Học viên thi mô phỏng lái xe 'rụng như sung'
Chỉ cần ấn bàn phím sớm 1 giây khi xử lý tình huống giao thông trong phần thi mô phỏng lái xe, lập tức học viên sẽ bị 0 điểm. Vì quy định này, vị hiệu phó một trường tiểu học ở Hà Nội đã trượt tới 16 lần.
Lời tòa soạn
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, năm 2022, cả nước có khoảng 1,5 triệu người học lái ô tô nhưng chỉ khoảng 50% vượt qua kỳ thi sát hạch. Việc siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là nhiệm vụ được Bộ GTVT đặt ra nhằm chống tham nhũng, tiêu cực, hạn chế tình trạng tai nạn giao thông.
Đã có các giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có việc bắt buộc các cơ sở đào tạo lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe (Distance and Time - DAT), thêm bài thi mô phỏng trong phần thi lý thuyết, học lái xe trên cabin điện tử. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai lại có nhiều bất cập khiến các học viên "dở khóc dở cười".
Hiệu phó trượt 16 lần ở phần thi mô phỏng lái xe
Bằng lái hết hạn không kịp đổi, ông Nguyễn Tuấn Việt (43 tuổi, ở Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) buộc phải học lại lý thuyết vào tháng 5 vừa qua. Ở lần học này, ông Việt gặp nhiều chuyện “cười ra nước mắt”.
Theo tìm hiểu, từ tháng 6/2022, ngoài nội dung sát hạch lý thuyết 600 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ, học viên khi thi giấy phép lái xe sẽ phải thi thêm nội dung phần mềm mô phỏng với 120 tình huống. Học viên sẽ quan sát các tình huống giao thông trong video mô phỏng, khi tình huống nguy hiểm xuất hiện sẽ phải bấm nút dừng.
Theo ông Việt, tại thời điểm lớp của anh thực hiện phần thi này, kết quả “rụng như sung”.
“Lớp trưởng là hiệu phó một trường tiểu học tại Hà Nội (hơn 50 tuổi) nhưng thi trượt tới 16 lần ở nội dung này. Bản thân tôi lái xe hơn 10 năm mà cũng trượt 2 lần với số điểm 33/35.
Tỷ lệ qua được phần thi này ngay lần đầu không quá 50%. Dù không phải học lại nhưng học viên sẽ phải thi lại, rất mất thời gian”, ông Việt kể.
Vào cuối tháng 6/2023, tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Bắc Hà (Từ Sơn, Bắc Ninh), nhiều học viên ra khỏi phòng thi mô phỏng với gương mặt buồn thiu. Ở phòng máy tính dùng cho học viên luyện tập, nhiều người tỏ ra lo lắng, dù đồng hồ nhích dần đến 11h trưa nhưng các học viên vẫn ôm máy ôn luyện.
Chị Lan (Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng dán mắt vào màn hình máy tính ôn luyện. Người phụ nữ này tranh thủ những phút ít ỏi để luyện tập thêm các tình huống trước khi thi. Vừa bấm chuột phanh xe tránh người đi bộ trên đường, chị vội vàng từ chối trả lời phóng viên vì “đã thi trượt 2 lần”.
Miêu tả thêm về phần thi mô phỏng, học viên Nguyễn Tuấn Việt hài hước nói: “Anh chơi game audition chưa? Trò chơi này yêu cầu căn đúng để nhảy, đôi khi thắng thua do máy tính vì có độ trễ khác nhau, phần thi mô phỏng cũng tương tự như thế”.
Theo ông Việt, tình trạng trượt lần đầu thường rơi vào nhóm học viên nhiều tuổi. Số lần trượt gia tăng theo độ tuổi của học viên, càng nhiều tuổi thì tỷ lệ thi lại càng cao.
“Thế hệ 6X, 7X đời đầu mấy ai chơi game. Chưa kể thao tác trên máy tính cũng chậm hơn nên trượt là dễ hiểu với một phần thi không khác gì chơi game.
Đây là các bài thi mô phỏng tình huống trên đường nhưng thao tác phanh, dừng xe lại ấn nút trên bàn phím máy tính. Vậy nên, dù luyện nhiều đến đâu nhưng vào thi chỉ cần bấm xử lý tình huống nhanh hơn 1 tích tắc cũng không được tính điểm”, ông Việt nhấn mạnh.
