Hội An cần gì để gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO?

Hội An hoàn toàn có thể ghi điểm với những thế mạnh là nghề thủ công mỹ nghệ và văn hóa nghệ thuật, như tượng nghệ thuật tái chế từ gốc tre hay thanh củi lũ.

Hội thảo “Tham vấn xây dựng hồ sơ gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN)” vừa được tổ chức chiều 16/6 tại tỉnh Quảng Nam.

Hội An là không gian hội tụ nhiều yếu tố về văn hóa, du lịch cùng sự sáng tạo trên nhiều khía cạnh.

Hội An là không gian hội tụ nhiều yếu tố về văn hóa, du lịch cùng sự sáng tạo trên nhiều khía cạnh.

Theo Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, UCCN hiện có hơn 300 thành viên từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Ở Việt Nam, sau khi Thủ đô Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia UCCN trong lĩnh vực thiết kế vào ngày 31/10/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chọn 7 thành phố tham gia UCCN gồm Cần Thơ, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hạ Long, Hải Phòng, Hội An, Huế, thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Dự kiến năm 2023, Việt Nam sẽ trình UNESCO hồ sơ 2 thành phố là Hội An (lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian) và Đà Lạt (lĩnh vực âm nhạc).

Phát triển Hội An là thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch

Bí thư Thành ủy Hội An Trần Ánh chia sẻ, trong dòng chảy của toàn cầu hóa, Hội An cần có những cơ chế, chính sách, giải pháp tiếp tục chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Hội An rất cần tiếp nhận các yếu tố bên ngoài một cách có chọn lọc để không ngừng làm giàu thêm và tiếp tục tạo ra giá trị gia tăng từ văn hóa bản địa, phát triển một cách bền vững.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định, việc tham gia UCCN mở ra cho Hội An những triển vọng và cơ hội mới, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo điều kiện cho quá trình sáng tạo, sản xuất và giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động văn hóa; tăng cường hợp tác trong khu vực và quốc tế, xây dựng Hội An là một điển hình như một thành phố toàn cầu trong việc bảo tồn, phát huy di sản, đổi mới sáng tạo và phù hợp với tầm nhìn, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam về "Xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch” trong thời gian đến.

Các đại biểu tham gia hội thảo chiều 16/6.

Các đại biểu tham gia hội thảo chiều 16/6.

Theo đánh giá từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội An được đánh giá là một trong những đô thị nổi trội ở Việt Nam nhờ tính quốc tế cả trong quá khứ và hiện tại, cũng như các yếu tố đặc sắc về văn hóa, lịch sử, con người, kiến trúc đô thị và các di sản được gìn giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả. Hiện nay, Hội An còn cùng lúc sở hữu 2 di sản thế giới được UNESCO công nhận là Phố cổ Hội An (năm 1999), Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (năm 2009) và nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam - di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại (năm 2017), trong đó, Hội An là một trong những nơi bảo vệ và phát huy rất tốt giá trị của Bài chòi.

Hội An còn là điểm đến du lịch nổi bật, thu hút nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế, cũng như tụ hội nhiều trí thức, nghệ sĩ đến hoạt động về lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Những đặc điểm trên đã và đang giúp Hội An từng bước trở thành một không gian sáng tạo, nơi các ngành công nghiệp văn hóa có thể phát triển rực rỡ trong tương lai.

Hội An cần gì để tham gia UCCN?

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh, thời gian qua, thành phố đã nỗ lực tập trung mọi nguồn lực, huy động mọi khả năng để khẩn trương triển khai các bước lập hồ sơ tham gia UCCN và thực hiện nhiều công việc liên quan.

“Tuy nhiên, hiện nay Hội An đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn nhân lực trong các hoạt động thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian suy giảm. Sản phẩm thiếu đa dạng và chưa có nhiều cơ hội đầu ra. Cơ sở vật chất còn thiếu, nhất là những điều kiện đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ và tổ chức những hoạt động thực hành, khích lệ và lan tỏa sự tham gia sáng tạo của cộng đồng… Do vậy việc cần thiết tham gia UCCN là cơ hội tốt để Hội An nhận diện một cách đầy đủ, đúng tầm hơn về “vốn văn hóa” và tiềm năng sáng tạo của thành phố”, ông Lanh nhấn mạnh.

Những bức tượng gốc tre độc đáo ở Hội An do nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ sáng tạo.

Những bức tượng gốc tre độc đáo ở Hội An do nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ sáng tạo.

Bà Wannasri Panyaprachum, đại diện đoàn đại biểu thành phố sáng tạo Chiềng Mai (Thái Lan) chia sẻ kinh nghiệm tham gia UCCN với Hội An từ sự tương đồng giữa hai địa phương. Theo đó, đại diện từ Thái Lan góp ý Hội An cần tham khảo, đọc kỹ quy định, hướng dẫn của UNESCO về thủ tục, hồ sơ tham gia UCCN. Hồ sơ cần trình bày cụ thể, mạch lạc và đi vào trọng tâm những thế mạnh là nghề thủ công mỹ nghệ và văn hóa nghệ thuật. Trong đó không thể thiếu những mô hình sáng tạo như tượng nghệ thuật tái chế từ gốc tre hay thanh củi lũ. Đây là những mô hình hoàn toàn phù hợp với chương trình mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về bảo vệ môi trường, qua đó giúp Hội An “ghi điểm”.

Bà Nghiêm Thái Hạnh, phụ trách Hồ sơ Thành phố Sáng tạo của Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho hay, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng Hội An và phối hợp các cơ quan liên quan để hoàn thiện thủ tục nộp hồ sơ cũng như hỗ trợ, kết nối các chuyên gia, đối tác quốc tế, tổ chức, chính quyền các thành phố trong mạng lưới của UNESCO.

Ở phía địa phương, Hội An cần tiếp tục tiến hành xây dựng hồ sơ, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Hồ sơ cần nêu bật được các giá trị nổi bật của thành phố trong lĩnh vực đăng ký là Thủ công mỹ nghệ và Nghệ thuật dân gian có thể góp phần thực hiện các mục tiêu của mạng lưới, cơ hội phát triển, các chiến lược và chính sách phát triển toàn cầu. Đồng thời, thành phố cần chuẩn bị các văn bản theo như UNESCO quy định.

Trường Thành

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-dong/hoi-an-can-gi-de-gia-nhap-mang-luoi-cac-thanh-pho-sang-tao-cua-unesco-c2a55072.html