Hơi ấm ngày xuân

'Con ước năm mới con sẽ thật khỏe mạnh, học thật giỏi để trở thành chiến sĩ Công an'; 'Con ước mai này con sẽ thành bác sĩ để chữa bệnh cho bà'…và cũng có những em chỉ ước 'Con ước được gặp bố mẹ'…

Đó là những điều ước trong năm mới của các em nhỏ đang được Công an tỉnh Sơn La trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Những ước mơ thật trong sáng, giản dị và những ước mơ đó đã, đang được các bố, các mẹ tại Công an tỉnh tiếp tục “chắp cánh” giúp các em.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Vân, Giám đốc Công an tỉnh cùng các con gói bánh chưng nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Vân, Giám đốc Công an tỉnh cùng các con gói bánh chưng nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc

Tết Quý Mão 2023 đã đến, cái se lạnh nơi đại ngàn trùng điệp núi trời Tây Bắc cùng màu trắng tinh khôi của hoa mơ, hoa mận và những “nàng” Ban lại khoe sắc thắm đã tô điểm thêm cho bức tranh đẹp xinh nơi miền sơn cước. Một mùa xuân mới, tiếp tục cho những ước mơ mới, ước mơ của con trẻ, ước mơ của khắp mọi nhà. Đây là cái Tết thứ 2 của “Nuôi em”; đề án được triển khai từ tháng 9/2021 với 4 em nhỏ ban đầu và giờ đây “Nuôi em” đã trở thành một trong những điểm nhấn đậm nét trong bức tranh toàn cảnh của Công an tỉnh Sơn La.

Đến nay, Công an tỉnh Sơn La đã nhận nuôi tổng số 23 em nhỏ; 23 hoàn cảnh, mỗi em là một câu chuyện không ai giống ai… Em lớn 12 tuổi, em nhỏ lên 6… Sau một thời gian về với mái nhà “Nuôi em” các em đã khác ngày trước rất nhiều, không còn dáng vẻ bẽn lẽn, sợ sệt như những ngày mới đến; nay khi thấy chúng tôi từ xa các em đã ào ra đón như đàn chim non.

Những tấm thiệp lì xì được trao tới các con với mong muốn một năm mới bình an, hạnh phúc

Những tấm thiệp lì xì được trao tới các con với mong muốn một năm mới bình an, hạnh phúc

Ngày hôm nay ở đơn vị Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Sơn La vui hơn bao giờ hết, tiếng nô đùa, tiếng cười nói của lũ trẻ như xua đi cái rét của tiết trời. Các em ai ai cũng nô nức khi hôm nay được các bố, các mẹ tại Công an tỉnh Sơn La tổ chức gói bánh chưng nhân dịp Tết cổ truyền. Tất cả tạo nên một khung cảnh ấm áp, gần gũi, thân thương…

Trong không khí của mùa xuân, các em đều háo hức hưởng ứng, có em đây là lần đầu tiên được gói bánh, nhưng cũng có em đã là lần thứ hai được trải nghiệm hoạt động này. Đôi chỗ còn vụng về, nhưng với sự hướng dẫn của các bố, các mẹ, các em cũng đã có những thành quả đầu tiên là những chiếc bánh xinh xắn, đáng yêu.

Trong quá trình các em cùng các bố, các mẹ gói bánh chưng, một cô bé người nhỏ nhắn, đôi mắt sáng và rất tập trung cho hoạt động này đó là em Lò Thị Lưu, lại gần trò chuyện mới biết, em đã vô cùng nỗ lực để được đến trường như bao bạn bè khác. Bà em đã già yếu, mẹ em đi bước nữa, cuộc đời của em cứ quanh quẩn với bà trong ngôi nhà như muốn đổ ụp xuống ở huyện Phù Yên. Và với em, được về ở với cô chú Công an là điều mà em cũng như bà mình mong muốn từ rất lâu nay, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở thành một công dân tốt, và quyết tâm trở thành một chiến sỹ Công an nhân dân, cống hiến cho bản làng quê hương của em.

Sau một thời gian cùng các bố, các mẹ gói bánh chưng, các con đã có những thành quả đầu tiên

Sau một thời gian cùng các bố, các mẹ gói bánh chưng, các con đã có những thành quả đầu tiên

Không chỉ có Lưu, 4 chị em nhà Lý Thị Dê, Lý Thị Sông, Lý A Hụ và Lý A Chợ ở xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn cũng có hoàn cảnh “bi đát” không kém. Thấy chúng tôi, các em đã mừng rỡ ào ra để đón như những người thân lâu ngày không gặp, để nói về hoàn cảnh của các em, quả thực đó là cả một câu chuyện dài.

Chúng tôi còn nhớ, những ngày của tháng 8/2022 khi đến Phiêng Cằm cùng đoàn công tác Công an tỉnh để đón các em về nuôi dưỡng là những khoảnh khắc không thể nào quên. Bốn em nhỏ, chị lớn mới 8 tuổi, nhưng cũng phải gồng gánh để kiếm từng bữa cơm cho các em nhỏ còn lại. Bên ngôi nhà tạm bợ, xiêu vẹo trước gió mưa 4 chị em nhà Dê, Sông, Hụ, Chợ sống ngày qua ngày, dẫu nắng hay mưa vẫn sống trong căn nhà ấy, không có bất cứ một đồ vật gì giá trị. Với chúng tôi thứ giá trị nhất trong căn nhà đó chính là hơi ấm của 4 em.

