của Học viện được chúng tôi học hỏi và áp dụng, triển khai vào đơn vị mình chỉ huy.
Bài học nêu gương của cán bộ chiến dịch-chiến lược
Để đảm bảo 100% học viên, cán bộ, nhân viên ở lại là cả một nỗ lực rất lớn của Học viện. Trung tá Nguyễn Duy Thành, Chủ nhiệm Quân y học viện cho hay: Ngay từ cuối tháng 1, khi nhận được chỉ thị của ngành Quân y hướng dẫn, Học viện đã lập tức có chỉ thị, xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.
Quân y chủ động trong lập sổ, phiếu sức khỏe và hồ sơ theo dõi, sàng lọc những đối tượng có bệnh mãn tính; hướng dẫn và giúp đỡ mọi người tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch an toàn. Do đó, quân y bảo đảm dung dịch sát khuẩn ở những vị trí công cộng, phát khẩu trang cá nhân, kiểm soát thân nhiệt hằng ngày. Mỗi tuần tổ chức phun thuốc diệt khuẩn toàn bộ Học viện 4 lần.
Một trong những nguyên nhân góp phần vào thành công việc ngăn ngừa dịch xâm nhập phải kể đến những tấm gương, việc làm tốt trong toàn học viện. Nhiều đồng chí khắc phục khó khăn như có con nhỏ, thậm chí có gia đình 2 vợ chồng đều ở lại doanh trại thực hiện nhiệm vụ do hai cơ quan khác nhau. Như trường hợp vợ chồng Thiếu tá QNCN Phí Minh Khiêm, Bếp trưởng bếp ăn Học viện. Hai vợ chồng đều sẵn sàng thu xếp công việc gia đình, nhờ ông bà chăm sóc hai con, rồi tình nguyện ở lại Học viện nhận nhiệm vụ làm công tác hậu cần, cùng tham gia phục vụ hơn 700 suất ăn mỗi bữa.
Còn Đại tá Ngô Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân, Học viên lớp K4B lại là người phải kìm lòng, nén nỗi đau riêng khi nhạc mẫu của anh qua đời. Chỉ bằng liên lạc điện thoại, anh động viên vợ con, anh em ở nhà lo toan đám tang cho cụ gọn gàng, khoa học để giữ an toàn nhất, thực hiện nghiêm chỉ thị giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ. Đại tá Ngô Vĩnh Phúc chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện cách ly xã hội, đơn vị cấm trại, tôi và gia đình xác định rõ tư tưởng chấp hành nghiêm túc các quy định. Khi nào hết dịch, tôi sẽ về động viên gia đình!".
Những giải pháp thiết thực trên đã giúp Học viện Quốc phòng hoàn thành tốt mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo đạt chất lượng cao, an toàn tuyệt đối. Đó cũng là dẫn chứng sinh động về việc nêu cao tinh thần kỷ luật là sức mạnh của Quân đội; vai trò nêu gương của cán bộ cấp chiến dịch chiến lược trong những tình huống khó khăn, phức tạp, giúp cho Quân đội ta “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.