Học võ thuật truyền thống là học cả một nền văn hóa
Năm 2017 được nhiều người cho là năm 'tai tiếng' của võ thuật truyền thống. Nhiều môn phái bị công kích, nghi ngờ về khả năng thực chiến, không ít môn sinh và cả võ sư vỡ mộng, rời bỏ môn phái. Trong giây phút khó khăn này thì niềm tin lại thêm một lần được thử thách, bởi học võ là học cả một nền văn hóa, đâu chỉ có đấm với đá?
Khi đã triệt ngộ rồi, nhiều “cao thủ võ lâm” vẫn cho rằng học võ rất dễ. Về bản chất chỉ là những động tác di chuyển được rèn luyện đến mức thuần thục, nhanh gọn, mạnh mẽ. Ngoài ra phải biết dùng bộ phận mạnh, cứng của mình đánh vào phần yếu hại của đối phương. Với mấy lẽ nguyên thủy ấy, bất cứ ai cũng có thể tự sáng tạo các thế võ của riêng mình, bất cứ bộ phận nào trên cơ thể cũng có thể rèn luyện để trở thành vũ khí sắc bén.
Không ít người nói rằng, rút cuộc học võ cũng chỉ phục vụ việc... đánh nhau, vì vậy tính thực chiến là quan trọng nhất. Kể ra thì điều này không hẳn sai, nhưng nếu vứt bỏ đi nền tảng tinh thần của một môn phái hay còn gọi là “võ đạo” thì rút cuộc võ thuật chỉ còn là những động tác, hành vi thô bạo. Và, đáng tiếc là tư duy này đang được cổ vũ bởi không ít bạn trẻ đang say mê môn võ thuật tổng hợp hiện đại MMA.
MMA đã cho thấy sự lợi hại của nó. Tại Trung Quốc, võ sĩ Từ Hiểu Đông hạ đo ván một võ sư Thái cực quyền có 30 năm công phu luyện tập chỉ sau 10 giây. Võ sĩ này sau đó đã thách đấu với nhiều môn phái võ thuật truyền thống của Trung Quốc khác. Hậu quả của hành động này đã dẫn đến một làn sóng chê trách sự yếu kém của võ thuật truyền thống Trung Quốc. Ở Việt Nam cũng diễn ra tình trạng ngấm ngầm ganh đua giữa các môn phái. Như trường hợp của võ sư người Canada F.Flores của môn phái Vĩnh Xuân Nam Anh khiêu chiến, thách đấu nhiều võ phái là một ví dụ.
Võ thuật tổng hợp MMA ra đời khoảng thập niên 1980 với sự ra mắt của Tổng liên đoàn MMA thành lập tại Mỹ. MMA tổng hợp tinh hoa võ thuật của rất nhiều môn phái như Boxing, Teakwondo, Muay Thái hay vật khóa Jiu-Jitsu, Judo… Hiện tượng “nhặt nhạnh” tinh hoa của võ phái khác về làm của mình không phải là chuyện hiếm gặp trong làng võ thuật. Ví dụ như trường hợp bài “Long hổ quyền” có trong hệ thống quyền cơ bản rất nhiều môn phái. Tuy nhiên, mỗi môn phái đều có cách lý giải, biến hóa cho bài quyền phù hợp với đặc trưng của môn phái mình. Cũng trên tinh thần đó, MMA lựa chọn đặc trưng là lối đánh hiệu quả, bạo liệt, bao gồm cả đánh tầm xa, tầm gần, vật, khóa…
Như vậy MMA có phải là một môn “siêu võ thuật” không? Xin thưa là không. Bởi nó thiếu hẳn một hệ thống đạo lý, đai đẳng, một tình thầy trò, tình cảm gia đình, anh em… như nhiều môn phái võ thuật truyền thống xây dựng và hướng tới. Các “chiêu thức” của MMA được “mã hóa” một cách cứng nhắc vô hồn, kiểu như: Cú đấm số 1, cú đá số 1… Việc truyền thụ và tiếp nhận các động tác võ thuật khá giống với việc tập một môn thể dục. Trong khi đó, võ thuật truyền thống đôi khi người ta học một thế võ chỉ vì “các cụ ngày xưa truyền lại như thế”. Và chính cái truyền thống này là chất kết dính mọi người, đó là có gốc của tinh thần tôn sư trọng đạo.
Nhiều người cho rằng đó là “cái dở” của võ thuật truyền thống. Sao không lọc bỏ những thứ rườm rà mà tập trung cho những thứ hiệu quả? Lý do võ thuật truyền thống luôn truyền thụ dựa trên căn bản những bài quyền, gồm nhiều miếng nhỏ. Nếu bỏ qua, không học một thế võ thì bài quyền sẽ bị đứt đoạn. Và bài quyền ấy là một dạng di sản của tiền nhân để lại. Mỗi bài quyền đều ẩn chứa ý nghĩa sâu xa, gắn với đặc điểm, truyền thống của môn phái. Đó là bản sắc của môn phái.
Có dịp quan sát nhiều môn võ thuật dễ thấy đặc trưng văn hóa vùng miền nơi môn phái ấy ra đời. Ví dụ như võ Bình Định là những đòn thế liên hoàn không dứt, lối đánh chuộng kết hợp cả chân lẫn tay, đường quyền ngoắt ngoéo, hiểm hóc; hay như Nhất Nam, Nam Hồng Sơn đúng tinh thần “nam quyền bắc cước” chuộng lối đánh dài, khỏe, đòn thế biến hóa sáng tạo; Karatedo của Nhật Bản, Teakwondo của Hàn Quốc có đòn chân hiểm hóc, đỡ gạt dứt khoát; Thiếu Lâm hay Vĩnh Xuân của Trung Quốc đều có đặc điểm riêng biệt, người biểu diễn chỉ cần khởi thế là người xem đã biết… Người học dù muốn hay không cũng phải học cả nền văn hóa bản địa của môn phái ấy, ít ra từ tên gọi những đòn thế.
Môn phái Vovinam do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập dựa trên võ dân tộc và vật cổ truyền Việt Nam. Võ sư Nguyễn Lộc chủ trương khuyến khích học trò sáng tạo, bổ sung vào môn phái võ còn rất trẻ của mình. Quả nhiên, Vovinam được bồi đắp bởi rất nhiều môn đồ xuất sắc, đến giờ đã có tầm ảnh hưởng trên khắp thế giới. Theo bước chân của võ sinh Vovinam, văn hóa Việt Nam lan tỏa khắp nơi.
Võ thuật truyền thống của ta rút cuộc khác môn võ tổng hợp MMA rất nhiều, dễ thấy đó là tính sáng tạo, sự gắn kết hiện tại và truyền thống hướng tới tương lai. Khi ta học một môn võ là ta học cả một nền văn hóa.