Hồi âm bài 'Cảnh giác với các chiêu trò 'chạy phiếu bầu'

LTS: Sau khi Báo Quân đội nhân dân (QĐND) ngày 4-6-2020 đăng bài 'Cảnh giác với các chiêu trò 'chạy phiếu bầu', nhiều bạn đọc đã gọi điện, nhắn tin, gửi email đến tòa soạn bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề bài viết đề cập, đồng thời kiến nghị một số giải pháp để làm tốt công tác cán bộ nói chung, ngăn chặn tình trạng 'chạy phiếu bầu' nói riêng. Báo QĐND trân trọng trích đăng một số ý kiến.

* Đồng chí MAI ĐỨC CHÍNH, nguyên Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

“Chạy phiếu” là điều rất nguy hiểm

Bài báo “Cảnh giác với các chiêu trò “chạy phiếu bầu” đã nêu vấn đề rất đáng quan tâm. Thực tế, hiện tượng “chạy phiếu bầu” diễn ra từ lâu và không chỉ trong bầu cấp ủy đảng mà còn có ở bầu HĐND, UBND, ban chấp hành các tổ chức hội, rồi cả bầu trưởng thôn, tổ dân phố v.v.. Gần như ở đâu có bầu cử là ở đó có hiện tượng “chạy phiếu” và việc này không chỉ có ở nước ta mà cả trên thế giới.

Theo tôi, tổ chức tạo điều kiện để đảng viên nêu quan điểm làm việc của mình, có chương trình hành động thuyết phục trước tập thể, đó là điều chấp nhận được. Nhưng những “con lươn, con chạch”-tức là người không tốt, những kẻ cơ hội mà “chạy” cấp trên để được đưa vào danh sách bầu cử; rồi lại bằng mọi cách để “chạy phiếu bầu” là việc rất xấu, rất nguy hiểm. Người “lươn, chạch” luôn tìm cách để được vào vị trí lãnh đạo nhằm dùng chức quyền để trục lợi cho bản thân, gia đình và những người thân tình, nhóm lợi ích. Cấp ủy đảng là cơ quan lãnh đạo mà để lọt người không tốt vào thì vô cùng nguy hại, nhất là khi họ chiếm đa số thì càng nguy hơn vì mọi quyết nghị của cấp ủy đều phải theo đa số; cán bộ tốt mà chiếm số ít thì cũng đành bất lực. Nếu người "lươn, chạch" đứng đầu cấp ủy càng nguy hơn nữa bởi họ sẽ thao túng, lạm quyền, triệt hạ người tốt… Như thế sẽ gây mất lòng tin của nhân dân vào tổ chức, gây hại cho Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự đại hội nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải "có con mắt tinh đời" trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn... Chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm; tránh cách làm giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc. Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn... Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trước hết, các tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của việc bầu cấp ủy trong đại hội đảng để làm công tác chuẩn bị nhân sự và tiến hành bầu cử thật sự nghiêm túc, khách quan, chọn đúng người xứng đáng; tuyệt đối không thiên vị, nể nang dẫn đến lựa chọn nhầm cán bộ.

* Đại tá, TS NGUYỄN TRẦN LONG, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 4:

Chuẩn bị tốt nhân sự gắn với giáo dục ý thức trách nhiệm đảng viên trong bầu cử

Đến nay, tất cả các đảng bộ cấp cơ sở ở Quân đoàn 4 đều đã tổ chức đại hội thành công tốt đẹp và từ ngày 10-6 bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở. Qua theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo đại hội ở các đảng bộ cơ sở, chúng tôi thấy rằng một trong những bài học kinh nghiệm cốt lõi để đại hội thành công chính là phải làm thật tốt công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử trong đại hội. Rất đáng mừng là 100% đảng bộ cơ sở ở Quân đoàn 4 đã tổ chức đại hội bầu ban chấp hành (cấp ủy) nhiệm kỳ mới, nhất là cán bộ chủ chốt, bí thư, phó bí thư với số phiếu tín nhiệm rất cao. Công tác bầu cử diễn ra chặt chẽ, dân chủ, tập trung, đúng nguyên tắc. Cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần xây dựng, thể hiện trách nhiệm cao trong từng phiếu bầu. Sau đại hội, không khí đoàn kết, thi đua trong đảng bộ, đơn vị rất sôi nổi…

