Học viện Viettel vững bước trên hành trình tri thức
Học viện Viettel được định vị là nơi 'Hội tụ tinh hoa - Lan tỏa tri thức' để người Viettel khai phá tiềm năng.
Tọa lạc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, có một nơi mà khát vọng và đam mê tri thức được nuôi dưỡng và phát triển đó là Học viện Viettel - một môi trường đào tạo hàng đầu của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Ra đời với nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, lan tỏa văn hóa và tri thức của Viettel, Học viện được định vị là nơi “Hội tụ tinh hoa - Lan tỏa tri thức” để người Viettel khai phá tiềm năng, hiện thực hóa sứ mệnh xây dựng Viettel trở thành một tổ chức học tập.
Đào tạo và học tập trong quản trị tổ chức có một vai trò vô cùng quan trọng. Hoạt động đào tạo của Viettel - Tập đoàn Công nghệ hàng đầu tại Việt Nam là một trong những cách để Tập đoàn phát triển nguồn nhân lực. Những hoạt động trong học tập, đào tạo đã và đang đang được Tập đoàn triển khai có rất nhiều điểm đáng để các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam tham khảo, học hỏi.
Học tập, đào tạo tại các tổ chức, doanh nghiệp ngày nay
Ngày nay, tri thức và công nghệ là hai yếu tố được các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Điều này đòi hỏi việc chủ động xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, và chắc hẳn chúng ta đều đã biết: Học tập, đào tạo là yếu tố then chốt trong phát triển nguồn nhân lực, hiện nay, vấn đề này không chỉ được các tổ chức, doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu mà đã trở thành yếu tố sống còn cho sự tồn tại và phát triển bền vững.
Theo báo cáo của McKinsey (2012), những công ty đầu tư vào đào tạo nhân viên và có chiến lược đào tạo bài bản có khả năng tăng năng suất lao động lên đến 25%. Jack Welch - cựu CEO của Tập đoàn General Electric từng nhấn mạnh: “Khả năng học hỏi không ngừng của tổ chức và biến kiến thức thành hành động chính là chìa khóa mở ra thành công bền vững”.
Những nhận định nêu trên cho thấy tính cấp thiết và tầm quan trọng của hoạt động học tập, đào tạo (learning), đồng thời là lý do để các tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức và cách triển khai công tác học tập, đào tạo nhằm nâng cao năng lực đội ngũ - yếu tố then chốt để duy trì sức mạnh cạnh tranh và phát triển bền vững.
Nhận thức được điều đó, hiện nay nhiều tổ chức, doanh nghiệp đang triển khai các cách thức tổ chức học tập, đào tạo linh hoạt hiện đại nhằm nhanh chóng cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhân viên, đồng thời tăng cường sự gắn bó như:
(1) Xây dựng văn hóa học tập liên tục: Người lao động được khuyến khích tự học và chia sẻ kiến thức nhằm gia tăng khả năng sáng tạo, tạo ra môi trường làm việc tích cực và đầy động lực. Đặc biệt, nguồn nhân lực trẻ ngày càng ưu tiên môi trường làm việc có sự đề cao văn hóa học tập để có cơ hội phát triển sự nghiệp, cũng như phát triển các năng lực của cá nhân.
(2) Ưu tiên đào tạo, phát triển năng lực: Nhóm các năng lực, kỹ năng số cũng được các doanh nghiệp ưu tiên đào tạo cho đội ngũ nhân viên để kịp thời thích nghi với bối cảnh công nghệ số phổ biến.
(3) Ứng dụng công nghệ mới: Biến công nghệ vừa là mục tiêu, vừa là công cụ cho hoạt động đào tạo, nhất là trong các hoạt động về xây dựng nội dung khóa học, cá nhân hóa lộ trình học tập và đưa ra khuyến nghị cho cả tổ chức và từng người lao động.
