Học viện Y-Dược cổ truyền VN: Không có GS, giảng viên thỉnh giảng cao hơn cơ hữu
Theo báo cáo công tác tuyển sinh năm 2022, hiện học viện không có giảng viên cơ hữu có chức danh giáo sư.
Qua tìm hiểu của phóng viên, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam chưa đăng tải báo cáo 3 công khai năm 2022-2023 trên website, còn các năm học trước, báo cáo công khai của học viện không đồng bộ và thống nhất biểu mẫu theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT về Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam chia sẻ rằng: “Hàng năm, Học viện đều thực hiện báo cáo dữ liệu thống kê trên hệ thống chung. Mặt khác các thông tin cần công khai trên website để thí sinh tra cứu Đề án tuyển sinh đang được lập theo các biểu mẫu của Thông tư 08/2022 ngày 06/6/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đại học. Đồng thời một số thống kê đang làm theo biểu mẫu ở Thông tư 24/2018/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mặc dù các thông tin cần công khai đã được công bố đầy đủ nhưng báo cáo công khai của học viện chưa đồng bộ và thống nhất biểu mẫu theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT”.
Tìm hiểu trên website, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam công khai nội dung hoạt động của học viện. Ghi nhận báo cáo công tác tuyển sinh và đào tạo nhân lực y tế năm 2022, nhà trường tuyển sinh 10 chỉ tiêu ngành Y học cổ truyền hệ đào tạo liên thông (chính quy tập trung) nhưng chỉ 6 thí sinh trúng tuyển. Đặc biệt, chỉ có 1 sinh viên trúng tuyển nhập học.
Từ bảng số liệu cho thấy, hệ đào tạo chính quy, số sinh viên tốt nghiệp ngành Y khoa là 84 em, chiếm 32,4% số sinh viên trúng tuyển nhập học (tổng là 259 sinh viên). Ngành Y học cổ truyền có 411 người tốt nghiệp, chiếm 96,2% số sinh viên trúng tuyển nhập học ở cả 2 phương thức (xét tuyển theo điểm thi trung học phổ thông và phương thức khác). Ngành Dược học có 101 người tốt nghiệp, chiếm 48,7% số sinh viên trúng tuyển nhập học (tổng là 207 thí sinh)
Tại báo cáo thực hiện tuyển sinh sau đại học năm 2022, học viện tuyển không đủ chỉ tiêu được duyệt đối với hình thức đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa II, chuyên khoa I và bác sĩ nội trú.
Cũng theo báo cáo của nhà trường, số lượng giảng viên có chức danh phó giáo sư là 33; giảng viên có trình độ tiến sĩ là 73 người; 134 giảng viên có trình độ thạc sĩ; 10 giảng viên là bác sĩ chuyên khoa II; 6 giảng viên là bác sĩ chuyên khoa I và giảng viên có trình độ cử nhân đại học là 26 người. Học viện "trắng" giảng viên cơ hữu có chức danh giáo sư.
Trong đó, giảng viên cơ hữu đào tạo hệ đại học chính quy là 228 người, chiếm 80,8% tổng số giảng viên cơ hữu tại học viện.
Bên cạnh đó, tổng giảng viên thỉnh giảng của học viện là 355 người, cao gấp 1,25 lần so với tổng giảng viên cơ hữu.
Qua thống kê tại báo cáo công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng của học viện được ký ngày 26/6/2022 cho thấy, quy mô đào tạo hình thức chính quy đến hết ngày 31/12/2021 của học viện là 5.204 sinh viên, học viên. Đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Y học cổ truyền là 8 người, đào tạo trình độ thạc sĩ là 184 người. Đào tạo hệ đại học chính quy là 4.891 người và đào tạo từ trung cấp lên đại học là 121 người.
Ngoài ra, tổng diện tích đất của học viện là 22,739 m2. Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 2,9m2/sinh viên.
Khi được hỏi về việc học viện không có giảng viên cơ hữu có chức danh giáo sư có đảm bảo chất lượng giảng dạy sau đại học hay không, đại diện học viện thông tin: “Hàng năm Học viện dành 365 chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào năng lực đào tạo của nhà trường, cụ thể là đội ngũ giảng viên cơ hữu, điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, nhà trường chỉ sử dụng khoảng 80% năng lực đào tạo sau đại học được cho phép theo quy định để xây dựng số lượng tuyển sinh và đào tạo sau đại học theo chỉ tiêu như trên.
Mặc dù chưa có giảng viên cơ hữu có chức danh giáo sư, nhưng nhà trường có nhiều giảng viên có chức danh phó giáo sư đã chủ nhiệm nhiều đề tài cấp bộ, hướng dẫn các nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, có nhiều công bố quốc tế. Học viện đã có chiến lược bồi dưỡng, khuyến khích các thầy cô có chức danh phó giáo sư rà soát, hoàn thiện hồ sơ để có thể xin xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư trong những năm tới.
Quá trình các giảng viên chuẩn bị đạt đủ điều kiện như làm đề tài cấp bộ, đăng bài báo quốc tế hoặc trong tạp chí chuyên ngành cũng là quá trình giúp công tác đào tạo sau đại học của học viện phát triển”.
Đề cập đến chính sách thu hút “chiêu hiền đãi sĩ” của học viện đối với giảng viên có trình độ đào tạo cao, đại diện Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam cho hay: “Khối ngành sức khỏe trong chương trình đào tạo có số thời gian thực hành tại các bệnh viện nhiều. Căn cứ vào quy định tại Nghị định 111/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, sinh viên thực tập tại các bệnh viện được chúng tôi mời các chuyên gia, bác sĩ công tác tại bệnh viện đủ điều kiện theo quy định làm giảng viên thỉnh giảng, tham gia giảng dạy cho sinh viên, với số lượng bệnh viện thực hành từ trung ương đến địa phương lớn, kể đến hơn 30 bệnh viện.
Vì vậy, số lượng giảng viên thỉnh giảng của học viện tại các bệnh viện phù hợp với quy định tại nghị định và đảm bảo chương trình đào tạo.Với các giảng viên có trình độ cao căn cứ Nghị định 50/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, chúng tôi tiếp tục mời các giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II tiếp tục kéo dài thời gian công tác theo quy định, khuyến khích tạo điều kiện để các giảng viên học tập nâng cao trình độ trong nước cũng như nước ngoài.
Khuyến khích giảng viên thực hiện nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế,… chế độ khen thưởng giảng viên công bố quốc tế quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ. Từng bước nâng cao chất lượng, thu nhập cho cán bộ, giảng viên có chế độ phúc lợi, thu nhập tăng thêm…. Rà soát chương trình đào tạo khuyến khích thu hút các giảng viên có trình độ cao về công tác tại học viện tại các vị trí phù hợp".