Chúng tôi cho rằng, vấn đề Báo QĐND đặt ra trong bài viết "Cảnh giác với các chiêu trò "chạy phiếu bầu" có ý nghĩa thời sự rất cao. Ở bất kỳ tổ chức đảng nào, chuẩn bị tốt về mặt nhân sự chính là nhân tố quyết định thành công của đại hội. Để công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội được tiến hành đúng nguyên tắc, bảo đảm chất lượng, các đảng bộ mà đặc biệt là cấp ủy phải quán triệt sâu sắc, tuân thủ nghiêm các khâu, các bước theo đúng hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên, trong quân đội là Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị. Nhằm tránh tình trạng để lọt vào cấp ủy những người không xứng đáng thì vai trò của đảng ủy, nhất là ban thường vụ và người đứng đầu rất quan trọng. Quá trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội theo quy trình, ban thường vụ, đảng ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp phải luôn thể hiện sự khách quan, tính tiền phong, gương mẫu, công khai, minh bạch, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong giới thiệu, ứng cử, đề cử để chọn được các đồng chí thực sự tiêu biểu vào danh sách bầu cấp ủy. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên cũng phải được hết sức coi trọng. Đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ, phải giáo dục để họ có đầy đủ thông tin, có nhận thức thấu đáo về tiêu chuẩn, cơ cấu cấp ủy khóa mới, thể hiện trách nhiệm đảng viên trước lá phiếu, không bầu theo cảm tính, ngăn chặn tình trạng “chạy chọt” để có phiếu bầu…

* Tiến sĩ NGUYỄN HỒNG KIÊN, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Dựa vào dân để chống “chạy phiếu”

Bài “Cảnh giác với các chiêu trò “chạy phiếu bầu” trên Báo QĐND đã đề cập sâu sắc, nhiều chiều về hiện tượng vi phạm nguyên tắc, cần khắc phục ngay trong bầu cấp ủy ở đại hội đảng các cấp cũng như trong bầu cử HĐND các cấp, bầu cử Quốc hội... Vấn đề này rất cần sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội mới giải quyết được.

Một giải pháp rất quan trọng để chống “chạy phiếu bầu” nói riêng, "chạy chức" nói chung là dựa vào nhân dân. Chúng ta đều biết rằng, những người cơ hội, “lươn, chạch" chỉ có thể "chạy" được một số người có quyền quyết định về nhân sự hay một nhóm người tham gia bầu cử. Nếu quy trình nhân sự và bầu cử huy động được trăm tay, nghìn mắt của quần chúng giám sát thì những người “chạy” nhất định sẽ bị phát hiện. Quần chúng nhân dân ta rất tinh tường, không dễ để các đối tượng “lươn, chạch” mị dân.

Tôi được biết, Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành ngày 19-5-2018 khẳng định: “Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó máu thịt với nhân dân; phải thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ”. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định, Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân... Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng quy trình dựa vào dân khi làm công tác nhân sự và bầu cử, kể cả bầu cấp ủy lẫn bầu các chức danh dân cử. Ví dụ, trong quy trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng cấp nào thì phải lấy ý kiến rộng rãi quần chúng ở cấp đó. Ở cấp Trung ương cũng vậy, khi đã có quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, rất nên công bố công khai để nhân dân rộng đường dư luận giám sát, đánh giá. Việc này nên tiến hành cùng với việc đưa các dự thảo văn kiện đại hội về xin ý kiến góp ý ở tổ chức cơ sở đảng. Nếu làm được như vậy, tôi tin sẽ không lọt vào Trung ương Đảng những người không xứng đáng, thậm chí thoái hóa, biến chất đã bị xử lý đích đáng như trong nhiệm kỳ XII vừa qua.