Chung quan điểm này, chị Nguyễn Thị Lành (36 tuổi, ở TP.HCM) cho rằng, phần thi mô phỏng lái xe có nhiều bất cập.
“Mới học thì tưởng phần mô phỏng dễ nhưng khi thi xong rồi mới thấy phần này khó nhất và không thực tế nhất. Đa phần học viên thi phần này theo kiểu học mẹo”, chị Lành nói.
Người xử lý tình huống nguy hiểm sớm để an toàn hơn lại bị trượt
Bà Huỳnh Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia (TP.HCM) nhìn nhận, ở phần thi mô phỏng, học viên hoàn toàn bị áp đặt cách xử lý của người viết phần mềm.
“Theo tôi, không thể áp đặt tư duy, nhận định tình huống trên màn hình vào thực tế. Mỗi người có cách xử lý tình huống tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính để phù hợp với cảm giác lái xe và hoàn cảnh.Thế nhưng với các tình huống được lập trình sẵn, nếu không bấm dừng trong khoảng cho phép thì thí sinh sẽ rớt”, bà Hồng nói.
Chung quan điểm, bà Trần Thị Bích Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ (TP.HCM) đánh giá, kỹ năng lái xe và cách xử lý của mỗi cá nhân là khác nhau. Do đó, không thể có một mẫu số chung để quy cho tất cả các cá nhân nhằm yêu cầu phải xử lý giống hệt nhau đến từng giây khi tham gia giao thông thực tế.
Bà Thảo dẫn chứng về một tình huống giao thông sắp xảy ra nguy hiểm, đối với cá nhân có khả năng nhạy bén sẽ xử lý tình huống vào thời điểm an toàn vừa đủ và đúng lúc với thời gian yêu cầu đạt điểm tối đa theo bài thi.
Thế nhưng, đối với người có tính cách cẩn thận hay lớn tuổi, họ sẽ xử lý sớm hơn một chút và họ chạy chậm lại từ xa. Tuy nhiên, với trường hợp này khi chấm điểm sẽ bị trượt.
“Vậy thì có công bằng không khi một người xử lý tình huống nguy hiểm sớm lại không có điểm nào trong tình huống mô phỏng như trên”, bà Thảo nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe Bắc Hà (Từ Sơn, Bắc Ninh) kiến nghị, nên thay đổi cách tính điểm cho học viên ở phần thi này.
“Hiện quy định thang điểm đang rất cứng nhắc theo trình tự: 5-4-3-2-1. Học viên chỉ cần bấm sớm hơn 1 giây cũng sẽ bị điểm 0. Trong thực tế, nếu mình xử lý sớm các tình huống thì độ an toàn sẽ cao hơn khi xử lý muộn.
Do đó, tôi cho rằng nên thiết kế thang điểm 1-2-3-4-5-4-3-2-1 tương đương cho quá trình xử lý tình huống: Sớm, đúng và muộn. Nghĩa là nếu xử lý tình huống sớm hơn cũng cần được chấm điểm dù điểm không đạt tối đa”, ông Nghĩa kiến nghị.
Phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông ứng dụng trong việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ được quy định tại Thông tư số 38/TT-BGTVT ngày 8/10/2019.
Theo đó, phần mềm mô phỏng bao gồm 120 tình huống giao thông phức tạp như lái xe trên đường phố đông người, đường cắt ngang, đường giao cắt với đường sắt, đường cao tốc, chỗ dừng đèn đỏ, qua phà, đường giao cắt lập thể, đường đèo dốc, sương mù, mưa to, trơn trượt; ban ngày, ban đêm...
Phần mềm được xây dựng và cài đặt trên hệ thống máy tính sẽ hiển thị tình huống cho học viên, đồng thời đưa ra các yêu cầu đòi hỏi người học phải áp dụng các kiến thức về pháp luật giao thông, kỹ năng lái xe cơ bản để trả lời trong một thời gian nhất định.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hoc-vien-thi-mo-phong-lai-xe-rung-nhu-sung-2164185.html