Viettel – Điểm sáng trong hoạt động học tập, đào tạo
“Người Viettel” là cụm từ được nhiều người tự hào nói về nhân sự làm việc tại tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Để có được “chất” riêng đó, Tập đoàn Viettel đã có những cách thức triển khai hoạt động đào tạo bài bản và khác biệt.
Thứ nhất: Viettel đã sớm quan tâm, đầu tư cả về hạ tầng, hạ tầng công nghệ, cơ chế chính sách với định hướng, mục tiêu (1) xây dựng Viettel trở thành một tổ chức học tập điển hình; (2) đưa văn hóa học tập suốt đời trở thành giá trị đặc trưng của Tập đoàn; (3) hoạt động đào tạo đồng hành, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững của Tập đoàn và (4) nâng cao mức độ gắn kết của cán bộ, nhân viên (CBNV) với tổ chức.
Thứ hai: Xuất phát từ mục tiêu, định hướng nêu trên, hoạt động học tập, đào tạo tại Tập đoàn này với vai trò nòng cốt là Học viện Viettel trong những năm qua đã chủ động nghiên cứu đưa ra mô hình tổ chức học tập phù hợp trong tổ chức, doanh nghiệp được nhiều nhà quản lý và khoa học đánh giá cao, mô hình gồm 4 nhân tố: (1) Tư duy lãnh đạo; (2) Ứng dụng công nghệ số; (3) Học liệu số; (4) Cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, Học viện Viettel đã xây dựng được nền tảng học tập (BDL - By Day Learning) trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, đây thực sự là môi trường học tập hữu dụng với hàng nghìn nội dung đa dạng, phong phú giúp hàng vạn người Viettel duy trì học tập mọi lúc mọi nơi.
Thứ ba: Từ yêu cầu nhiệm vụ, hàng năm các đơn vị trong Tập đoàn Viettel đã phối hợp xây dựng những chương trình đào tạo phù hợp, có giá trị. Các chương trình này tập trung vào phát triển năng lực cốt lõi, nền tảng; năng lực chuyên môn; năng lực lãnh đạo; năng lực mới phục vụ chuyển dịch chiến lược với quan điểm: (1) Phát triển năng lực nhân viên: Đào tạo nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và phát triển phẩm chất để nâng cao năng lực của nhân viên, từ đó giúp họ đạt hiệu quả cao trong công việc và đáp ứng yêu cầu phát triển của từng đơn vị; (2) Đào tạo gắn với thực tiễn: Viettel chú trọng vào việc học đi đôi với hành, nghĩa là nội dung đào tạo phải bám sát nhu cầu thực tế của công việc, mang tính ứng dụng cao và có thể áp dụng ngay vào công việc hàng ngày; (3) Đào tạo tự phát triển: Khuyến khích nhân viên tự học, tự rèn luyện và nâng cao năng lực, giúp họ có thể tự chủ trong công việc và có khả năng phát triển bản thân không ngừng; (4) Đào tạo dựa trên văn hóa và giá trị cốt lõi của Viettel: Nhiều chương trình đào tạo được thiết kế lồng ghép với văn hóa, giá trị cốt lõi của Viettel, giúp học viên thấm nhuần các giá trị cốt lõi và đóng góp vào mục tiêu chung của tổ chức.
“Mục tiêu của chúng tôi hướng tới xây dựng một tổ chức học tập điển hình, đưa học tập, đào tạo trở thành một trong những giá trị đặc trưng của Viettel. Hoạt động này đem lại giá trị và góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững của Viettel, cũng như nâng cao mức độ gắn kết của CBNV với tổ chức”, TS. Bùi Quang Tuyến – Giám đốc Học viện Viettel chia sẻ.
Dấu ấn năm 2024 của Học viện Viettel
Được thành lập năm 2006, Học viện Viettel ra đời với vai trò tham gia dẫn dắt hoạt động học tập và đào tạo, tổ chức các chương trình đào tạo mang tính chiến lược trong Tập đoàn. Trải qua 18 năm phát triển, Học viện đang từng bước khẳng định vai trò của mình trong hành trình phát triển năng lực đội ngũ của Viettel.