Dựa vào dân để làm công tác nhân sự và tổ chức bầu cử là nội dung rất cần đưa vào chương trình nghị sự Đại hội XIII của Đảng để bàn cho thấu đáo, đưa ra giải pháp hiệu quả. Thực tế là từ trước đến nay đã có rất nhiều nghị quyết của Đảng về dựa vào dân để xây dựng Đảng, phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân, nhưng chúng ta chưa có kế hoạch cụ thể, quy trình cụ thể nên các nghị quyết của Đảng về vấn đề này vẫn còn “giậm chân tại chỗ”. Có quy định chặt chẽ, nhất định những người "lươn, chạch", “chạy phiếu” sẽ khó vượt qua được tai, mắt nhân dân.

* Thượng tá, CCB PHAN ĐÌNH HÀ, 43/48 đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh:

Để đảng viên thực sự công tâm, nghiêm túc trước lá phiếu

Báo QĐND đăng bài “Cảnh giác với các chiêu trò “chạy phiếu bầu” đúng thời điểm đang tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đã giúp các đảng viên nhận diện những biểu hiện “chạy phiếu bầu” của những người không xứng đáng được vào cấp ủy. Vì thế, bài viết này càng thêm giá trị, hiệu quả và được nhiều bạn đọc quan tâm.

Trong thực tế, bên cạnh đại đa số cán bộ, đảng viên tốt thì vẫn có không ít cán bộ, đảng viên thiếu tâm, thiếu tầm, thậm chí lươn lẹo nhưng âm mưu "chui sâu, leo cao" vào cơ quan lãnh đạo. Họ khéo léo tạo vỏ bọc, khoe mẽ để che giấu những cái xấu của mình, tìm cách lấy lòng mọi người nhằm được đưa vào danh sách bầu cử và để được đại hội bầu vào cấp ủy. Trong quân đội, nơi cán bộ, đảng viên gần gũi, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc nên hiểu biết về nhau rất rõ; bên cạnh đó là sự nghiêm túc, chặt chẽ trong thực hiện các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội thì ít có biểu hiện tiêu cực trong bầu cử. Nhưng việc bầu cử ở các địa phương thì còn nhiều ý kiến xì xào về giới thiệu nhân sự và "chạy phiếu bầu". Ngoài việc cố ý tỏ ra “dễ tính”, giả vờ thân tình để mọi người ủng hộ mình thì còn có hiện tượng vận động bầu cho người thân thuộc, người cùng quê, cùng họ, dàn xếp để “đôi bên cùng có lợi”, thậm chí là trắng trợn “mua phiếu”… Khá nhiều đảng viên biết ít thông tin về các ứng cử viên, không đủ tỉnh táo để nhận ra ai là người thực sự xứng đáng, hoặc dễ bị tình cảm cá nhân, lợi ích nhóm chi phối… dẫn tới thiếu khách quan trong bầu cử.

Vấn đề đặt ra là các cấp ủy đảng phải rất quan tâm nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho đảng viên trong việc bầu cử ở đại hội đảng các cấp. Nhất là phải quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đại hội đảng bộ các cấp và bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Ðại hội XIII của Ðảng” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, phân tích cho đảng viên hiểu rõ các tiêu chuẩn của cấp ủy viên; đặc biệt là giúp đảng viên biết nhìn nhận, đánh giá cán bộ một cách khách quan, toàn diện, lấy phẩm chất đạo đức và hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu, tránh đánh giá phiến diện, chủ quan, cảm tính; biết nhận diện những "con lươn, con chạch", những biểu hiện của việc vận động “chạy phiếu”, từ đó, đảng viên có trách nhiệm nghiêm túc, công tâm trong bầu cử. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin về nhân sự tham gia bầu cử cũng phải bảo đảm sự khách quan, đúng nguyên tắc. Các nhân sự đang “có vấn đề” thì phải kiểm tra, làm rõ và thông báo công khai cho đảng viên biết; kiên quyết không đưa vào danh sách bầu cử những trường hợp không xứng đáng, có vi phạm, nhiều dư luận xấu.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/hoi-am-bai-canh-giac-voi-cac-chieu-tro-chay-phieu-bau-622663