Khi tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh, chúng tôi không khỏi đau xót, bố mẹ các em đã mất, có một người chị, nhưng chị cũng đã bỏ đi đâu không rõ, một người chú thân thiết nhất của các em cũng vì quá nghèo nên không thể nuôi nổi các em. Mỗi ngày, 4 chị em cứ lang thang nơi này, chỗ kia để xin ăn, có ăn là tốt, còn không thì lại ôm bụng đói chờ đến ngày hôm sau đi xin ăn tiếp, và vòng luẩn quẩn cứ như thế trôi qua nhiều năm.

Không khí ấm áp của những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023 tại Công an tỉnh Sơn La

Không khí ấm áp của những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023 tại Công an tỉnh Sơn La

Về với các bố, các mẹ Công an Sơn La, các em được ăn ngon, có những bộ quần áo mới, và đặc biệt hơn việc học là ưu tiên số một. Bởi chỉ có học hành tử tế, các em mới có thể viết tiếp những ước mơ của mình.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Vân, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cho biết: Đề án “Nuôi em” sẽ giúp các em có một cuộc sống tốt hơn, được sống trong một môi trường lành mạnh, phát triển toàn diện, tránh những cạm bẫy ngoài xã hội cho đến khi các em 18 tuổi. Không chỉ có vậy, “Nuôi em” của Công an tỉnh Sơn La sẽ là ngôi nhà thứ hai của các em, mang hơi ấm của tình yêu thương của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an Sơn La.

Là năm thứ hai chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ Phòng Hậu Cần được phân công nhiệm vụ ăn, ở, chăm sóc các con; đến nay chị vẫn nhớ như in bữa cơm đầu tiên khi đón các em về đơn vị. “Hôm ấy, nhìn các con ăn ngon mà lòng tôi vui sướng. Tôi tự nhủ, những đứa trẻ này từ hôm nay sẽ trở thành những đứa con của mình, nhiệm vụ sẽ có nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu trẻ thì bản thân tin mình sẽ làm được”.

Ngoài rèn luyện tác phong chuẩn chỉ, đúng giờ, Công an tỉnh Sơn La còn phân công cán bộ, chiến sĩ mỗi buổi tối vào đơn vị Phòng Cảnh sát cơ động để kèm các em học bài, uốn nắn từng thao tác, từng nét chữ, từng môn học. Dù vậy, đôi lúc nỗi nhớ nhà vẫn trào lên trong các em, hay có những khi các em mải chơi mà không nghe lời, những người “bố”, người “mẹ” không thể dùng kỷ luật để uốn nắn. Khi ấy, những lời nói dịu dàng, cái ôm ấm áp mới chính là “liều thuốc” ngọt ngào trả lại nụ cười hồn nhiên, trong sáng nhất cho các em.

Ở cùng các em nam mỗi đêm, đối với Trung sỹ Lò Văn Nhượng, chiến sỹ Phòng Cảnh sát cơ động tâm sự: “Các con đến bây giờ đã tự giác lắm. Sáng dậy sớm quét nhà. Tới giờ là tự lấy ghế ngồi ăn cơm. Chiều về lăng xăng nấu cơm cùng các “mẹ” chăm sóc vườn rau, nhổ cỏ, bắt sâu… Có các con, cuộc sống ở đơn vị vốn chỉ có điều lệnh và kỷ luật thép, giờ thêm tiếng trẻ vui cười, bỗng thân thương như ở nhà”.

Với Đề án “Nuôi em”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Vân, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La tin tưởng, các con sẽ không chỉ được nuôi dưỡng về thể chất mà còn cả về tâm hồn; được sống trong môi trường tràn đầy tình yêu thương, có trách nhiệm và định hướng đúng đắn, chuẩn mực về nhân cách để tương lai các con sẽ tươi đẹp hơn.

Qua quá trình nuôi các em tại đơn vị, thế mới thấy, nuôi dạy một đứa trẻ, dù trong thời gian ngắn hay dài, cũng đều cần sự tận tâm, chỉn chu và tình yêu thương chan chứa, thậm chí bằng cả một cuộc đời nhọc nhằn vượt khó - như cách chị Thủy, Trung sĩ Nhượng hay mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Sơn La đang ngày ngày thể hiện với 23 đứa con nuôi của Công an.

Đề án “Nuôi em” của Công an tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục triển khai đến từng bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất trên địa bàn toàn tỉnh, để từ đây “Nuôi em” sẽ là “đôi cánh” giúp các em viết tiếp hành trang và những ước mơ của mình tại mái nhà thân thương mang tên - “Công an tỉnh Sơn La”.

Cao Thiên - Trung Hiếu

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/hoi-am-ngay-xuan-i681607/