Trong những năm qua Học viện đã chủ động nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số trong học tập, đào tạo tại Viettel một cách tổng thể từ nhận thức đến hành động, qua đó, việc ứng dụng công nghệ xuyên suốt toàn trình trước - trong và sau đào tạo được phát triển và tối ưu, từ việc khảo sát nhu cầu đào tạo đến triển khai, hỗ trợ học tập, đánh giá, quản lý kết quả đào tạo và theo dõi việc ứng dụng kiến thức sau đào tạo, nổi bật như: (1) Mô hình tổ chức học tập, (2) Nền tảng duy trì học tập hàng ngày By Day Learning, (3) Công cụ áp dụng hiệu quả sau đào tạo ATM và (4) nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khác… đã tạo ra phương thức học tập, đào tạo khác biệt, linh hoạt, có giá trị, phù hợp với người Viettel để bất cứ ai, ở đâu cũng có thể dễ dàng tiếp nhận kiến thức, kỹ năng.
Nhìn lại hoạt động trong năm qua cho thấy Học viện Viettel tiếp tục có bước chuyển mình đầy nỗ lực và tự tin tiến bước, góp phần vào sự thành công chung của Tập đoàn như:
Thứ nhất: Năm 2024, Học viện Viettel tiếp tục hoàn thành vượt mức kế hoạch đào tạo được giao cả về chất lượng và khối lượng đào tạo, theo đó, hàng trăm khóa học đã được tổ chức, hàng vạn lượt CBNV đã tham gia học tập và rất nhiều nội dung công việc cụ thể từ vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được đăng ký trên ứng dụng.
Thứ hai: Chuẩn hóa và phát triển chương trình đào tạo. Trong năm 2024 với chủ trương nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hóa Học viện Viettel đã chuẩn hóa và xây dựng mới hàng chục quy trình và chương trình đào tạo, trong đó có nhiều chương trình đào tạo mới nhằm đáp ứng yêu cầu và sự phát triển nguồn lực của Viettel như: An toàn thông tin, Trí tuệ nhân tạo, Quản trị hiện đại (Mini MBA)…
TS. Bùi Quang Tuyến – Giám đốc Học viện Viettel chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ đào tạo về kiến thức, mà còn gợi mở tư duy sáng tạo, kỹ năng lãnh đạo và khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của môi trường làm việc và thế giới công nghệ”.
Thứ ba: Tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ số vào hoạt động học tập, đào tạo: Với mục tiêu phát triển môi trường học tập hiện đại đem lại giá trị tích cực, nhanh chóng, tiện lợi… năm 2024, Học viện Viettel đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ AI. Qua đó, Học viện đã chủ động xây dựng mô hình phòng học thông minh - không gian học tập số được trang bị các công nghệ hiện đại như trường quay ảo, màn hình tương tác, bài giảng tương tác 3D,… giúp quá trình giảng dạy và học tập trực tiếp, trực tuyến trở nên trực quan, sinh động và linh hoạt hơn. Đặc biệt, phòng học được ứng dụng công nghệ AI trợ lý ảo giúp hỏi đáp thông tin nội bộ, tra cứu kiến thức chung và số hóa tài liệu học tập tự động. Nhờ đó, việc soạn thảo bài giảng, tài liệu trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Thứ tư: Với sứ mệnh của Viettel “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số”, năm qua, Học viện Viettel đã xây dựng chương trình hợp tác đào tạo về chuyển đổi số, chuyển từ đơn vị chỉ thực hiện tổ chức đào tạo trong nội bộ sang hợp tác, tổ chức đào tạo cho các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài tiêu biểu như các chương trình tập huấn chuyển đổi số cho UBND Tỉnh Bình Phước, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Ngãi,…Các chương trình này được đánh giá cao cả về nội dung và tính ứng dụng, góp phần gắn kết hoạt động của Viettel với các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài và phát triển cơ hội hợp tác phát triển.
Thứ năm: Trong năm qua, Học viện Viettel đã chủ động hợp tác với hàng chục cơ sở đào tạo trong và ngoài quân đội (Cục Nhà trường – Bộ Tổng Tham mưu; ĐH Bách khoa Hà Nội; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; … với nhiều nội dung hoạt động sinh động như: (1) Đào tạo cho hàng trăm học viên là các giảng viên các trường (trong và ngoài quân đội) về kỹ năng số hóa, ứng dụng AI trong xây dựng học liệu số; (2) Tổ chức cho hàng nghìn học viên, sinh viên các học viện, nhà trường có dịp tiếp cận trực quan hoạt động tại Viettel (Study tour), được nắm bắt các nội dung thực tiễn thuộc nhiều chủ đề liên quan đến ngành, lĩnh vực của Nhà trường; (3) Hợp tác phát triển đội ngũ giảng viên là những nhà khoa học, những chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực; (4) Tổ chức các hội thảo trong nước và quốc tế.
Thứ sáu: Năm qua, Học viện Viettel được sự tin tưởng của Bộ Tổng Tham mưu – Bộ Quốc phòng, của Cục Nhà trường - Bộ Tổng tham mưu và của Lãnh đạo Tập đoàn đã tham gia các nội dung quan trọng như: (1) Tham gia biên soạn 2 Đề án “Xây dựng xã hội học tập trong Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo” và Đề án “Tiêu chuẩn Hiệu trưởng học viện, nhà trường trong Quân đội”; (2) Tham gia đăng cai tổ chức 2 cuộc thi Olympic tiếng Anh và tiếng Nga cho các học viện, nhà trường trong Quân đội; (3) Phối hợp tổ chức hàng chục khóa tập huấn chuyển đổi số, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho nhiều đơn vị trong toàn quân.
Học viện Viettel – Chặng đường tự hào
Trong những năm qua, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Học viện Viettel đã vinh dự được lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Lãnh đạo Tập đoàn Viettel tặng nhiều khen thưởng. Đặc biệt, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì những đóng góp trong giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2024 tiếp tục là năm đánh dấu hành trình phát triển của Học viện Viettel khi gặt hái những thành tựu nổi bật, được ghi nhận như Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và đặc biệt là năm thứ 3 liên tiếp đoạt Giải thưởng quốc tế danh giá LearningElite do Tổ chức Chief Learning Officer trao tặng.
Ông Dương Xuân Phượng - Phó Giám đốc Học viện Viettel cho biết: "Những phần thưởng này là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ làm công tác đào tạo tại Viettel nói chung và của Học viện Viettel nói riêng, kịp thời bổ sung những kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ để hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Đây là nguồn động viên để mỗi chúng tôi cố gắng hơn nữa đóng góp cho hoạt động đào tạo và phát triển của Viettel".
Những thành tựu nêu trên khẳng định chủ trương và định hướng đúng đắn của Tập đoàn Viettel trong công tác đào tạo. Các giải pháp và kết quả đạt được đã minh chứng cho tinh thần đổi mới không ngừng của đội ngũ làm công tác đào tạo tại Viettel, đồng thời xây dựng nền tảng đào tạo mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực và đáp ứng yêu cầu phát triển của Tập đoàn trong tương lai.
Thiết nghĩ, còn nhiều nội dung chuyên môn, chuyên sâu trong hoạt động học tập, đào tạo của Viettel, Học viện Viettel mà khuôn khổ bài báo chưa nêu hết được. Tuy nhiên, những nét cơ bản trong quan điểm, định hướng, mô hình, cách làm và đặc biệt là những thành tựu của Viettel trong phát triển nguồn lực nói chung, công tác học tập, đào tạo nói riêng rất cần được quan tâm, được lan tỏa mạnh mẽ, để mỗi tổ chức, doanh nghiệp chủ động tham gia xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao đáp ứng với yêu cầu về tri thức và công nghệ trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.